Gần đây truyền thông Nhật Bản thường ví vợ chồng cựu Công chúa Mako với cặp đôi Hoàng gia Anh là Hoàng tử Harry và vợ Meghan - những người rời nhiệm vụ hoàng gia Anh để "đi tìm tự do" tại Mỹ. Song theo CNN, hai bên không có nhiều điểm tương đồng.
"Các thành viên Hoàng gia Anh lớn lên trong sự giàu có, dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động từ thiện. Khi đến Mỹ, thông qua việc kể những câu chuyện về hoàng gia, Harry và Meghan đã kiếm được hàng triệu USD", Ken Ruoff, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản học tại ĐH Portland, nói.
Ruoff nói rằng sự rút lui khỏi hoàng gia của Công chúa Mako là "màn ra đi đầy kịch tính" song cho rằng vợ chồng cô sẽ chọn một cuộc sống yên tĩnh hơn. "Tôi nghĩ những gì sắp xảy ra chỉ là cặp đôi này sẽ biến mất mà thôi".
Nếu so sánh ở cấp độ bề mặt, đám cưới lặng lẽ ở Hoàng gia Nhật Bản mang nhiều sắc thái hơn. Và quan trọng nhất, Mako không lựa chọn từ bỏ danh hiệu hoàng gia của mình mà buộc phải làm vậy vì các quy định nghiêm khắc có từ lâu đời của Hoàng gia Nhật Bản.
Mako không phải là công chúa Nhật Bản đầu tiên chấp nhận đánh đổi thân phận hoàng gia để có cuộc sống như thường dân. Sayako - con gái duy nhất của Thượng hoàng Akihito - cô của Mako, đã rời hoàng gia vào 2005 khi kết hôn với Yoshiki Kuroda. Tuy nhiên, so với câu chuyện rời hoàng gia của cô ruột, mối tình của Mako và Komuro phải đối mặt với áp lực lớn hơn nhiều từ công chúng. Khi cả hai thông báo đính hôn vào tháng 9/2017, câu chuyện tình đẹp giữa họ được truyền thông và công chúng ca ngợi. Không lâu sau, mẹ Komuro bị hôn phu cũ tố quỵt khoản nợ 4 triệu yên (35.000 USD), truyền thông và công chúng lại chĩa mũi nhọn về cặp đôi. Đám cưới bị dời liên tục trong gần 4 năm và nhiều người thậm chí còn cho rằng Komuro là "kẻ đào mỏ", không phù hợp với công chúa cao quý.
Kei Kobuta, YouTuber chuyên làm video về hoàng gia, nói: "Có rất nhiều hoài nghi, lo ngại về Kei Komuro và mẹ anh, mọi người sợ hình ảnh của gia đình hoàng gia sẽ bị bôi nhọ". Kobuta cho hay nhiều người theo dõi hoàng gia xem Mako như em gái hoặc con gái họ và tin rằng cô đã lựa chọn sai.
Kumiko Nemoto, giáo sư Trường Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Senshu ở Tokyo, cho biết nhiều người Nhật muốn bảo tồn chế độ quân chủ lâu đời nhất và phụ nữ Hoàng gia Nhật Bản vẫn phải tuân theo những tiêu chuẩn tàn nhẫn nhằm củng cố các giá trị gia trưởng. "Công chúng Nhật Bản muốn cảm thấy thân thiết với các thành viên của hoàng tộc, nhưng họ cũng muốn gia đình hoàng gia tuân theo vai trò giới và các chuẩn mực gia đình, nơi họ tin rằng phụ nữ phải nghe theo quyền lực nam giới trong gia đình và quốc gia", giáo sư Nemoto, giải thích.
Bà Nemoto nhận định khi công chúng đặt những kỳ vọng quá lớn này vào gia đình hoàng gia, đôi lúc hậu quả là họ có xu hướng coi thường những người mà họ cho là làm hoen ố danh tiếng gia đình có huyết thống cao quý này. Bà cho biết nhiều người coi sự nghiệp của Komuro ở Mỹ là ích kỷ và việc anh lớn lên với người mẹ đơn thân là không ổn.
Mikiko Taga, một nhà báo hoàng gia Nhật Bản, nói rằng Mako - người đại diện cho gia đình hoàng gia trong các chuyến viếng thăm đến Bolivia và Peru - đã giành được cảm tình của công chúng ngay từ khi còn nhỏ. "Cách cư xử của cô ấy hoàn hảo. Mọi người xem cô ấy như một thành viên hoàng gia hoàn hảo".
Christopher Harding, giảng viên cao cấp về lịch sử châu Á tại Đại học Edinburgh, cho biết Hoàng gia Nhật Bản cũng được yêu cầu phải có một sự bí ẩn nhất định về họ. "Ở Nhật Bản không có nỗ lực nào nhằm tạo ra một 'chế độ quân chủ truyền thông' theo cách đã diễn ra một cách tiến bộ ở Anh. Có nhiều sự tôn trọng hơn ở Nhật Bản, dù điều đó không ngăn cản một số bộ tờ báo ở quốc gia này theo đuổi những câu chuyện phiếm kiểu lá cải".
Những áp lực từ công chúng và truyền thông khiến Công chúa Mako phải điều trị chứng rối loạn căng thẳng. Mako không phải thành viên nữ hoàng gia đầu tiên phải chịu áp lực quá lớn từ sự soi mói của công chúng. Hoàng hậu Masako cũng đang trong quá trình điều trị trầm cảm do hứng chịu sự chỉ trích về việc không thể sinh con trai nối dõi.
Sự ra đi của Mako một lần nữa sẽ khơi lại cuộc tranh luận về việc liệu luật của Hoàng gia Nhật Bản có nên được sửa đổi để cho phép phụ nữ kết hôn với thường dân được giữ tước vị hoàng gia của họ như nam giới hay không, qua đó củng cố danh sách người kế vị đang ngày càng ít ỏi. Nhưng nhà nghiên cứu Christopher Harding cho rằng nhiều người vẫn lo ngại đề xuất cho phép thành viên nữ duy trì địa vị hoàng tộc sẽ dẫn đến việc một nữ hoàng lên ngôi hoặc một hoàng đế xuất thân từ thành viên nữ trong hoàng tộc.
"Ngay cả khi đã có các hoàng hậu thoái vị trong quá khứ, ngai vàng vẫn luôn được truyền lại cho nam giới. Người Nhật Bản muốn bảo tồn truyền thống và lo lắng rằng nếu phụ nữ được phép lên ngôi thì một lúc nào đó trong tương lai, đất nước có thể sẽ có một Nhật hoàng có mẹ là dòng máu hoàng gia nhưng cha thì không. Điều này, đối với họ, sẽ là một vết nứt không thể hàn gắn với quá khứ", Christopher Harding, nói.
Ngày 26/10, Công chúa Nhật Bản Mako (cháu gái của Nhật Hoàng Naruhito) kết hôn với bạn trai thời đại học Kei Komuro một cách lặng lẽ, không tiệc chào mừng hay nghi thức hoàng gia nào được tổ chức. Cặp đôi chỉ đăng ký kết hôn tại một văn phòng ở Tokyo sau đó tổ chức một cuộc họp báo ngắn. Đám cưới lặng lẽ này cũng đánh dấu sự kết thúc thân phận hoàng gia của Công chúa Mako. Cặp vợ chồng mới cưới dự kiến đến New York sinh sống, nơi Komuro làm việc tại một công ty luật.
Sơn Nam (Theo CNN)