![]() |
Hai cô gái quê Tây Ninh được “cò” mồi dẫn cho người nước ngoài “xem mắt”. |
![]() |
Tại xã An Thạnh, cô bé Ngô Thị Thủy, sinh năm 1987, được nhiều người biết đến là đẹp người, đẹp nết. Năm 2000, vừa mới học hết lớp 6, Thủy được một người đàn bà ở TP HCM đến nhà dạm hỏi lấy chồng ngoại. Thấy chàng rể người Đài Loan, dù hơn cô gần 30 tuổi, nhưng bề ngoài trông rất hào hoa, luôn cười nói vui vẻ với mọi người, cha mẹ Thủy cũng yên tâm. Đám cưới diễn ra tại một khách sạn ở quận 11, TP HCM. Sau đó, gia đình nhận được từ “bà mai” 6 triệu đồng, còn Thủy được chồng rước về Đài Loan bắt đầu cuộc sống mới. Ngay khi đặt chân đến nhà chồng, Thủy bị mẹ chồng lột hết nữ trang, vì lo ngại cô bỏ trốn về Việt Nam.
Kể từ đó, gia đình không còn nhận được tin gì của Thủy. “Bặt tin con 2 năm, gia đình tôi cứ tưởng vợ chồng nó sống ở miền quê chắc khó khăn về thư từ liên lạc, chớ đâu có ngờ...”, mẹ cô nghẹn lời. Trong thời gian ở nhà chồng, cuộc sống của Thủy ngày cũng như đêm chỉ quanh quẩn với công việc nhà và đồng áng. “Nghĩ của chồng công vợ, nó cũng ráng chịu đựng khổ cực, nhưng càng ngày chồng nó càng không coi nó ra gì, hễ có rượu vào là y như rằng con Thủy phải chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết...”- bà mẹ nói trong nước mắt. Đến một ngày, nhận được tin con sẽ trở về nhà, bà vui mừng thuê xe mời hàng xóm cùng lên TP HCM rước con. Nhưng khi thấy đứa con gái từ trong sân bay bước ra với vẻ mặt thiểu não, không mang hành lý, trên người chỉ mặc một bộ đồ dính người, bà rụng rời tay chân, té xỉu tại chỗ. Sau một năm về nước, đến nay, Thủy đã có công ăn việc làm ổn định và sắp lập gia đình. Mẹ cô tâm sự: “Nỗi đau vừa qua gia đình tôi xem như một cơn ác mộng. Có đói, khát thì cũng bám quê hương mà sống...”.
Những đứa trẻ không có khai sinh
Chán chường, thất vọng với cảnh làm dâu cơ cực ở xứ người, một số cô gái đã tìm mọi cách bỏ trốn về nhà. Như trường hợp của Nguyễn Thị Bảo ở thị trấn Bến Cầu, không chịu nổi cảnh lao động cực nhọc ở gia đình chồng, Bảo trốn về Việt Nam, bỏ lại đứa con mới hai tuổi. Cứ chiều chiều, bà con ở thị trấn lại thấy Bảo đi lầm lũi một mình từ đầu xóm đến cuối xóm, vẻ mặt cứ ngơ ngơ ngác ngác như vừa đánh mất một vật gì đáng giá. PV Người Lao Động hỏi: “Bỏ về Việt Nam một mình, chẳng lẽ em không nhớ con?”. Bảo trả lời chua chát: “Con mình dứt ruột đẻ ra, sao mà không nhớ! Nhưng biểu em trở qua bển thì... em chịu, đành vậy”.
Tại hội thảo về tình hình kết hôn với người nước ngoài do UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức mới đây, lời khẩn cầu được làm khai sinh cho cháu ngoại của ông Lưu, ở xã An Thạnh, làm không ít đại biểu tham dự xúc động. Năm 1999, con ông Lưu là cô Trần Nguyệt Thương (sinh năm 1974), dù đang có nghề nghiệp ổn định vẫn đồng ý lấy một ông chồng Đài Loan 62 tuổi. Về nhà chồng được 6 tháng, không hiểu vì lý do gì, Thương bỏ về nhà với cái thai trong bụng. Sau khi sinh con ở quê nhà, Thương, nhất định không sang Đài Loan dù gia đình cô đã nhiều lần thuyết phục. Nghe tin con dâu đẻ, gia đình chồng cô ở Đài Loan đã gởi tiền chu cấp đều đặn hằng tháng, song Thương vẫn một mực không thay đổi quyết định. Gặng hỏi mãi, Thương mới thừa nhận cuộc sống ở nhà chồng rất nhàm chán “vì cuộc sống chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường và ba mẹ chồng quá khắt khe!”. Đến giờ, đứa bé con Thương đã hơn 5 tuổi song chưa có khai sinh.
Đoạn kết của những mối tình xuyên quốc gia còn kết thúc ở tòa án. Ở thị xã Tây Ninh, bà con địa phương vẫn còn kháo nhau về một phiên tòa xử ly hôn giữa cô Vân và ông chồng Đài Loan trạc tuổi bố cô. Lấy nhau được vài năm, do quá chênh lệch về tuổi tác và bất đồng ngôn ngữ cũng như cách sống, cả hai đưa nhau ra tòa ly dị. Những người dự khán không khỏi ngạc nhiên khi thấy ông chồng của cô Vân đến tòa trên chiếc xe lăn.
Nhiều giải pháp vẫn... không ăn thua!
Bà Phạm Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bến Cầu, nhìn nhận: “Việc môi giới kết hôn dựa trên sự ưng thuận giữa người môi giới với nạn nhân và gia đình họ, do đó những thông tin thu thập về loại đối tượng này rất ít, nhất là việc tố cáo của nạn nhân sau khi họ bị lừa đảo bán ra nước ngoài”.
Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh thừa nhận dù đã cố gắng nhưng họ cảm thấy bị đuối sức. Thực tế, sở đã phải “lách luật” để hạn chế tình trạng kết hôn như một tuần chỉ nhận hồ sơ một ngày và không quá 25 hồ sơ. Thậm chí khi nhận hồ sơ cũng không hẹn ngày giao mà kéo thêm khoảng 1 tuần mới làm biên nhận, hẹn ngày giao giấy chứng nhận kết hôn. Sở không chấp nhận việc ủy quyền nộp hồ sơ mà bắt buộc khi nộp hồ sơ phải có mặt cả 2 người... Vậy mà vẫn không ăn thua.
Giải pháp thành lập Trung tâm Tư vấn hỗ trợ kết hôn với người nước ngoài (do Hội LHPN tỉnh quản lý) cũng gặp không ít trở ngại về nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất... Hội LHPN tỉnh kiến nghị: “Trong trường hợp trung tâm này đã hình thành, nên chăng buộc các cô gái lấy chồng Đài Loan phải thông qua trung tâm tư vấn và có giấy giới thiệu thì Sở Tư pháp mới cấp giấy chứng nhận kết hôn”.
Khi PV lên xe trở về TP HCM, Hội LHPN huyện Bến Cầu cho hay có tin thêm một cô gái vừa trốn về từ Đài Loan do không chịu nổi cảnh nô lệ tình dục ở gia đình chồng...