TAND huyện Cam Lộ vừa xét xử vụ án hiếm có, gọi là vụ án con bò. Ông Nguyễn Văn Ngãi (thôn Ba Thung, xã Cam Tuyền) có bầy bò thả trong rừng. Ông Trần Thanh (thôn Tân Hiệp, Cam Tuyền) cũng có đàn bò đi rong ở rừng đã nhiều tháng không trở về. Gia đình ông Thanh đi tìm, gặp bầy bò của ông Ngãi và cho rằng trong đó có một con bò của mình. Ông Ngãi không đồng ý. Hòa giải không được, ông Thanh kiện ra tòa. TAND huyện Cam Lộ tuyên con bò đúng là của ông Ngãi. Bước chân ra khởi cửa tòa, ông Ngãi nói: “Mấy tháng qua, gia đình tôi phải hầu đến ba... vụ án con bò như vậy”.
Theo Người Lao Động, xã Cam Tuyền nằm sát rừng xanh. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề chăn nuôi đại gia súc. Mỗi gia đình ít nhất có chục con bò, nhiều thì cả trăm. Ban đầu, họ chăn nuôi trâu bò theo truyền thống, sáng lùa trâu bò đi ăn ở trên rừng, chiều đón về trong chuồng gỗ. Nhưng đàn trâu bò phát triển quá nhanh, các gia đình ở đây không đưa bò về mỗi ngày mà thả chúng ngủ lại giữa rừng, vài hôm lên thăm một lần. Dần dần rồi quen, những đàn bò này không thèm về với chủ nữa, trở thành bò hoang. Rồi những đàn bò này nhập bầy, sống chung với nhau. Ai mới nhìn vào cũng cho rằng đó là bò của mình sinh sản nên cứ vô tư đón về. Vì thế mới có vụ án con bò.
Hiện tượng bò đi hoang lần xảy ra cách đây khoảng 3 năm. Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền Hoàng Văn Vinh ước tính, cả xã có 400 bò vào rừng, trong số này có rất nhiều bò cái. Nếu tính theo sinh sản tự nhiên thì đàn bò đi hoang của Cam Tuyền đến nay đã cả nghìn con. Ông Vinh ngao ngán nói: "Nhà tôi cũng có bầy bò 18 con đi hoang, nay vẫn không tìm ra. Thiệt hại kinh tế rất đáng kể”.
Bà Nguyễn Thị Hoàng than: “Trước kia, chuồng bò nhà tôi lúc nào cũng chật cứng bò lớn nhỏ. Nay chúng đi sạch, không còn một con. Thằng con trai không có tiền học đại học cũng vì bò đi hoang”. Giá trị đàn bò của bà Hoàng hơn 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Viện có đàn bò hoang lớn nhất vùng. Vốn liếng gia đình ông dồn hết để nuôi bò, nay cả đàn bò đi hoang. Ông Viện phân trần: “Không phải gia đình tôi lười nhác chăm bò, mà vì thiếu đồng cỏ nên đàn bò của tôi tìm lên những đồng cỏ xa xôi để gặm”.
Hằng ngày, người dân vùng này mang theo cơm gạo lên rừng tìm bò hoang đến đỏ hoe đôi mắt mà hy vọng có được chỉ vài phần trăm. Bởi vì, những con bò hoang rất tinh quái. Ban ngày, chúng ở giữa rừng, tối mới về phá hoại rẫy màu. Chỉ cần thấy bóng dáng của người là chúng bỏ chạy.
Bắt không được bò, người dân treo thưởng, ai tìm về một con bò sẽ được chia phần nửa con (giá trị tính bằng tiền). Nhưng đã có mấy người bắt sống được một con bò hoang, mặc dù chủ bò treo thưởng đã lâu.