Khán giả từng biết đến đêm nhạc world music đầu tiên của Quốc Trung với tên gọi Đường xa vạn dặm, câu chuyện âm nhạc dựa theo truyện "Người thiếu phụ Nam Xương", còn Vọng nguyệt lần này được xây dựng ngoài 2 chương trích ra trong Đường xa vạn dặm còn có những sáng tác quen thuộc của Quốc Trung, Phó Đức Phương, Lê Minh Sơn làm mới bằng phần hòa âm, phối khí theo phong cách world music.
Giữa thời điểm mà bóng đá là tâm điểm của mọi sự chú ý, Vọng nguyệt vẫn thu hút lượng khán giả chật kín cả khán phòng để cảm nhận world music một cách gần gũi và giản dị. Trên sân khấu, không phông màn trang trí, hai dàn trống xếp cao, phía dưới là dàn nhạc điện tử của Quốc Trung, Niels Lan Doky, Hồ Hoài Anh cùng các nghệ sĩ nhạc dân tộc Thanh Hoài, Xuân Diệu, Hoàng Anh, Thanh Thủy... Sự đơn giản trên sân khấu có lẽ là ngụ ý của Quốc Trung và ê kíp làm nhạc của anh bởi họ muốn mang đến cho khán giả một không gian chỉ có âm nhạc và âm nhạc.
Nhạc sĩ Quốc Trung. Ảnh: Jundat. |
Phần đầu của chương trình, khán giả được thưởng thức 2 chương Vọng nguyệt và Ngồi tựa song đào trích trong Đường xa vạn dặm. Trong không gian vắng lặng, tiếng đàn bầu não nề, tiếng đàn tranh ai oán, sáo da diết, nỗi nhớ thương của người thiếu phụ dâng trào qua chất giọng ai oán nao lòng của Thanh Hoài. Rồi không gian chợt bừng lên, thoát khỏi sự buồn bã với Ngồi tựa song đào. Một cảm giác vừa lạ, vừa quen tràn ngập giữa khán phòng khi chất quan họ Bắc Ninh cất lên bằng khúc nhạc đêm của dàn nhạc điện tử và dàn trống hiện đại. Người nghe không thấy sự khập khiễng giữa truyền thống và hiện đại bởi người nhạc sĩ đã biết cách hợp nhất dân ca và nhạc đương đại hòa quyện vào nhau. Công chúng cũng một lần nữa lại được thưởng thức tài nghệ của nghệ sĩ hát xẩm Xuân Diệu với tiếng nhị réo rắt, khả năng khẩu thuật tài tình được khán giả cổ vũ nhiệt tình.
Nếu ở phần đầu của Vọng nguyệt thể hiện sự "hoài cổ" với phần trình diễn của những giai điệu truyền thống nổi bật giữa phần đệm của dàn nhạc điện tử và trống hiện đại thì phần hai lại là sự miêu tả ngược lại. Lần đầu tiên không chỉ có sáng tác của Quốc Trung mà ca khúc của Phó Đức Phương, Lê Minh Sơn cũng góp mặt nhưng với cách hòa âm, phối khí độc đáo. Ôi quê tôi của Lê Minh Sơn với chất giọng tuyệt vời của Tùng Dương hòa vào dàn trống đệm của Xavier và Ngọc Quân, tiếng sáo vi vút, tiếng đàn tranh như nước chảy đã có diện mạo mới: giản dị mà đắm say.
Quốc Trung và ê kíp biểu diễn trong chương trình "Vọng nguyệt". Ảnh: Jundat. |
Màn trình diễn được khán giả chờ đợi nhất là Thanh Lam với Một thoáng Tây Hồ, Hồ trên núi của Phó Đức Phương. Tuy nhiên, ở hai ca khúc này chưa thấy "bật" lên nét mới giữa những giai điệu đã quá quen thuộc. Chỉ đến bài Đá trông chồng của Lê Minh Sơn, Thanh Lam trở về đúng với sự nổi loạn vốn có của chị cùng với phần đệm tuyệt vời của trống cùng dàn nhạc dân tộc mà điểm nhấn là tiếng kèn sona, loại kèn mà người ta thường thấy ở các đám ma khi kết hợp vào dàn nhạc khiến khán giả ồ lên thích thú. Đặc biệt, màn trình diễn giữa hai tay trống Xavier và Ngọc Quân ở phần này tạo nên không khí sống động nhưng không kém phần tinh tế.
Bên cạnh những gương mặt quen thuộc trong ê kíp Quốc Trung là gương mặt lần đầu tiên xuất hiện của giọng ca trẻ Mai Thang. Ca khúc Con chim sâu của Quốc Trung khá vừa vặn với chất giọng nhẹ nhàng của giọng ca này cộng với cách xử lý bài hát khá thông minh. Mai Thang trước là thành viên của nhóm Sắc Màu (Hà Nội) và đang học thanh nhạc tại London. Cô sẽ đi cùng đoàn sang Đan Mạch với tư cách phiên dịch.
Giữa đôi bờ xa cách với sự thể hiện của hai giọng ca chính Thanh Lam Tùng Dương đã khép lại Vọng nguyệt trong tràng vỗ tay không dứt của khán giả. Quốc Trung đã làm cho những giai điệu dân tộc tưởng chừng như bị mai một mang một dáng vẻ mới mà không mất đi bản sắc. "Khó có thể định nghĩa cụ thể world music là gì, chỉ biết rằng con đường âm nhạc mà tôi đi chắc chắn sẽ kéo khán giả đến một không gian hoàn toàn mới của truyền thống hòa vào đương đại", Quốc Trung đã nói như vậy và anh đang làm được những điều mà mình mong muốn.
Huyền My