TGĐ Nguyễn Xuân Hiển là người chịu trách nhiệm chính vụ cử tuyển sai quy định. |
Người phát ngôn của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Nguyễn Tấn Chấn cho biết: "Đây là các trường hợp mà Uỷ ban kiểm tra Trung ương kết luận Vietnam Airlines đã đài thọ đi học sai với quy chế của hãng này". 16 người được kết luận là không đúng đối tượng và không tham gia xét tuyển theo quy chế do chính Vietnam Airlines ban hành.
Trao đổi với báo giới, ông Chấn khẳng định, việc đài thọ đi học với cam kết khi trở về làm việc tại Vietnam Airlines trong 25 năm là cách để hãng tạo nguồn nhân lực trong tương lai. Tuy nhiên, người phát ngôn của Vietnam Airlines lại tự mâu thuẫn với chính mình khi buộc thừa nhận: "Trong số đó có những em thi trượt đại học ở Việt Nam". Tỷ lệ này là 7 trong 16 người.
Theo quy chế, ngoài các tiêu chuẩn về học lực, những sinh viên được Vietnam Airlines chi trả học phí trong thời gian học tập ở nước ngoài phải là con em của cán bộ trong ngành. Nhưng Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hiển vẫn ký quyết định cử tuyển một số con của cán bộ cấp cao trong ngành tư pháp... du học.
Ngay sau khi một số báo phản ánh Vietnam Airlines bao tiền cho một số con quan chức cấp cao du học, ngày 2/6, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hiển đã ký thông báo chuyển chế độ đài thọ kinh phí học tập của 16 sinh viên sang chế độ tự túc. "Các học viên có trách nhiệm nộp toàn bộ kinh phí đã được Tổng công ty hàng không Việt Nam đài thọ", văn bản nêu. Ông Hiển cũng được xác định là người phải chịu trách nhiệm chính trong việc cử tuyển sai quy định này.
Quyết định trên được phê duyệt trước ngày ông Hiển sang Pháp giải quyết vụ kiện với một luật sư người Italy, mà theo phán quyết của toà phúc thẩm Paris, Vietnam Airlines phải trả hơn 5,2 triệu euro vì thua kiện.
15 năm trước, vì không đánh giá hết được tính chất của vụ kiện, Vietnam Airlines đã không cử đại diện tham dự phiên xử sơ thẩm của toà án Roma (Italy) về vụ luật sư Maurizio Liberati yêu cầu hãng này và công ty Falcomar (được thuê làm đại lý tại Italy) thanh toán chi phí cho những công việc ông đã thực hiện. Năm 2002, Vietnam Airlines nhận được "trát" yêu cầu thanh toán hơn 4,3 triệu euro theo án quyết. Đầu tháng 3/2006, bản án trên được toà phúc thẩm công nhận, khoản tiền phải trả lúc này là 5,2 triệu euro (tính lãi đến hết tháng 11/2003).
Người phát ngôn của hãng từ chối tiết lộ động thái của Vietnam Airlines trước phán quyết của toà án, nhưng sau đó thông tin được đưa ra không chính thức là nhiều khả năng hãng này sẽ kháng án.
Theo nguồn tin, Chính phủ đã yêu cầu Vietnam Airlines phải tổ chức kiểm điểm các cá nhân, bộ phận qua các thời kỳ có liên quan đến vụ việc này. Tuy nhiên, một quan chức đề nghị giấu tên cho hay, hiện Chính phủ chưa hề nhận được báo cáo nào của Vietnam Airlines về việc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.
Cũng trong chiều 6/6, việc Vietnam Airlines mua 4 máy bay tầm xa Boeing 777 nhưng lại sử dụng động cơ tầm trung cũng được đặt ra với người phát ngôn Nguyễn Tấn Chấn. Vietnam Airlines cho rằng, vì chủ yếu khai thác các tuyến bay tới tầm trung và tầm ngắn (Đông Bắc Á, Australia, châu Âu) nên việc không mua động cơ tầm xa (chủ yếu đi Mỹ) là phù hợp. "Chúng tôi đã tính bài toán kinh tế có lợi nhất, chọn loại có chi phí thấp nhất", ông Chấn cho biết. Tuy nhiên, ông không giải thích nổi vì sao Vietnam Airlines lại mua 4 Boeing 777 (loại máy bay tầm xa) mà không sử dụng loại máy bay tầm trung, để tiết kiệm chi phí. Đây cũng là 4 chiếc Boeing 777 mà Việt Nam có trong tay. 6 chiếc cùng chủng loại đang khai thác là đi thuê. "Bộ phận kỹ thuật sẽ giải trình sau với các nhà báo", ông Chấn thoái thác.
14 người có con học ở Nga, Ukraina được Vietnam Airlines đài thọ: 1. Ông Dương Thanh Biểu, Phó viện trưởng VKSND Tối cao 2 người có con đi Mỹ 1. Ông Trần Văn Mai, Giám đốc Xí nghiệp A75 |
(Theo VnExpress)