Bé Ken tên thật là Đăng Khang, con trai đầu lòng của vợ chồng ca sĩ Đăng Khôi và Thủy Anh, hiếu động đến mức ai gặp một lần rồi cũng phải nhớ mãi. Vì thế, cậu chuyện khủng hoảng tuổi lên 3 của cu cậu không ít lần khiến bố mẹ đau đầu. Thủy Anh chia sẻ: "Thời gian đầu của giai đoạn này, có nhiều khi mình thấy buồn rầu vì không hiểu sao bạn ý ngang bướng, thích làm theo ý mình, hay đòi hỏi, mè nheo, khóc lóc và thậm chí là ném đồ đạc...". Nhưng rồi, với tình yêu của người mẹ, sự kiên nhẫn và khéo léo, Thủy Anh đã nắm tay con bước qua "cửa ải" này một cách nhẹ nhàng nhất có thể. Bà mẹ hai con cho biết: "Đến ngày hôm nay, mình rất vui mừng khi anh ý chính thức bước qua 90% của giai đoạn khủng hoảng rồi", bà mẹ trẻ không giấu được chút tự hào khi chia sẻ về các chiêu riêng để rèn "cậu cả".
Trên trang cá nhân, Thủy Anh chia sẻ cách xử lý của mình với 7 "điều xấu xí" mà hầu như mọi đứa trẻ ở tuổi "khủng hoảng lên 3" đều mắc phải. Đó là:
1. Bé luôn nói ngược, làm ngược
"Khi mẹ hỏi con có ăn không, có muốn làm việc này không, câu trả lời của bé luôn là 'không'. Mẹ bảo con cất đồ chơi đi, bạn ý không cất và còn nói thêm: 'Ken mệt quá ạ'. Mình muốn Ken dừng việc chơi lại và ra đọc sách cùng mẹ, bạn luôn đánh trống lảng coi như không nghe thấy gì, mẹ nói 10 câu rã cả cổ họng cũng không thưa lấy một lời". Đọc những lời chia sẻ này, các bố mẹ có cảm thấy "quen quen" không?
Đó là bởi trẻ bước vào độ tuổi này bắt đầu nhận thức được về bản thân mình và thế giới xung quanh. Hành vi làm trái lại lời bố mẹ chính là cách các bé khẳng định chính kiến của mình. Tuy nhiên vì chưa phân biệt được đúng - sai, khả năng ngôn ngữ còn hạn chế nên bé không thể nói hết với bố mẹ những suy nghĩ của mình được. Đặc biệt, nếu bị người lớn cấm đoán thì bé càng có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ và hành vi chống đối.
Cách của Thủy Anh là "bé thích nói ngược, làm ngược thì bố mẹ cũng sẽ nói ngược, làm ngược". Chẳng hạn, khi muốn bé ăn, cô sẽ rào trước: "Ôi, đồ ăn ngon quá, Ken đừng ăn của mẹ nhé" hay khi muốn bé đọc sách, hai vợ chồng cô liền "tung hứng" rằng: "Sách này hay quá, bố Khôi xem thôi, đừng cho ai xem nha" để thu hút sự chú ý của bé rồi dẫn dắt bé vào câu chuyện mình muốn.
2. Bé mất tập trung, gọi mà không trả lời, không nghe lời bố mẹ
Thủy Anh thừa nhận đã có lúc cô phát cáu vì rơi vào tình huống này nhưng "cáu xong đâu vẫn vào đấy, Ken không có tiến triển gì hơn". Theo cô, người lớn hay đặt trẻ con vào vị trí của mình và nghĩ trẻ con cũng giống như mình, có sự kiên nhẫn và tập trung. Điều này hoàn toàn sai lầm. Bởi ở độ tuổi này, trẻ không thể tập trung được tới 15 phút mà luôn vận động, hết nghịch cái này lại tìm tòi cái khác.
Bố mẹ không nên trách phạt bé nặng nề vì con được khám phá mới phát triển được thể chất, trí não. Thay vào đó, mỗi lần con mất tập trung, Thủy Anh đều tự nhắc bản thân bình tĩnh, kiềm chế, suy nghĩ đến những điều vui. Sau đó, cô bày những trò vui để kích thích bé tò mò, rồi ôm bé vào lòng và thỏ thẻ với con những điều mẹ muốn. "Phải xác định rõ khi bố mẹ nói chuyện với con về những điều con chưa đúng và mong muốn con nghe lời mình, thì phải thực hiện rất nhiều lần để con nhớ, định hình nếp nhăn trên não của con".
3. Bé đòi làm mọi việc theo ý mình
Bé Ken nhà Thủy Anh - Đăng Khôi sớm có tính tự lập, từ việc ngủ tới đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo, đi giày hay vấp ngã phải tự đứng lên... Bởi vậy, khi bước vào tuổi "khủng hoảng lên 3", bé không muốn bố mẹ động vào những việc của mình và thích tự làm. Nếu bố mẹ có lỡ tay trợ giúp thì con giận dỗi, khóc lóc luôn.
"Thôi thì bé tự làm là tốt, mẹ lại phải mất thời gian một chút để hướng dẫn vậy. Những việc bé tự làm mà không bị ảnh hưởng tới sức khoẻ và an toàn của bé thì mình động viên và cổ vũ để cho bé làm nhanh. Còn những việc ảnh hưởng tới sự an toàn thì mình nghiêm khắc bắt con dừng lại, lại trò chuyện giải thích và kết thúc bằng việc chuyển hướng câu chuyện sang đúng vào sở thích của bé để bé quên đi việc đang đòi làm", đó là cách của Thủy Anh.
4. Bé khóc lóc, ăn vạ và hét toáng lên
Khi không đạt được điều mong muốn, bé phản kháng bằng cách ném đồ đạc, gào khóc, mè nheo, lăn ra ăn vạ, đập đầu... Bố mẹ càng dỗ dành thì bé càng ăn vạ, càng làm tới. Những lúc con như thế, Thủy Anh đều ôm con vào lòng và trấn tĩnh bé bằng cách lặp đi lặp lại một câu: "Bình tĩnh, bình tĩnh nào Ken". Sau đó, cô dò hỏi và khơi gợi những thông tin để bé nói ra điều bé đang muốn. Và cuối cùng, cô đánh lạc hướng bé bằng các trò chơi bé thích hoặc hỏi về ngày hôm qua của con chơi gì vui, con thích nhân vật hoạt hình nào.
Nếu bé vẫn tiếp tục gào khóc thì Thủy Anh sẽ "phớt lờ" bé và tiếp tục chăm chú vào công việc cô đang làm. Dần dần, con sẽ nhận ra rằng việc "ăn vạ" không "xi nhê" gì và dừng lại. "Mình quyết tâm rèn từ lúc ở nhà để bé quen việc gào khóc sẽ không đem lại kết quả tốt, do đó khi ra ngoài chỗ đông người bé sẽ hạn chế được nhiều thói hư này", Thủy Anh cho biết.
5. Bé đòi mua đồ chơi khi đi siêu thị, trung tâm thương mại
Thủy Anh kể lại rằng, đã có lần bé nằm vật ra sàn khóc lóc vì đòi mua đồ chơi mà không được và vợ chồng cô đã phải mất một thời gian khá dài để chỉnh đốn. "Vụ này mình đã rất thành công khi rèn Ken. Mình tuyệt đối không mua đồ chơi khi con đòi hỏi. Những lúc bé đòi mình dỗ dành nói rằng con sẽ có đồ chơi nếu con ngoan, ông Già Noel sẽ tặng cho con. Chắc chắn trong một khoảng thời gian mình không mua đồ chơi cho bé, chỉ mua những cái thực sự cần thiết và đi mua thì không có Ken đi cùng. Ngày Noel, mình mời ông già Noel tới và tặng quà to, đàng hoàng rồi quay video lại để Ken thấy khi là một em bé ngoan sẽ được phần thưởng to lớn, ý nghĩa. Thỉnh thoảng mang video đó ra mẹ con xem lại.
Trước khi đi chơi đâu, nhất là trung tâm thương mại, mình dặn Ken thật kỹ rằng con sẽ không đòi mua đồ chơi nhé, nếu có đồ chơi con chỉ được xem thôi, không mua. Nói đi nói lại và không bao giờ quên dặn bé trước mỗi buổi đi chơi. Dần dần Ken ý thức được và khi qua quầy đồ chơi bạn ý chỉ dám nhìn và tự nói: 'Ken không mua đâu, Ken chỉ nhìn thôi nha'".
6. Bé hay đánh bạn
Trẻ con ở độ tuổi này không tránh khỏi việc đánh nhau khi bé đi học, hay giành đồ chơi với nhau. Mỗi lần bị phản ánh con mình đánh con người khác, Thủy Anh đều thấy rất ngại vì không phải phụ huynh bé nào nào cũng hiểu và thông cảm cho tính cách của trẻ.
Thay vì đánh đòn, phạt nặng bé, Thủy Anh giải thích nhẹ nhàng để con hiểu đánh bạn là không tốt. Rồi cô đặt câu hỏi ngược lại để bé trả lời và ghi nhớ. Thỉnh thoảng, cô lại kể cho con các câu chuyện về hành vi đánh nhau rồi hỏi con việc nào đúng, việc nào sai. Hằng ngày, trước khi đi học, vợ chồng cô không quên nhắc con phải ngoan, không được đánh bạn. Và sau mỗi buổi đón con về, cả hai lại hỏi thăm tình hình ở lớp để kịp thời uốn nắn những điều cho làm chưa đúng.
7. Bé ham chơi và đòi hỏi không chính đáng
Để kiềm chế tính ham chơi của bé và hạn chế những đòi hỏi không chính đáng, Thủy Anh áp dụng chiêu "mềm nắn, rắn buông". Cô thường không dập tắt ngay sở thích của con vì sự quyết liệt như vậy của bố mẹ sẽ khiến con bị bức xúc, phản kháng lại. Thông thường, cô sẽ giao hẹn với con: "5 phút thôi nhé rồi con đưa lại cho mẹ" hoặc "5 phút thôi nhé rồi mình không chơi trò này nữa". Rồi cô ngồi chờ con, đếm đủ 5 phút và nhẹ nhàng thúc giục con đưa lại ipad hoặc đồ vật con đang chơi. Kể từ lần sau, mỗi lần đòi chơi cái gì, cô đều giao hẹn 5 phút để con hình thành thói quen không đòi hỏi, ỉ ôi nhiều và bé hiểu những việc đó cần phải được phép của bố mẹ thì bé mới làm.
Hà Nhi