Võ Hạ Trâm đón con gái đầu lòng vào 16h30 ngày 12/7. Vợ chồng nữ ca sĩ đặt tên cho con gái là Chaudhary Vaishali Tây Phương, tên thân mật là Moon. Lúc chào đời, em bé nặng 3,3 kg, dài 50 cm. Khi nhìn ngắm con, cô nhận xét bé có gương mặt giống hệt bố - doanh nhân người Ấn Độ Vikas Chaudhary. Sau 9 ngày lên chức, nữ ca sĩ dần bình phục sức khỏe và có những chia sẻ với độc giả Ngoisao.net về ngày đón con chào đời.
- Một điều khiến nhiều sản phụ khó quên lúc vượt cạn là các cơn đau đẻ. Còn trải nghiệm đó diễn ra với chị như thế nào?
- Do xương chậu của tôi quá hẹp và đầu em bé khá to nên bác sĩ đã chỉ định mổ bắt thai để an toàn cho mẹ và bé. Thật lòng tôi cũng mong muốn được một lần trải nghiệm cơn đau đẻ như các mẹ sinh thường, nhưng chắc không phải là lần này rồi, hay đợi mấy lần sau ta? (cười).
- Đi sinh ngay lúc Covid-19 diễn biến phức tạp, chị gặp phải trở ngại gì?
- Vợ chồng tôi vô cùng thuận lợi từ lúc khám sàng lọc Covid-19 cho cả hai đến lúc lên phòng mổ. Có điều trước khi sinh tôi phải qua nhiều chốt chặn, phải đi đường vòng. Ngoài ra, tôi có chút lo lắng nhẹ, bồn chồn vì biết mình chuẩn bị bước vào một cuộc phẫu thuật lớn.
- Quá trình sinh mổ của chị đã diễn ra như thế nào?
- Ngày nằm trên bàn mổ, lúc bác sĩ chuẩn bị gây tê tủy sống, tôi niệm Phật liên tục. Bác sĩ còn hỏi "Sao em rên dữ vậy?" vì tôi niệm nhỏ chỉ đủ để mình nghe. Sau đó, quá trình sinh mổ diễn ra nhanh hơn tôi nghĩ, chỉ kéo dài khoảng 15 phút. Tôi đợi các bác sĩ thao tác, chuẩn bị cho công đoạn tiền phẫu thuật như gây tê, chuẩn bị dụng cụ. Lúc bác sĩ bắt đầu mổ bắt thai, tôi dường như nín thở chỉ để chờ nghe tiếng khóc của con. Đến khi nghe Moon cất tiếng khóc chào đời, với tôi đó là khoảnh khắc khó quên nhất.
Moon khóc giọng nữ trầm trong khi tôi có giọng cao thánh thót. Nhưng sau khi bác sĩ làm sạch đờm họng, vệ sinh, tôi nhận ra giọng em Moon còn thánh thót hơn cả mẹ. Em khóc không ngừng nghỉ, khi người ta đặt em lên ngực mẹ, em cũng khóc; đặt em lên ngực ba, em cũng khóc như đang báo hiệu với ba mẹ là con đã chào đời khoẻ mạnh rồi, con chờ đợi giây phút đoàn tụ này lâu lắm rồi.
- Cảm xúc của chị khi thấy con?
- 9 tháng 10 ngày vừa qua, tôi chỉ có thể cảm nhận con qua từng cái đạp hay những lúc chuyển mình của bé. Vì thế, tôi đã trông đợi từng ngày để được nhìn ngắm, nâng niu con. Đến khi nghe tiếng khóc của con, tôi như vỡ oà cảm xúc. Lúc bác sĩ đặt em Moon lên người tôi, tôi được ôm em vào lòng, được tận tai nghe em oe oe khóc, được ngắm nhìn nét đẹp của em, tôi cảm nhận một cảm xúc diệu kỳ như đang "chạy" khắp người mình. Tôi chẳng biết diễn tả cảm xúc ấy ra sao nhưng nó có vị của hạnh phúc. Tôi cho rằng tạo hoá đã ưu ái trao cho người phụ nữ thiên chức làm mẹ và giây phút hạnh phúc diệu kỳ ấy là một phần trong món quà đó.
- Trong lúc chị ở phòng phẫu thuật, chồng động viên chị ra sao?
- Chồng tôi được các bác sĩ cho vào phòng mổ để động viên tinh thần của vợ. Do tôi đã được chích thuốc tê nên chỉ lo chút ít, còn anh có vẻ còn lo nhiều hơn tôi, phần vì thấy tôi mất máu khá nhiều, phần vì sốt ruột muốn nhìn mặt con. Dù vậy, anh luôn vuốt ve mặt vợ, hôn lên trán tôi và thủ thỉ: "Con mình đẹp lắm, dễ thương lắm, mẹ Trâm kiên cường lắm, cố lên nha!"
Nghe những câu động viên của chồng, lúc đó tôi xúc động lắm lắm nhưng do đang đeo máy thở, nếu khóc sẽ bị nghẹt mũi và không thở được nên tôi vẫn phải giữ vững tinh thần và kiểm soát cảm xúc của mình.
- Sau khi trải qua ca phẫu thuật, sức khỏe và tinh thần của chị hiện tại ra sao?
- Những ngày đầu làm mẹ với tôi cũng đầy cảm xúc. Con bú rồi ngủ, ngoan ngoãn và đáng yêu vô cùng. Nhìn con yêu mà tôi xúc động, thấy rằng làm mẹ là điều hạnh phúc nhất với mình nên dù thiếu ngủ, bị có đau vết mổ tôi cũng thấy đáng. Vì con là điều đáng yêu nhất đã đến với tôi.
Sức khoẻ của tôi giờ đã ổn định. Mẹ và con đều vuông tròn cả rồi. Tôi luôn tâm niệm sẽ nuôi con bằng sữa mẹ nên khi đón bé về phòng bệnh, tôi đã cho con bú trực tiếp. Những ngày đầu sữa non ra ít nhưng tôi không vì thế mà stress, tôi kiên trì ăn uống khoa học các nhóm chất, ưu tiên rau và đạm, ít tinh bột, không dầu mỡ, uống từ 3 – 4 lít nước ấm mỗi ngày để có sữa cho con cũng như giữ tinh thần luôn vui tươi. Chính vì thế đến ngày thứ ba sau sinh, sữa về nhiều hơn, đến bây giờ trộm vía sữa "tràn bờ đê".
Tôi thấy mình may mắn khi được tiếp cận các kiến thức nuôi con khoa học từ sớm để tự tin hơn trong việc bắt đầu hành trình làm mẹ, khởi đầu là việc nuôi con bằng sữa mẹ để con có nguồn dinh dưỡng tốt nhất để phát triển một cách toàn diện.
- Việc tập đi sau sinh là trải nghiệm khó khăn bậc nhất với nhiều bà mẹ, đặc biệt là sản phụ sinh mổ. Còn với chị thì sao?
- Nếu dùng từ thử thách để mô tả việc tập đi sau sinh chắc là chưa đủ với tôi. Vì là sinh mổ nên tôi đau vết mổ kinh khủng, chịu co thắt liên tục cộng thêm "combo" phản ứng phụ của thuốc tê. Do đó, việc tập đi càng khó khăn hơn. Nhưng tôi lì lắm, tôi là một bà mẹ gymmer nên với tôi không gì là không thể.
Với sự giúp sức của chồng, tôi đã tập những bước đi đầu tiên vào ngày thứ hai. Dù choáng váng và chịu cơn co thắt nhưng tôi vẫn cố vì làm như thế giúp cơ thể lấy lại cân bằng nhanh hơn, từ đó hồi phục nhanh hơn. Có như thế tôi mới đủ sức lo cho con. Động lực vì con lúc đó ghê gớm lắm, đã giúp tôi cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn. Giờ nghĩ lại tôi còn "ớn da gà" nữa (cười).
- Sau hơn một tuần chào đời, con gái chị có nết ăn, ngủ như thế nào?
- Tôi không biết các bé sơ sinh khác ra sao nhưng em Moon có vẻ thương mẹ lắm. Em bú sữa mẹ rồi ngủ, không quấy khóc nhiều nên mẹ và em luôn có những giấc ngủ ngon lành. Chồng tôi còn ngạc nhiên không hiểu sao mẹ con nhà này yên ắng, ăn ngủ được thế. Nhờ con gái hợp tác nên những lúc phải thức đêm để cho em bú hay dọn dẹp vệ sinh, tôi cũng không thấy mệt.
Hằng Trần thực hiện