Vịt quay Bắc Kinh và vịt quay Quảng Đông đều xuất xứ từ Trung Quốc nhưng cả hai món ăn này đều không xa lạ với người Việt. Không khó để tìm một quán vịt quay gia truyền ở một số con phố tại Hà Nội hay TP HCM. Trong các nhà hàng Trung Hoa sang trọng, chắc chắn không thể thiếu một trong hai món ăn này. Nhưng phải người sành ăn và am hiểu ẩm thực mới biết vịt quay Bắc Kinh và vịt quay Quảng Đông thực chất thuộc những trường phái nấu ăn khác nhau.
Bắc Kinh là thủ đô của nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc, nổi tiếng với các món ăn có nguồn gốc từ cung đình. Quảng Đông là một tỉnh nằm ở phía Nam, khá gần Việt Nam - nơi được coi là thủ đô ẩm thực của đất nước tỷ dân, ảnh hưởng lớn đến ẩm thực Hong Kong. Trên thực tế, cách gọi cùng một món vịt quay nhưng phân biệt rõ về địa danh là bởi cách chế biến và thưởng thức rất khác nhau.
Lò nướng
Vịt quay Bắc Kinh vốn là món ăn không thể thiếu ở chốn cung đình trước kia. Ngày nay, một số nhà hàng ở Bắc Kinh mở cửa từ thời phong kiến vẫn đang hoạt động và rất đông khách, như nhà hàng Quanjude và Bianyifang. Vịt quay Bắc Kinh cổ truyền thường được nướng trong lò kín, nhiệt tỏa ra đều khiến thịt chín đều, sau này, người ta cải tiến thành lò mở. Còn vịt quay Quảng Đông thì thưởng sử dụng kiểu quay lu. Sau khi chín, những con vịt thơm nức mũi được treo đầy trước cửa quán giống như một hình thức tiếp thị đặc trưng.
Giống vịt
Vịt quay Bắc Kinh luôn chọn những con vịt to béo lấy giống ở khu vực lân cận. Vịt quay Quảng Đông chọn vịt có kích thước vừa phải.
Cách chế biến
Điều làm nên khác biệt lớn nhất của hai món ăn có cùng tên gọi này chính là cách chế biến. Đầu tiên là cách mổ vịt. Nếu như vịt Bắc Kinh được rạch một lỗ ngay dưới cánh để moi nội tạng ra thì vịt Quảng Đông được mổ phanh (rạch bụng) như cách mổ gà vịt thông thường. Sau khi mổ xong, với vịt Bắc Kinh, người ta cho một thanh gỗ nhỏ vào trong để chắn ngang để khi quay phần ức luôn được căng mẩy.
Đến khâu nhồi gia vị, vịt Bắc Kinh không được nhồi gia vị nào quá nồng để bảo tồn được vị thịt tự nhiên. Món ăn này đòi hỏi độ khó cao vì cần có lớp da vịt giòn, tách ra khỏi thịt còn thịt bên trong thì phải chín vừa độ, không bị khô. Vịt Quảng Đông được nhồi với hoa hồi, gừng, hành lá và hơn một chục loại thảo mộc Trung Quốc khác để tăng hương vị cho thịt và xương vịt ngon hơn.
Cách ăn
Nếu không phải người thường xuyên tìm hiểu về ẩm thực Trung Hoa, bạn cũng có thể phân biệt được 2 món ăn này. Vịt quay Bắc Kinh thường được phục vụ cầu kỳ hơn, xứng danh là món ăn dành cho vua chúa. Người đầu bếp trong các nhà hàng thường đẩy xe đồ ăn ra trước mặt khách, dùng dao để tách phần da vịt ở phía trước ức. Đây là phần ngon nhất của món ăn này. Da vịt được cuốn trong một lớp bánh tráng mỏng mềm, thêm dưa chuột, hành lá rồi chấm với loại tương mặn ngọt vừa miệng. Phần thịt vịt còn lại được lạng mỏng để cuốn bánh tráng hoặc lọc ra để rang với cơm, xương vịt được dùng để nấu cháo, nấu súp. Do đó, dù giá thành cao, món ăn được chế biến triệt để từ trong ra ngoài nên rất đáng tiền.
Vịt quay Quảng Đông là món ăn bình dân hơn. Thịt vịt đẫm gia vị, thơm nức mũi. Người bán hàng chặt vịt thành từng miếng vừa ăn, rưới một chút nước sốt mận ngòn ngọt hoặc thực khách có thể chấm nước tương, ăn cùng cơm hoặc mì. Vịt quay Quảng Đông phù hợp cho khách mua mang về, trong khi vịt quay Bắc Kinh thường phải ăn ở nhà hàng.
Hiện nay, nhiều nhà hàng đã kết hợp cách làm hai món ăn này để đáp ứng nhu cầu của đa dạng đối tượng thực khách. Người ta gọi đây là kiểu quay "ngoài Bắc Kinh, trong Quảng Đông", tức là món ăn vẫn có lớp vỏ giòn ngon nhưng bên trong vẫn được tẩm ướp dễ ăn.