![]() |
Giao dịch tại Vietcombank. |
Đứng kèm hỗ trợ cho đợt phát hành của Vietcombank gồm toàn những tên tuổi lớn. Trong đó, tổ chức tư vấn tài chính là Credit Suisse (Singapore) Limited, tổ chức kiểm toán là Ernst & Young VN, và tổ chức tư vấn pháp lý là văn phòng luật sư YKVN.
Một trong những lợi thế của Vietcombank được giới đầu tư kỳ vọng là ngân hàng (NH) sở hữu một số đất đai rộng lớn để làm văn phòng giao dịch và tương lai sẽ khai thác các hoạt động khác. Tính đến cuối năm 2006, tổng diện tích đất Vietcombank đang quản lý, sử dụng là hơn 185.000 m2, trong đó chủ yếu là đất thuê dài hạn của Nhà nước (gần 126.800 m2), và đất được Nhà nước giao (gần 45.500 m2). Diện tích đất chưa sử dụng là 3.840 m2, là lô đất xiết nợ tại thị xã Hà Nam, đang được thỏa thuận với UBND tỉnh Hà Nam về việc chuyển nhượng.
Ngày 25/12 sẽ là ngày chốt danh sách trái chủ (những người sở hữu trái phiếu tăng vốn của Vietcombank phát hành vào tháng 12/2005) để nhận quyền ưu đãi mua cổ phiếu của Vietcombank (tỷ lệ chuyển đổi tính trên giá đấu thành công bình quân). Tuy nhiên, tổng số cổ phiếu được quyền mua đối với pháp nhân là không quá 10% vốn điều lệ NH và 5% đối với cá nhân. Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, ngày 5/12 giá giao dịch của trái phiếu Vietcombank là 100.000 đồng một đơn vị (bằng với mệnh giá). Trước đó, ngày 4/12, giá trái phiếu của Vietcombank đột ngột vọt lên 155.000 đồng một đơn vị với khối lượng chuyển nhượng cực lớn (25.000 trái phiếu so với khối lượng giao dịch bình quân những ngày trước đó là khoảng 4.500 trái phiếu). |
Theo bản công bố thông tin, Vietcombank được thừa nhận rộng rãi là NH thương mại nhà nước hàng đầu và được quản lý tốt nhất VN, hiện dẫn đầu thị trường về mảng NH phục vụ khối doanh nghiệp xuất nhập khẩu với vị thế cao trong hoạt động tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế (xấp xỉ 27% thị phần), và trong cho vay các ngành liên quan đến xuất khẩu cũng như kinh doanh ngoại tệ.
Tuy nhiên, khó khăn của Vietcombank là thuộc sở hữu nhà nước (sau cổ phần hóa Nhà nước giữ 70% vốn) nên trong quá trình hoạt động phải tuân thủ các quy định về chính sách lương thưởng, phúc lợi, định mức lao động, kế hoạch lợi nhuận, công tác tiếp thị...
Điều này làm cho hoạt động kinh doanh phần nào kém linh hoạt và không phát huy hết yếu tố nguồn lực con người trong quá trình hoạt động. Kết quả là tình trạng "chảy máu" chất xám đã diễn ra khi một bộ phận nhân sự có trình độ, có kinh nghiệm chuyển sang làm việc nơi khác.
Áp lực cạnh tranh trên thị trường cũng không ngừng gia tăng khi khối NH thương mại cổ phần liên tục nâng cao năng lực tài chính và đầu tư cho hoạt động phát triển mạng lưới. Bênh cạnh đó, các NH con 100% vốn nước ngoài đang trong quá trình hình thành và sẽ được thực hiện hầu hết các nghiệp vụ như một NH nội địa.
Tuy nhiên, bản công bố thông tin có thể làm thất vọng bất kỳ nhà đầu tư nào đang trông chờ một kế hoạch kinh doanh đột phá của NH này sau cổ phần hóa. Năm 2006, Vietcombank đạt lợi nhuận sau thuế là 2.877 tỷ đồng, sang năm 2007 giảm chỉ còn 1.854 tỷ đồng.
Việc giảm này được hiểu là do Vietcombank tập trung vào công tác cổ phần hóa nên có phần lơ là việc kinh doanh. Tuy nhiên, điều lạ là kế hoạch kinh doanh năm 2008 của "đại gia" này tiếp tục giảm so với năm 2006. Cụ thể, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2008 chỉ khoảng 2.600 tỷ đồng. Trong đó, NH dành ra gần 1.040 tỷ đồng để chi trả cổ tức, tính ra cổ tức năm 2008 chỉ khoảng 7%. Bản công bố không có phần thuyết minh vì sao kế hoạch lợi nhuận năm 2008 lại giảm.
Theo một chuyên gia phân tích, khi Vietcombank đưa ra giá khởi điểm là 100.000 đồng một cổ phần, giới kinh doanh dự đoán NH này sẽ tung ra một kế hoạch kinh doanh thật ấn tượng trong vòng ba năm tới. Tuy nhiên, với những gì được đề cập trong bản CBTT thì khó có thể thuyết phục nhà đầu tư về một sự lột xác sau cổ phần hóa.
Cũng theo bản công bố thông tin, về lâu dài, Vietcombank sẽ phát triển thành tập đoàn đầu tư tài chính NH đa năng, trong đó tổng lượng vốn phải tăng thêm trong vòng ba năm sắp tới là 14.500 tỷ đồng so với mức hiện có. Bên cạnh hoạt động dịch vụ tài chính, Vietcombank sẽ mở rộng sang đầu tư các công trình cơ sở trọng điểm của Nhà nước (đường cao tốc, cảng biển...), đầu tư và kinh doanh bất động sản. Dự kiến, sau khi hoàn tất các thủ tục chuyển đổi, Vietcombank sẽ tiến hành đăng ký niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.
(Theo Tuổi Trẻ)