Trước khi lấy Hoa, Nam chỉ cảm thấy thích vì cô đẹp, hiền dịu lại chu đáo. Ai cũng vun vào bảo Nam lấy được Hoa là ông bà phải tu nhân tích đức từ kiếp trước. Vì thế, Nam nghĩ tình yêu rồi sẽ đến sau hôn nhân.
Thế nhưng điều mà Nam không nghĩ đến là sự khác biệt về quan điểm của hai người. Bắt đầu từ cách ứng xử nội ngoại, bạn bè rồi đến việc dạy con. Hễ có việc phải thảo luận, bàn bạc có sự thống nhất giữa vợ chồng thì kiểu gì cũng có xung đột. Sự chia sẻ từ đó thưa dần, những cuộc trò chuyện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giữa vợ chồng có một hố sâu ngăn cách mà cả hai đều sợ nhìn vào nó.
Nam và Hoa đều không có những mối quan hệ bên ngoài. Không nói ra nhưng dường như đầu họ chưa khi nào có chỗ cho từ "ly dị". Mỗi người sống trong thế giới riêng.
Cuộc sống sẽ mãi như vậy nếu không có sự xuất hiện của Luyến, nhân viên và là cấp dưới của Nam. Ban đầu chỉ là sự gặp mặt vì công việc. Lâu dần cả hai đã san sẻ chuyện riêng tư và gia đình ngoài cơ quan. Nam thấy cuộc sống thêm màu sắc.
Hoa biết chuyện của Luyến và Nam nhưng không mảy may phản đối. Nam không hề thấy một biểu hiện nghi ngờ gì trong cách cư xử của vợ. Tuy nhiên, một tuần sau cuộc gặp gỡ giữa Hoa và người tình, Luyến xin nghỉ việc, chuyển chổ làm và cũng chủ động chia tay với Nam.
Cuộc sống trở về như cái vỏ bọc vốn có của nó yên bình tĩnh lặng đến lạnh người. Không ai muốn ly dị và cũng không hề đề cập tới. Họ sống như chưa có chuyện gì xảy ra, chỉ có điều khác hơn đó là trở thành “hai người xa lạ” .
Dù biết tình cảm không còn, bất lực không có phương cách nào để thay đổi gia đình, nhiều cặp vợ chồng rơi vào tình trạng "bỏ thì thương mà vương thì tội". Trường hợp của chị Minh là một ví dụ.
Kết hôn 8 năm nhưng chưa lần nào Minh hưởng hạnh phúc của một gia đình thật sự. Trước khi lấy Hào, chồng cô, Minh thương lắm cái tính cần cù và lành tính. Thế rồi khi lấy nhau về cô lại thấy mọi điều ở chồng trở nên quá bình thường đến mức tầm thường. Tính cách mà cô yêu quý trước đây giờ không còn hấp dẫn nữa. Thay vào đó, cô thấy ở chồng sự an phận, thiếu ý chí vươn lên và chỉ biết đến công việc.
Anh chẳng ghen tuông hay tham gia vào bất cứ việc gì của vợ hay gia đình. Mọi thứ với Hào không có gì thay đổi lắm so với hồi chưa lập gia đình. Anh cho cô toàn quyền quyết định mọi chuyện.
Nhiều đêm, cần lắm một vòng tay ôm ấp của chồng cũng không có. Minh tưởng mình vô cảm, bởi cô cũng không có một hình bóng nào bên ngoài để san sẻ. Cô biết chồng cũng chẳng có người tình bởi với anh công việc là số một, bạn bè là số hai và gia đình là thứ yếu. Nghĩ lại trước đây Minh thấy mình thật sai lầm khi nhìn cái thứ yếu của Hào thành điểm mạnh để kết hôn.
Nhìn mấy gia đình người bạn mà Minh thấy thèm khát, nhưng không hiểu tại sao cô vẫn chấp nhận cách sống "có chồng cũng như không" từng ấy năm trời. Ly hôn thì dường như cả hai đều không nghĩ đến. Chỉ có Minh là luôn tự hỏi cuộc sống gia đình của mình là vì tình yêu hay trách nhiệm. Cô tặc lưỡi: "Cứ sống thế đến khi nào không chịu đựng được thì sẽ tính kiểu tắc đến đâu thông đến đấy vậy".
"Không ít gia đình hiện nay sống theo kiểu như hai cặp vợ chồng Nam-Hoa và Minh-Hào. Họ không nghĩ đến ly dị nhưng cũng chẳng biết cải thiện quan hệ bằng cách nào hoặc là họ cũng không muốn làm gì. Một vài năm có thể chấp nhận nhưng càng kéo dài thì cả hai sẽ không biết mình đã đánh mất những gì mà cuộc sống đã ban tặng cho họ đó là tình yêu và hạnh phúc. Cao hơn nữa là những người thân mà cụ thể là những đứa trẻ sẽ cảm nhận được gia đình theo cách cha mẹ chúng sống với nhau. Để cải thiện được tình hình này hai vợ chồng nên nói chuyện với nhau, nếu cả hai cùng không làm được thì bạn hãy nhờ tới người thứ ba tin cậy như người thân, bạn bè thân hay chuyên gia tâm lý để giúp tổ ấm của mình khi chưa quá muộn”, chuyên viên tư vấn tâm lý, đường dây nóng 1900 58 58 86 của công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn chia sẻ.
Ngọc Khanh