Ngọc Thuý cho biết khi dịch bệnh bùng phát tại xứ cờ hoa, như tất cả mọi người, gia đình cô cũng bị ảnh hưởng, cuộc sống có nhiều thay đổi. Tuy vậy người đẹp không hoang mang, hoảng loạn mà bình tĩnh ứng phó với tình hình khó khăn.
"Chồng tôi hiện làm việc tại nhà vì toà án đã đóng cửa tránh Covid-19. Các văn phòng luật giờ chỉ mở khoảng 2 tiếng buổi chiều mỗi ngày để nhận thư từ. Ba con tôi nghỉ học từ tuần trước, dự kiến đến tháng 4 mới trở lại trường. Dịch bệnh ai cũng lo lắng nhưng cá nhân tôi thấy tình hình chưa đến mức quá nghiêm trọng. Ở Mỹ, chính phủ đã ban hành lệnh giới nghiêm nên đường phố rất vắng vẻ. Mọi người vẫn được đi chợ và ra ngoài khi có việc thiết yếu, cấp bách. Khung cảnh thành phố San Jose nơi tôi đang sống những ngày này ảm đạm chưa từng thấy. Bình thường chúng tôi khó kiếm chỗ đậu xe khi ra ngoài nhưng bây giờ khắp nơi trống trải, thênh thang. Ba ngày nay tôi chưa bước ra khỏi cửa chỉ quanh quẩn ở nhà nấu nướng, chơi với chồng con và lên mạng xem báo chí, bạn bè, người quen cập nhật thông tin dịch bệnh", Ngọc Thuý chia sẻ.
Các con của cựu người mẫu mới được nghỉ học vài ngày nên còn thích thú tận hưởng thời gian được thoải mái vui đùa cùng nhau. Bé lớn Tâm An chăm chỉ tập nhạc cụ hàng ngày. Cô bé hiện là thành viên ban nhạc của trường. Bé thứ hai Vân An thích đọc truyện còn cậu út Myles say mê chơi lego. Mỗi ngày Ngọc Thuý giới hạn cho các con được dùng Ipad và các thiết bị điện tử khoảng 2 tiếng.
"Tôi cố gắng suy nghĩ đơn giản, lạc quan, cho bản thân vài ngày thoải mái để làm quen với nếp sinh hoạt mới. Tôi nghĩ ra những điều cả nhà có thể làm cùng nhau thời gian này như sơn lại nhà, dạy các bé tự dọn dẹp phòng, học làm những món ăn mới hoặc cùng ông xã thảnh thơi chạy bộ quanh nhà, tập thể dục trên máy... Thỉnh thoảng cả nhà tôi cùng xem lại các phim về đại dịch để hiểu thêm về những biến cố sẽ phải đối mặt và chuẩn bị tinh thần vượt qua giai đoạn khó khăn này", Ngọc Thuý tâm sự.
Cựu người mẫu thấy buồn và bức xúc khi một số người tranh thủ tích trữ đồ khiến các siêu thị trống rỗng, những người khác không mua được thực phẩm. "Nếu ai cũng lo gom đồ thì thế giới sẽ càng hỗn loạn, hoang mang. Các y bác sĩ không đủ đồ dùng, thực phẩm thì sao duy trì sức khoẻ chữa trị cho ai được nữa. Khi đó những người tích trữ đầy lương thực trong nhà có đóng cửa sống yên ổn được không?", Ngọc Thuý nói. Cô xót xa khi đọc tin một y tá khóc vì không mua được chút hoa quả hay rau củ nào trong siêu thị, sau khi đã trực 48 tiếng trong bệnh viện.
May mắn là khu vực Ngọc Thuý sinh sống tình hình tích trữ lương thực không quá nghiêm trọng. Cô kể, tại các khu chợ mọi người phải xếp hàng, có hai nhân viên đứng ở cửa ra vào để đảm bảo không có tình trạng chen lấn, tranh nhau. Mỗi lần chỉ 10 người được vào chợ. "Lần gần nhất vợ chồng tôi đi chợ thấy vẫn bán rau củ quả tươi và thịt cá nhưng một số mặt hàng bị hạn chế để tránh tình trạng tích trữ quá mức. Khi vào chợ mọi người ý thức giữ khoảng cách, một số người Mỹ đã đeo khẩu trang. Dù dịch đang lan rộng, tôi vẫn cố gắng suy nghĩ tích cực, đọc các tin công bố quá trình điều chế vaccine, số người đã khỏi bệnh và các câu chuyện tình người trong thời đại dịch để vững tinh thần", Ngọc Thuý nói.