- Lấy bối cảnh là cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều người nghi ngại "Dòng máu anh hùng" dễ đi vào vết xe đổ, anh thấy sao?
- Chúng tôi không khai thác đề tài chiến tranh. Cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ là bối cảnh. Ở đó, nhân vật Cường do tôi thể hiện là một người Việt làm việc cho Pháp. Chúng tôi nhấn mạnh vào mâu thuẫn bên trong tâm lý của Cường, giữa một bên là công việc và một bên là ý thức dân tộc. Song song đó là hình ảnh anh hùng của Thúy, nhân vật nữ do Ngô Thanh Vân thể hiện.
Mối tình của Cường và Thúy làm cho bộ phim nhẹ nhàng hơn. Tôi nghĩ, phim có ý nghĩa nhưng tính giải trí vẫn rất cao. Đặc biệt, những màn đấu võ được chúng tôi chăm chút rất cẩn thận.
Diễn viên Johnny Trí Nguyễn. |
- Đâu là cánh cửa mở ra thế giới cho bộ phim khi chúng ta còn thua kém nhiều về kỹ thuật và kỹ xảo?
- Khi nói về hướng đưa sản phẩm ra nước ngoài, chúng ta hay đổ lỗi cho sự thua kém về kỹ thuật và kỹ xảo. Có lẽ ý nghĩ này xuất phát từ mặc cảm của chúng ta về trình độ khoa học kỹ thuật.
Thực chất, quan trọng nhất vẫn là kịch bản. Không thiếu những bộ phim Hollywood đầu tư hàng trăm triệu đôla cho kỹ xảo nhưng vẫn không thành công. Trong khi không ít phim kinh phí thấp lại thu hút khán giả và đoạt nhiều giải thưởng. Quan trọng là kịch bản tốt và hướng thể hiện trên phim phù hợp với kịch bản.
- Kinh phí làm phim từ 800 nghìn USD trong dự kiến lên đến 1,5 triệu USD ngoài thực tế. Anh nghĩ sao khi có ý kiến rằng sai số gần gấp đôi đó là một biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp?
- Khoản tăng thêm là để đầu tư cho phần hậu kỳ và in sang tiến hành tại bốn nước Mỹ, Đức, Thái Lan và Việt Nam. Thật sự, ngay từ khi Dòng máu anh hùng chưa hoàn chỉnh, chúng tôi đã mang một bản chiếu nháp đi giới thiệu và Hãng Weisteins của Mỹ đã đồng ý mua. Nhưng chúng tôi không muốn "bán lúa non", chúng tôi muốn tự mình làm cho đến mức hoàn chỉnh nhất có thể.
Trước hết là làm cho đã, cho thỏa mong muốn sáng tạo của anh em. Dù không có những tín hiệu tốt từ phía các hãng nước ngoài thì chúng tôi vẫn sẽ làm như thế.
- Mua được chữ "làm cho đã" với giá 1,5 triệu USD tại Việt Nam vẫn còn quá rẻ so với những nước khác trên thế giới, anh nói sao về điều này?
- Rẻ! Nhưng ngoài Việt Nam, còn có nhiều nước khác cho phép chúng tôi làm phim "cho đã" với giá đó hoặc thấp hơn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn chọn Việt Nam vì chúng tôi là người Việt, chúng tôi muốn làm được một cái gì đó cho đất nước này.
- Trước anh, nhiều Việt kiều cũng về nước làm phim nhưng khán giả vẫn thấy đó là cái nhìn của một người sống tại nước ngoài nhìn về Việt Nam. Anh có thay đổi "cái nhìn Việt kiều" của mình trước khi làm "sản phẩm Việt"?
- Ngay tại Mỹ, nơi có nhiều kiều bào sinh sống, Việt kiều cũng phân chia thành hai nhóm. Một nhóm luôn tự giới thiệu mình là người Mỹ gốc Việt. Ngược lại, vẫn có những người chỉ xem mình là người Việt sống tại Mỹ.
Bản thân tôi thấy mình không có gì thay đổi trong "cái vốn Việt Nam", từ khả năng nói tiếng Việt cho đến nhiều thứ khác. Nhưng hãy để những người giao tiếp với mình nhận xét. Hãy để khán giả đến rạp và nhận định xem Dòng máu anh hùng có "cái nhìn Việt kiều" hay không.
- Nhưng dù sao anh vẫn là một người sống tại Mỹ từ năm 9 tuổi, tác phong làm việc đã được xây dựng từ bên kia, về đây làm việc với ê kíp Việt Nam, anh cảm thấy thế nào?
- Tôi học được từ bên Mỹ một điều: Mỗi nơi, mỗi vùng văn hóa có một cách làm việc, cách vận hành công việc khác nhau. Tốt nhất là người mới đến nên học theo cách làm việc của môi trường mới.
Làm việc với ê kíp Việt Nam, tôi thấy mọi người rất nhiệt tình, ai cũng sẵn sàng làm hơn cái phần công việc họ phải làm. Mọi người không chỉ làm việc theo đúng trách nhiệm như nhiều nơi tôi đã hợp tác.
- Người Việt có câu: "Nhiệt tình cộng bất tài ra phá hoại", chuyện làm... quá tay xem ra cũng không phải là biểu hiện tốt, anh nói sao đây?
- Cái quan trọng là cách người ta quản lý, tổ chức công việc, cách anh ta đặt mỗi người vào đúng vị trí phù hợp với năng lực của họ. Chọn ê kíp làm việc cũng là một chuyện rất quan trọng. Chính vì vậy, chúng tôi rất kỹ trong thời gian casting, chọn lựa ban đầu.
- Anh đã quen với cách làm việc ở Việt Nam, anh tính thế nào về chuyện làm việc lâu dài tại quê hương?
- Với những lời mời hợp tác thì tôi có thể đi bất cứ đâu khi có yêu cầu phù hợp. Nhưng nếu là kế hoạch riêng của mình thì tôi sẽ vẫn làm tại Việt Nam.
- Là một người chồng và là bố của hai đứa con, chuyện đổi môi trường sống anh phải cân nhắc những gì?
- Tôi có hai đứa con, một bé 2 tuổi và một bé 4 tuổi. Lúc đầu mới về thì các bé đòi trở lại bên kia, vì cuộc sống bên này dù sao vẫn còn thiếu tiện nghi so với thói quen sinh hoạt cũ, nhất là thời gian ấy, tôi còn ở nhà thuê (tại Việt Nam). Nhưng ở lứa tuổi đó, các con tôi cũng rất dễ thích nghi, đặc biệt là bây giờ, các bé đã đi học, có nhiều bạn bè tại trường.
Riêng vợ tôi thời gian vừa rồi cũng theo đoàn làm phim, hiện tại thì chưa tìm công việc khác. Tôi để tùy cô ấy quyết định, ở lại Việt Nam hay về Mỹ là do cô ấy lựa chọn.
- Với người Việt, nói về vợ mà bảo "tùy" là một sự thờ ơ, "có vấn đề", anh nói sao về điều này?
- Đấy là sự tôn trọng quyền lựa chọn cá nhân. Tôi quan tâm đến vợ mình theo cách khác. Ngay cả bây giờ, nhiều người hỏi tôi về phụ nữ, bảo nhận xét về cô này cô kia thì tôi chịu, tôi không muốn nói. Vì tôi là người đã có vợ, tất nhiên tôi sẽ nói rằng vợ mình là người đẹp nhất!
- Anh không đưa ra lời nhận xét về những người con gái khác vì anh khéo hay vì vợ hay ghen?
- Đã yêu, ai chả ghen. Mà người Việt Nam của mình còn có một kiểu ghen nữa, đó là "ghen bóng ghen gió".
- Nhưng một anh chàng đẹp trai, lại thích "làm điệu" cho mình bằng quần áo bụi và dây đeo thì muốn vợ không ghen cũng khó, anh giải thích thế nào?
- Đừng nhìn những "trang sức" của tôi mà hiểu lầm. Tôi thích đeo dây, vòng như một cách biểu hiện cá tính riêng. Ví dụ như khi mua một chiếc xe, tôi cũng sẽ trang trí cho nó theo phong cách mình muốn. Tôi không thích xe của mình giống bao nhiêu chiếc khác cùng mẫu mã. Việc đeo trang sức cũng vậy, không phải vì tôi muốn mình đẹp hơn hay điệu đàng hơn, mà chỉ đơn giản đó là cá tính của tôi, tôi muốn thể hiện nó ra như thế.
(Theo Thế Giới Văn Hóa)