Người phụ nữ trên đi nâng ngực cách đây 5 năm. Sau khi nghe người thân nói về túi ngực nhám to hình giọt nước đã bị thu hồi ở châu Âu và Mỹ vì có thể gây phản ứng bao xơ hoặc sinh ra tế bào lạ quanh vỏ túi, cô mới nhớ đến túi ngực mình độn cũng là loại túi nhám to này.
Trở lại chỗ từng phẫu thuật cho mình với đề nghị rút túi ngực, cô được thẩm mỹ viện cho biết nếu mổ phải can thiệp đường khác thay vì rạch nách như mổ lần đầu.
Lo lắng vết mổ mới để lại sẹo, người phụ nữ tìm đến Bệnh viện Việt Đức. Sau khi được chụp cộng hưởng từ, kết quả chụp MRI cho thấy hình ảnh túi nâng ngực đã vỡ từ trước mà chị này không biết.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho hay quá trình phẫu thuật lấy túi ngực của bệnh nhân trên gặp không ít khó khăn vì vỏ túi nhám to nên đã bám chắc và dính chặt vào tổ chức xung quanh.
"Mất gần hai tiếng để phẫu tích lấy hết phần bao xơ dày và làm sạch tổ chức silicone lỏng đã tràn ra ngoài", PGS.TS Nguyễn Hồng Hà nói.
Theo bác sĩ Hà, có nhiều nguyên nhân biến chứng vỡ túi, trong đó có việc mổ bằng phương pháp không nội soi. Đây là phương pháp cũ còn được gọi là mổ mù nên có tỷ lệ biến chứng chảy máu, tụ máu, đau sau mổ và bao xơ co thắt cao hơn mổ nội soi. Nếu không may xảy ra biến chứng cần mổ lại, các bác sĩ không mổ được nội soi buộc phải mở một đường rạch khác ngay trên bầu ngực gây mất thẩm mỹ.
Phạm Chiểu