
Vợ chồng Baggio - Quỳnh Trâm và hai con trai sinh đôi ở Mỹ.
Trước khi cặp sinh đôi Ben - Liam đón tuổi lên 4, vợ chồng Quỳnh Trâm từng rất đau đầu để trị tật ăn vạ của con. Giống những đứa trẻ khác, hai bé khóc, lèo nhèo, có các phản ứng tiêu cực khi đói, buồn ngủ, đòi hỏi một thứ gì đó mà không được cha mẹ đáp ứng.
"Chăm hai bé sinh đôi không dễ dàng, đặc biệt là các thời điểm bé phát triển tâm lý. Là một người mẹ, tôi trải qua căng thẳng và tự nhủ mình phải tìm ra cách phù hợp để con chấm dứt thói xấu này", hot mom tiết lộ. Chị quan sát con kỹ lưỡng, cố gắng tìm hiểu tâm lý của con không chỉ để giúp bé dừng ăn vạ mà còn để kiểm soát cơn nóng giận mình tốt hơn.
Để uốn nắn con, hot mom luôn thực hiện đủ 6 bước mỗi khi con bắt đầu ăn vạ.
Bước 1: Luôn cố gắng giữ bình tĩnh, tránh nóng giận và tuyệt đối không đánh con. Nhiều lúc bất lực, Quỳnh Trâm luôn phải tâm niệm liên tục trong đầu: "Không đánh con, không la con", bởi vì chị biết nếu làm thế sẽ khiến khoảng cách giữa phụ huynh và con xa cách mà không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Bước 2: Bố mẹ tìm hiểu rõ nguyên nhân bé ăn vạ. Nếu lý do bé ăn vạ là vì con đói, buồn ngủ, đố kỵ tình cảm với anh chị em, bố mẹ không được bỏ qua.
Bước 3: Giải thích cho các con biết vì sao những yêu cầu của con không được đáp ứng. Bố mẹ nên sử dụng giọng nói nhẹ nhàng, cách nói nhất quán.
Bước 4: Nếu con vẫn không chịu hiểu lời bố mẹ nói, vẫn giãy nảy khóc gào ăn vạ, bố mẹ cần cho con một không gian yên tĩnh và an toàn để con tự trải qua cảm xúc tiêu cực của bản thân. Điều này sẽ giúp các bé trưởng thành hơn trong việc kiểm soát cảm xúc.
Bước 5: Bố mẹ thỉnh thoảng quan sát khi con ở trong phòng để đảm bảo con luôn an toàn. Không đến năn nỉ, dụ dỗ, cho con đồ chơi, nói lảng sang chuyện khác để làm xao lãng cảm xúc tức giận của bé, tạo hậu quả bé tái diễn việc ăn vạ ở những lần sau, tóm được điểm yếu của bố mẹ.
Bước 6: Sau khi bé đã trải qua các giai đoạn cảm xúc của mình, bé bình tĩnh dần và cần được bố mẹ xoa dịu. Lúc này, bố mẹ âu yếm, ôm con và giải thích lý do các yêu cầu của bé không được đáp ứng. Điều này giúp con cảm nhận tình thương của bố mẹ nhưng cũng hiểu các nguyên tắc, lý do vì sao bố mẹ không đáp ứng các đòi hỏi chưa chính đáng của bé.
Nhờ kiên trì với 6 bước nêu trên, hai con trai sinh đôi của Quỳnh Trâm không còn ăn vạ, biết nhu cầu nào là chính đáng và yêu cầu nào sẽ không được bố mẹ đáp ứng. Thi thoảng, hai bé vẫn ăn vạ nhưng cảm xúc tiêu cực chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và tự động dừng lại vì biết đòi hỏi của mình là chưa đúng.
5 cấp độ cảm xúc của trẻ khi ăn vạ (thuật ngữ tiếng Anh gọi là Tantrum)
Cấp độ 1: Giận dữ
Điều này cha mẹ có thể nhận ra thông qua tiếng hét rất lớn hoặc trút cơn giận dữ vào vật thể/bản thân/người khác. Tuy nhiên, thời gian nó diễn ra khá ngắn và chỉ dài khi có ai đó tác động vào cảm xúc này.
Cấp độ 2: Giận dữ và buồn bã
Bắt đầu bằng sự mếu máo và khóc, giãy giụa giảm dần. Thời gian diễn ra khá dài, chiếm 40% tổng thời gian tantrum.
Cấp độ 3: Đừng chạm vào tôi
Bắt đầu những biểu hiện giãy nảy lên khi phụ huynh cố chạm vào bé hoặc dỗ dành bé. Thời gian diễn ra khá ngắn, chiếm 10% tổng thời gian tantrum.
Cấp độ 4: Tôi cần cái ôm
Bắt đầu với biểu hiện trẻ giảm đi những thái quá, nhìn ngó xung quanh, cơn khóc có thể vẫn còn, nhưng bé chịu khó nín khóc khi nghe ai đó nói đến bé. Thời gian này cũng khá ngắn, chỉ tầm 10%.
Cấp độ 5: Hết giận
Não trẻ nhỏ khó có thể mang cơn giận dữ hơn 1 tiếng đồng hồ vì trẻ luôn trong trạng thái học hỏi cảm xúc. Trẻ sẽ quên và chơi lại món đồ chơi hoặc bạn bè bình thường.
Một chu kỳ tantrum có 5 cấp độ (giận dữ, giận dữ và buồn bã, đừng chạm tôi, tôi cần cái ôm, hết giận) và việc để trẻ tự trải qua cấp độ 1, 2, 3 là một phần quan trọng trong sự phát triển này. Bố mẹ chỉ nên tác động từ cấp độ 4 để bé trải qua cấp độ 5 tự nhiên.
Giáo sư Potegal M., Đại học Minnesota, Mỹ
Hằng Trần