Ngày 24/5, nhạc sĩ Bảo Phúc được đưa vào bệnh viện An Sinh cấp cứu khi anh đột ngột bất tỉnh trong lúc ngồi trò chuyện với bạn bè. Sau đó anh được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy để tiến hành cuộc đại phẫu thuật kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật, Bảo Phúc vẫn hôn mê sâu và vào lúc 12h50 phút ngày 31/5, anh trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 51. Năm 2005, nhạc sĩ Bảo Phúc cũng đã bị xuất huyết não một lần nhưng anh đã kiên trì tập luyện và hồi phục dần. Anh ra đi khi những dự định âm nhạc dang dở còn chưa thực hiện xong, gần nhất là sự kiện Festival biển Nha Trang mà Bảo Phúc đang cùng anh trai Bảo Chấn thực hiện, sẽ khai mạc vào đầu tháng 6 tới.
Nhạc sĩ Bảo Phúc đã vĩnh viễn giã từ "cõi tạm". |
Nhạc sĩ Hoài An, người đồng nghiệp thuộc thế hệ đàn em, bồi hồi nhớ lại: "Tôi rất bất ngờ khi nhận được tin anh Bảo Phúc đột ngột ra đi vì bình thường anh rất khỏe mạnh, lạc quan, yêu đời. Ở Việt Nam, anh là một trong số ít nhạc sĩ phối nhạc rất hay và có thể tự hát được những ca khúc do chính mình sáng tác. Trong công việc anh là người tỉ mỉ, làm việc chuyên nghiệp, dù trong điều kiện làm việc khó khăn, anh vẫn có thể cho ra những sản phẩm âm nhạc tốt. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ lần đầu tôi gặp anh là khi tôi cùng nhóm nhạc Làn Sóng Xanh ra Hà Nội dự thi Liên hoan Ban nhạc Sinh viên năm 1998. Năm đó, anh Bảo Phúc làm giám khảo cuộc thi này. Cuối chương trình, anh lên công bố giải thưởng và còn ngẫu hứng cùng chúng tôi đánh chung một bản nhạc rất vui. Sau này, tôi và anh có thời gian làm việc chung trong công ty VAFACO và hợp tác làm thêm một số chương trình khác nữa. Đối với tôi, anh không chỉ là một đồng nghiệp mà còn thực sự là một người anh trong nghề".
Nhạc sĩ Nhất Huy, người từng có quan hệ thân thiết với gia đình Bảo Phúc cũng ngậm ngùi chia sẻ: "Khi nhận tin dữ, tôi chết điếng hồn. Tôi biết anh bệnh nặng nhưng chưa kịp vào thăm thì anh đã qua đời. Lần gần đây nhất, tôi gặp anh là trong một quán cà phê, hai anh em vẫn trò chuyện vui vẻ. Thế mà... Tôi vẫn nhớ hồi tôi còn là sinh viên, tôi có thời gian hay đến nhà dạy con anh học vi tính. Mỗi tháng anh trả cho tôi 300 nghìn đồng tiền lương dạy học và còn thường cho tôi thêm quần áo, giày dép cũ của anh. Đến giờ tôi còn giữ đôi giày Nike anh cho tôi làm kỷ niệm. Đối với những đàn em mới vào nghề như tôi hồi đó, anh Bảo Phúc rất thương. Anh tận tình chỉ dạy từng chút về kỹ thuật hòa âm, phối khí chứ không hề giấu nghề. Anh được nhiều bạn bè, đồng nghiệp thương mến, tin cậy. Không ngờ anh lại ra đi quá sớm như vậy".
Nhạc sĩ Bảo Phúc sinh năm 1958. Anh xuất thân trong một gia đình có dòng dõi hoàng tộc. Ông nội Bảo Phúc với tước hiệu Tuyên Hóa vương là em thứ ba của vua Thành Thái. Cha anh là nhạc sĩ Vĩnh Phan, người nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, biết sử dụng nhiều nhạc cụ cổ truyền. Còn mẹ anh là nữ nghệ sĩ Bích Liễu, giọng ca chầu văn nổi tiếng với dòng nhạc cung đình Huế. Thủa nhỏ, Bảo Phúc theo học trường Quốc gia Âm nhạc Huế và sau đó là trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Anh từng thi đậu giải nhất cuộc thi âm nhạc toàn quốc và dần bước vào con đường sáng tác nhạc chuyên nghiệp. Bảo Phúc nổi danh trong lĩnh vực nhạc nhẹ với các ca khúc như Nắng hồng soi mắt em, Dòng sông lặng trôi, Những nẻo đường phù sa, Gót hồng, Nụ hồng lẻ loi... Từ năm 1986, anh bắt đầu tham gia lĩnh vực thu âm và viết nhạc phim. Bộ phim đầu tiên do anh viết nhạc phim là Ngôi sao cô đơn của đạo diễn Trần Cảnh Đôn. Từ khi bước chân vào lĩnh vực âm nhạc cho đến khi từ trần, tổng cộng Bảo Phúc đã viết gần 300 bản nhạc phim, phối khí hơn 400 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngoài ra anh còn sử dụng thành thục 25 loại nhạc cụ dân tộc và biết cả hội họa. Theo dự kiến, lễ viếng nhạc sĩ Bảo Phúc sẽ diễn ra vào chiều 1/6, tại nhà tang lễ Lê Quý Đôn (TP HCM). |
Hương Giang