*Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Đúng như tựa đề Vô diện sát nhân, nữ chính Phương Anh luôn sống trong sợ hãi vì bị một tên biến thái giấu mặt, mặc đồ đen truy đuổi. Bóng đen bí ẩn này ban đầu đánh đập, đâm giết cô trong những giấc mơ, khiến nữ bác sĩ không đêm nào ngủ tròn giấc. Nhưng dần dà, chuyện cô gặp trong mơ bước ra đời thật, đẩy Phương Anh vào nỗi sợ kinh hoàng.
Càng cầu cứu, cô càng bị người xung quanh nghi ngờ. Rồi đến một ngày, chính cô cũng hỏi bác sĩ tâm lý của mình bằng giọng ngờ vực: "Tôi bị điên phải không?". Trong lúc tìm cách đưa mình vượt khỏi vũng lầy của tâm trí, Phương Anh nhận ra mỗi người thân thiết bên cạnh đều có khả năng là thủ phạm.
Bộ phim có phần mở đầu khá ấn tượng, khi đặt nhân vật vào cảm giác hoang mang và nỗi sợ kéo dài. Phương Anh chịu nhiều đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, cả trong chiêm bao lẫn ngoài đời thực, khiến cô không còn phân biệt nổi lúc nào là thật, lúc nào là mơ. Mỗi lần thấy mình bị giết, cô lại choàng tỉnh và nhận ra chỉ là ác mộng, tựa như cô mắc kẹt trong một vòng lặp sinh - tử, nhiều lần đối diện cái chết.
Phong cách phim này còn mới ở Việt Nam nhưng đã quen thuộc với nhiều tác phẩm kinh dị quốc tế, gần đây nhất là Happy Death Day của Hollywood - bộ phim kể về cô gái liên tục bị giết vào sinh nhật rồi sau đó tỉnh giấc và nhận ra chỉ là mơ. Vận dụng công thức kể chuyện này, Vô diện sát nhân tạo hiệu quả tốt về thị giác và cảm giác, trong những khoảnh khắc nhân vật bị tra tấn. Theo dõi câu chuyện của Phương Anh, khán giả cũng dần bước vào cơn hỗn độn cảm xúc. Tuy nhiên, nội dung vòng lặp có dấu hiệu bị lạm dụng, kéo dài đến hơn nửa phim, gây nhàm chán và lê thê, vô tình làm các phần truyện quan trọng hơn bị lép vế.
Phương Anh là một nữ chính đáng thương của màn ảnh Việt. Bề ngoài, cô có cuộc sống nhiều phụ nữ ao ước: gia sản giàu có, hôn nhân hạnh phúc, sự nghiệp thăng tiến. Nhưng thực tế, cuộc đời cô đầy những vết sẹo, bởi những gì đau đớn nhất đối với một người phụ nữ - bị phản bội, bị quấy rối, bị hãm hiếp - cô gái này đều từng nếm trải.
Bị vùi dập bởi những gã đàn ông hướng về mình cái nhìn thèm khát dung tục, đôi khi cô gái đáng thương cũng phủ nhận chính mình, giam mình trong im lặng và vờ như bi kịch chưa từng hiện hữu. Và so với phần truyện truy sát kể trên, bóng đen quá khứ đeo bám nhân vật là tuyến truyện càng đáng để khai thác hơn, nhưng đáng tiếc được xây dựng quá nông.
Quá trình Phương Anh tìm ra bộ mặt thật của từng người kề cận được diễn giải hời hợt. Nhân vật mắc kẹt trong bi kịch quá lâu nhưng sau cùng tự giải thoát mình một cách dễ dàng. Xót xa cho cuộc đời của nhân vật bao nhiêu, người xem dễ bị chưng hửng với phần giải quyết vấn đề ở cuối phim bấy nhiêu.
Kịch bản Vô diện sát nhân mắc lỗi muôn thuở của phim điện ảnh Việt, đó là kết cấu đầu voi đuôi chuột và xử lý vấn đề bằng lời thoại. Bày biện rất nhiều tình huống mang tính hù dọa ban đầu, làm cho người xem cảm nhận thủ phạm hẳn phải rất thâm hiểm. Vậy mà cuối cùng, "trùm cuối" chưa đánh đã khai, chưa bị nữ chính nghi ngờ đã tự thú tội.
Về bản chất, kẻ thủ ác cũng có vấn đề tâm lý, cũng có góc khuất đáng thương lẫn đáng trách. Nếu biên kịch và đạo diễn khéo léo cài cắm các tình tiết của nhân vật này từ đầu, khắc họa nhân vật này sâu hơn, "trùm cuối" sẽ ra dáng ở phía đối trọng với nữ chính Phương Anh và câu chuyện giữa họ sẽ càng chạm vào trái tim khán giả.
Chưa kể, bộ phim sử dụng chất hài không hợp lý. Giữa lúc tâm lý nhân vật đang được xây dựng hiệu quả, một chi tiết tấu hài không liên quan chen vào phá hết không khí phim. Nhiều tuyến vai và nhiều cảnh chọc cười vô thưởng vô phạt, cắt bỏ cũng không ảnh hưởng mạch truyện. Ứng xử của các nhân vật đôi khi gây cười vì phi lý.
Nhập vai Phương Anh, diễn viên Phương Anh Đào mang đến thêm một màn trình diễn tròn trịa. Cô thuyết phục ở thần thái thiếu ngủ, mệt mỏi, sức khỏe tinh thần suy nhược; đồng thời biểu lộ có chiều sâu tâm lý phức tạp, nhiều nỗi đau giằng xé của nhân vật.
Sau vai diễn cô gái mù bị tên biến thái truy đuổi trong phim Bằng chứng vô hình hai năm trước, ngọc nữ một lần nữa cho thấy độ lăn xả với nghề. Trong phim, cô liên tục chạy trên đôi giày cao gót, bị đánh đập, kéo lê, dìm nước, quấn băng keo kín mặt. Nhìn Phương Anh Đào trên màn ảnh, khán giả có thể cảm nhận được sự đau đớn của nhân vật.
Cùng nữ chính Phương Anh Đào, nữ phụ Oanh Kiều cũng có bước làm mới mình và tiến bộ. Thoát ra khỏi cái khung cô gái nghèo, yếu đuối, hay bị bắt nạt trên phim, Oanh Kiều thử sức với hình ảnh phản diện và tâm lý bất thường. Đáng tiếc, vai diễn của cô không được đào sâu, đánh mất không gian để cô thể hiện.
Trong khi đó, dàn diễn viên nam có phần lép vế hơn vì nhân vật được xây dựng không chắc chắn và diễn xuất của họ kém ấn tượng.
Bắt đầu từ một ý tưởng hay nhưng Vô diện sát nhân có hướng kể chuyện chưa tinh, chưa khéo. Phần cần đào sâu bị làm quá nông, phần mang tính gợi chuyện lại kéo dài không cần thiết. Một cách tổng thể, với chi phí 15 tỷ đồng và thời gian quay ngắn kỷ lục 18 ngày, bộ phim cũng cho thấy nỗ lực của êkíp. Phim dừng ở mức độ chê nhiều hơn khen nhưng được làm khá tử tế, không sa vào hạng thảm họa.
Phong Kiều