- Chị chuẩn bị tâm lý thế nào khi đóng cặp với bạn trai cũ - diễn viên Bảo Anh trong phim 'Người phán xử'?
- Tôi chỉ buồn cười vì thấy đúng là 'oan gia ngõ hẹp' (cười). Tôi là người đề cao công việc nên khi đã nhận lời thì phải làm việc nghiêm túc, không để những thứ khác làm mình phân tâm. Trên phim trường, tôi và anh Bảo Anh thậm chí còn không nói chuyện với nhau. Chúng tôi chỉ trao đổi khi cần tập kịch bản hoặc khớp thoại. Đó không phải vì ngượng mà là vì chúng tôi chẳng có gì để nói với nhau và cũng chẳng có nhu cầu tìm kiếm thông tin về nhau. Điều đó cũng không làm ảnh hưởng đến công việc vì khi vào vai, chúng tôi quên hoàn toàn bản thân, chỉ diễn thân phận của nhân vật mà thôi.
|
Thu Hoài trong phim 'Người phán xử' |
- Cơ duyên nào đưa bạn đến với vai Lê Thảo trong 'Người phán xử'?
- Trước khi tham gia Người phán xử, tôi đã nghỉ làm phim 2 năm rồi vì công việc chính của tôi ở ngân hàng phải làm theo giờ hành chính nên không có thời gian đi phim nhiều. Một buổi chiều, khi đang ngồi ở cơ quan và đặt lịch đi chơi Hàn Quốc, tôi nhận được điện thoại từ chị tổ chức sản xuất của Người phán xử. Khi nghe chị ấy nói qua về vai, tôi cũng cũng trình bày rằng mình chỉ có thể đảm nhận các vai ngắn và đi quay vào các buổi tối, cuối tuần hoặc những ngày nghỉ phép. Sau khi chị ấy đồng ý với điều kiện đó, tôi báo cáo và xin phép lãnh đạo cho đi làm phim. Năm tham gia Người phán xử, tôi phải dùng hết 24 ngày phép tích lũy từ hai năm 2015 và 2016, hoãn luôn kế hoạch du lịch và gần như không có ngày nghỉ nào.
- Cảnh quay nào khiến chị cảm thấy khó khăn nhất khi vào vai Lê Thảo?
- Trong một cảnh Lê Thảo bị bắt cóc, tôi bị mấy anh võ sư quăng lên rồi vứt xuống. Khi đó trời nhá nhem tối và đoàn phim yêu cầu phải làm thật nhanh để kịp giờ nên các anh ấy không để ý, ném tôi rơi thẳng vào cái rễ cây mọc chồi lên mặt đất ở trong rừng, khiến tôi bị dập một bên đùi. Sau đó, tôi bị thâm tím hết một mảng đùi suốt một thời gian dài.
Những cảnh bị đánh thì rất mệt nhưng không khó thực hiện bằng cảnh diễn tâm lý khi bố mất. Tôi còn nhớ nhiều lần cứ chuẩn bị diễn đến cao trào thì lại có tiếng chó sủa nên phải làm lại từ đầu vì phim thu âm đồng bộ. Những tai nạn như vậy khiến tôi rất khó nuôi cảm xúc để thực hiện tốt nhất có thể.
- Hiệu ứng của phim 'Người phán xử' ảnh hưởng đến cuộc sống của chị như thế nào?
- Tôi phải công nhận rằng sức lan tỏa của bộ phim rất lớn. Dù chỉ đảm nhận vai nhỏ và ít xuất hiện nhưng khi ra đường, nhiều người cũng nhận ra tôi. Mọi người thậm chí còn thì thầm hỏi nhau rằng 'Liệu đứa này có phải Lê Thảo không? Sao lên hình nó béo thế mà ở ngoài lại gầy thế?... Tôi cảm thấy rất buồn cười khi vô tình nghe thấy những tranh luận như thế về mình.
Theo yêu cầu của hóa trang, tôi phải hớt hết tóc lên khi vào vai Lê Thảo nên mặt tôi trong phim trông to và béo hơn ở ngoài rất nhiều. Khi phim lên sóng, các đồng nghiệp ở cơ quan cũng thường xuyên hỏi tôi "Ôi sao mà lên phim xấu thế, béo thế, khác hoàn toàn so với ở ngoài" (cười).
- Ngoài làm việc tại ngân hàng và đi diễn, chị còn làm MC thể thao và kinh doanh thời trang. Với lịch làm việc như vậy, chị làm cách nào để cân bằng cuộc sống?
- Khi mới tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, tôi chưa định hướng được bản thân phải làm gì nên mở cửa hàng thời trang vì thích kinh doanh từ nhỏ. Thời gian đầu, tôi đánh hàng từ Quảng Châu về bán. Sau khi bán được khoảng 1 năm thì trúng tuyển vào ngân hàng và không có nhiều thời gian đi lấy hàng nữa nên tôi chuyển sang kinh doanh hàng thiết kế. Vào ngân hàng được 1 năm thì tôi đi casting và trúng tuyển làm MC thể thao. Cùng lúc đó, tôi cũng nhận được lời mời vào phim Người phán xử.
Có nhiều ngày, tôi vừa kết thúc công việc ở cơ quan là chạy ngay đến bối cảnh để quay những cảnh buổi tối ở trong nhà. Mỗi ngày như vậy, tôi làm việc liên tục từ 8h sáng đến 12h đêm. Để thực hiện những cảnh ở miền núi, tôi đi theo đoàn vào các dịp cuối tuần, ngày lễ hoặc nghỉ phép. Với công việc MC, tôi chỉ bận rộn trong khoảng thời gian có giải Ngoại hạng Anh. Những lúc khác, tôi chỉ cần tranh thủ vào cuối tuần hoặc buổi đêm. Nhiều hôm, tôi đi dẫn đến 2h sáng và đến 7h sáng vẫn dậy đi làm bình thường.
Đối với cửa hàng thời trang, tôi quản lý bằng cách giao khoán các đầu việc cho từng người quản lý và chịu trách nhiệm trên nguyên tắc tôi là người chốt cuối cùng. Như vậy, tôi có thể làm nhiều việc cùng một lúc mà không phải đau đầu vì ôm đồm những việc nhỏ nhặt. Mọi người có thể thấy khối lượng công việc đó thật khủng khiếp nhưng tôi thấy cũng bình thường. Vì khi bạn làm những gì mình thích sẽ giống như vừa làm vừa chơi.
- Bận rộn như vậy, chị dành thời gian nào cho người yêu?
- Vì không có người yêu nên tôi mới làm nhiều để giết thời gian (cười). Tính tôi nếu không có việc thì không chịu được. Nếu mệt quá, tôi sẽ nghỉ một ngày. Nhưng nếu nghỉ đến ngày thứ hai, tôi sẽ cảm thấy chân tay bứt rứt rất khó chịu.
Tính tôi thích làm việc từ thời sinh viên. Ngày xưa, tôi làm đủ nghề bán quần áo, ghi order cà phê... Những công việc ấy giúp tôi có khoảng 800.000 - 1.000.000 đồng mỗi tháng. Mẹ từng ngăn cản tôi đi làm bằng cách không mua xe cho nhưng tôi vẫn nhờ bạn đèo xe đạp chở ra cửa hàng cà phê để đi làm. Bố mẹ bảo không cần phải thế nhưng tôi vẫn sống chết đòi đi làm.
- Người đàn ông như thế nào sẽ khiến chị rung động?
Người đàn ông tôi cần đầu tiên phải cho tôi có cảm giác tin tưởng, vui tính và chỉn chu trong công việc. Tôi không đòi hỏi người yêu phải giàu có nhưng cần anh ấy phải có chí tiến thủ. Đến thời điểm này, tôi vẫn chưa tìm được người hợp về tính cách vì rất khó có được sự tin tưởng. Sự tin tưởng ở đây bao hàm cả sự chung thủy và những lời khuyên của họ dành cho mình. Tôi không thích những người mà tôi làm gì cũng ủng hộ và cho rằng như vậy là tốt rồi mà tôi muốn người ấy chỉ ra cho tôi cái gì là đúng, cái gì là sai và đưa ra những lời khuyên tôi nên làm gì và không nên làm gì. Như vậy, tôi mới có thể yên tâm mà dựa vào.
Tôi cần một người đàn ông đủ tâm và đủ tầm. Tầm không phải là giàu có mà là cái đầu biết suy nghĩ chín chắn. Tôi tin rằng một người có đủ sự chín chắn bây giờ có thể chưa giàu nhưng sau này với suy nghĩ và sự tiến thủ, họ nhất định sẽ giàu và thành công. Tôi đánh giá cao suy nghĩ hơn là sự giàu có và tôi cũng không bị ảnh hưởng bởi sự giàu có bề nổi.
Tôi có cảm giác người mình cần vẫn chưa đến chứ không phải vì kén chọn hay cho rằng bây giờ vẫn chưa phải thời điểm để yêu. Tiêu chí chọn đàn ông của tôi không quá cao nhưng đến tuổi này, tôi nghĩ mình cũng phải khó tính, không thể thích là yêu như thời sinh viên được. Nếu gặp ai đó và không xác định đi được đường dài với nhau, tôi sẽ phanh ngay từ đầu để đỡ mất thời gian và tình cảm của cả hai bên.
- Chị phản ứng thế nào trước những người đàn ông mà mình không thích?
- Nếu cảm thấy không đi đến đâu thì tôi sẽ lơi ra, ví dụ người ta nhắn tin thì rất lâu sau tôi mới trả lời hoặc ít nói chuyện dần dần. Như vậy, người ta sẽ tự biết là mình không muốn đi xa trong mối quan hệ đấy. Nếu tôi thích ai đó thì có khi chưa cần người ta đến, tôi đã chủ động bật đèn xanh và tấn công rất mạnh. Nhưng 5 năm rồi, tôi không yêu ai cả.
- Tại sao chị chọn 'nghề tay phải' là nhân viên ngân hàng thay vì làm diễn viên?
- Tôi từng phải đấu tranh tư tưởng nhiều lắm. Hai năm đầu sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tập trung cho việc kinh doanh và khi nộp đơn vào ngân hàng, tôi cũng chỉ nghĩ là thử xin việc xem thế nào chứ không xác định sẽ đi làm. Thế rồi tôi may mắn trúng tuyển. Khi tôi thông báo đỗ vào ngân hàng, cả bố mẹ lẫn ông bà tôi và những người họ hàng đều rất vui. Thực sự là tôi chưa bao giờ thấy bố mẹ vui đến thế vì các cụ lúc nào cũng thích con gái ổn định, kể cả kinh doanh cũng không bằng nhà nước.
Nhiều lúc tôi cũng tự nhận là mình hèn. Tôi quyết định chọn công việc và cuộc sống ổn định vì 2 lý do, thứ nhất tôi chỉ có một thân một mình bươn chải ở thành phố này nên đành hy sinh đam mê diễn xuất để đi theo công việc ổn định. Thực ra, khi thấy các bạn đi làm phim, tôi cũng bứt rứt chân tay lắm. Thứ hai, gương mặt của con gái chỉ được vài ba năm rồi và rồi cũng sẽ có những gương mặt mới thay thế mình. Trong khi đó, môi trường ngân hàng nơi tôi làm việc lại rất tốt, rất văn minh. Các sếp cũng tạo điều kiện để tôi thỉnh thoảng đi diễn nếu không làm ảnh hưởng đến công việc. Nếu một lúc nào đó xuất hiện bước ngoặt khiến mình cảm thấy cần phải chọn một thứ thôi thì tôi mới cần quyết định lại.
- Cơ duyên đưa chị đến với nghề diễn?
- Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật Chèo ở Tuyên Quang. Từ khi còn nhỏ, tôi đã theo bố mẹ đi diễn rồi bắt chước các tích Chèo cổ nhưng chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ theo đuổi nghệ thuật. Bố mẹ cũng thường xuyên nói với tôi rằng 'nghệ thuật bạc lắm, con gái đừng nên theo' nên trước khi ra Hà Nội, tôi hoàn toàn không có định hướng sẽ trở thành diễn viên. Tuy nhiên, tôi lọt vào top 4 diễn viên trẻ triển vọng của cuộc thi Cầu Vồng 2009 do VTV tổ chức và bén duyên nghề diễn từ đó.
Thời gian đầu, bố mẹ cũng sợ tôi đi đóng phim sẽ làm ảnh hưởng đến việc học tại trường. Tuy nhiên, tôi dần dần khẳng định mình không chỉ làm tốt cả hai mà còn tự chủ về tài chính thì bố mẹ rất yên tâm. Từ năm thứ hai đại học, tôi đã độc lập hoàn toàn về kinh tế khi không phải xin tiền gia đình.
Dù đi đóng phim không được quá nhiều tiền nhưng với sinh viên như tôi thời điểm đó, mỗi tháng kiếm được hơn chục triệu đồng là tương đối cao. Có những khi tôi chạy show điên đảo thì kiếm được hơn 20 triệu một tháng. Đến năm thứ hai đại học, từ số tiền kiếm được tôi có thể tiết kiệm và tự mua cho mình một chiếc xe máy trị giá 40 triệu đồng làm phương tiện đi làm. Dù vậy, cũng có lúc tôi thiếu tiền, trong túi chỉ có 30.000 đồng, toàn phải ăn mỳ tôm và cháo gói để chờ đến ngày nhận cát xê. Những lúc đó, kể cả mẹ có hỏi thì tôi vẫn khăng khăng rằng mình còn tiền và không cần nhờ đến sự chu cấp của bố mẹ. Vì từng trải qua những lúc như thế nên tôi thấy những khó khăn trong kinh doanh sau này cũng bình thường.