Sáng 22/10, Việt Trinh và Lý Hùng bàng hoàng nghe tin đạo diễn Trần Cảnh Đôn qua đời. Ông là nhà làm phim có ảnh hưởng lớn trong sự nghiệp lừng lẫy của hai ngôi sao thập niên 1990.
Việt Trinh tốn nước mắt vì sợ Trần Cảnh Đôn
Việt Trinh gặp đạo diễn Trần Cảnh Đôn lần đầu ở phim truyền hình Thạch Sanh - Lý Thông hơn 30 năm trước. Thời đó, cô còn là diễn viên quần chúng, vào vai người hầu bị mẹ của Lý Thông đánh. Những giọt nước mắt chân thật vì nhập vai của Việt Trinh đã gây chú ý với đạo diễn. Ông khen cô có gương mặt sáng, diễn xuất tập trung nên gửi gắm lời hẹn sẽ mời cô đóng phim nếu có dịp.
"Tôi không ngờ anh Đôn giữ lời hứa thật. Sau đó chỉ một năm, anh giao cho tôi vai Oanh trong phim Ngọc trong đá. Đó là lần đầu tôi đảm nhận vai thứ chính, một nhân vật có tên tuổi, số phận và câu chuyện rõ ràng. Ngọc trong đá cũng là tác phẩm làm khán giả biết đến cô diễn viên tên Việt Trinh", nữ diễn viên kể lại.
Ngọc trong đá quy tụ các diễn viên Lý Thu Thảo, Việt Trinh, Việt Dũng, Lý Hùng, NSƯT Minh Trang. Phim chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Đông Thức, kể câu chuyện về những người trẻ tham gia thanh niên xung phong.
Dù từng được đạo diễn Trần Cảnh Đôn khen ngợi, Việt Trinh trải qua những ngày quay Ngọc trong đá chẳng hề dễ dàng. Nữ diễn viên nhớ cô diễn đi diễn lại ánh mắt bất cần, cứng rắn của nhân vật mà đạo diễn cũng không ưng ý. Một lần khác, cô trầy trật suốt đêm để ghi hình phân đoạn nhân vật trốn trại giam và trèo rào về nhà.
Việt Trinh thừa nhận bản thân ngày ấy còn ít tuổi, chưa va vấp nhiều, diễn xuất còn non nớt, suy nghĩ lại đơn giản. Sốc trước sự khó tính của đạo diễn, không ít lần cô bật khóc trên trường quay vì tưởng ông ác cảm với mình. Nhưng sau này phim chiếu, những cảnh Việt Trinh lao tâm khổ tứ nhất chính là những cảnh được khán giả đón nhận, vỗ tay nhiều nhất.
Việt Trinh chia sẻ: "Lúc bấy giờ tôi mới hiểu đạo diễn Trần Cảnh Đôn biết tôi có khả năng và muốn khai thác trọn vẹn. Anh có thương anh mới khó tính với tôi. Sau này tôi làm đạo diễn, tôi càng hiểu cái tâm của người đứng sau ống kính. Họ chỉ muốn tốt nhất cho tác phẩm, không hề có chuyện khó khăn cá nhân với riêng diễn viên nào".
Trong ký ức của Việt Trinh, đạo diễn Trần Cảnh Đôn là người bình dân trong đời thường nhưng chỉn chu trong công việc. Cô nghĩ điều đó là cần thiết để tạo nên các tác phẩm chỉn chu và hấp dẫn của ông. Cô thích chất lãng mạn Trần Cảnh Đôn gửi gắm trong từng bộ phim ông thực hiện. Họ là những người bạn tâm giao ngoài đời và giữ liên lạc thường xuyên. Sau Ngọc trong đá, cô góp mặt trong nhiều phim khác của Trần Cảnh Đôn.
Nhìn lại chặng đường nghệ thuật thăng hoa của mình, Việt Trinh luôn nói cô mang ơn hai người - đạo diễn Trần Cảnh Đôn và đạo diễn Lê Cung Bắc. Trần Cảnh Đôn cho cô cơ hội lần đầu được khán giả biết đến. Lê Cung Bắc tạo nên dấu son Người đẹp Tây Đô trong cuộc đời cô. Chưa tới nửa năm, Việt Trinh lần lượt tiễn đưa hai ân sư về trời. Với cô, đó là một trải nghiệm đầy khó khăn.
Lý Hùng: "Anh Đôn là người đầu tiên cho tôi đóng phản diện"
Lý Hùng nhận tin dữ về đạo diễn Trần Cảnh Đôn trong lúc anh đang bận rộn làm lễ giỗ đầu cho cha anh - đạo diễn, NSND Lý Huỳnh. Lý Hùng cho rằng sự ra đi của một nghệ sĩ tài hoa như Trần Cảnh Đôn là sự mất mát lớn đối với phim ảnh Việt Nam.
Từng đóng cả trăm bộ phim, Lý Hùng chủ yếu đảm nhận vai chính trực, anh hùng. Số lần anh vắm vai phản diện đếm được trên đầu ngón tay và người đầu tiên thử nghiệm anh ở dạng vai này là đạo diễn Trần Cảnh Đôn. Năm 1991, ông mời Lý Hùng vào vai Dũng công tử ăn chơi trác táng trong phim Ngọc trong đá. Ban đầu, anh từ chối. Nhưng sau đó, anh bị thuyết phục bởi thành ý và ý tưởng của đạo diễn Trần Cảnh Đôn. Thay vì kẻ phản diện bề ngoài bặm trợn, mặt sẹo, đạo diễn xây dựng nhân vật Dũng lịch thiệp, hào hoa nhưng đầy thủ đoạn trong lòng. Đây là điều khiến Lý Hùng thỏa mãn nhất khi góp mặt trong phim.
Lý Hùng tự nhận là cộng sự ăn ý của Trần Cảnh Đôn trong phim ảnh. Đạo diễn hay gọi anh là cậu Lý và dành cho anh những kịch bản chất lượng. Dấu ấn đẹp nhất trong những lần kết hợp của họ là series phim Đô la trắng năm 2005. Hồi ấy, Lý Hùng tạm dừng đóng phim khoảng tám năm nên anh hơi lưỡng lự khi nhận lời mời của đạo diễn Trần Cảnh Đôn. Nhưng bị thuyết phục bởi kịch bản hấp dẫn, anh nhận lời tái xuất với điều kiện đạo diễn cho anh một tháng chuẩn bị. "Tôi nặng hơn 80 kg vì nghỉ diễn lâu quá. Một tháng trước ngày phim bấm máy, tôi nỗ lực giảm còn 72 kg để đáp ứng các cảnh quay hành động của vai diễn đại úy", tài tử nhớ lại.
Làm phim này, Lý Hùng "choáng" với độ chịu cực, chịu khó và chịu chơi của đạo diễn Trần Cảnh Đôn. Mỗi lần vào phim, ông làm việc miệt mài liên tục từ sáng tới khuya. Ông sửa kịch bản liên tục ngay cả trên phim trường. Hồi làm Đô la trắng, đạo diễn làm giả cảnh hòn đảo của tội phạm ở nước ngoài tại vùng biển Long Hải, Vũng Tàu. Nhiều màn rượt đuổi, đánh đấm đẹp mắt được ông kiên trì thực hiện trong nhiều ngày. Nhờ vậy, phim được đánh giá cao về đề tài cuộc chiến chống tội phạm, tạo hiện tượng khi lên sóng giữa thập niên 2000. Tác phẩm đi tiên phong mang phim truyền hình Việt Nam ra nước ngoài bấm máy. Ngoài TP HCM và Vũng Tàu, phim còn ghi hình ở Thái Lan.
Giống như nhiều diễn viên, Lý Hùng ấn tượng đạo diễn Trần Cảnh Đôn tính nóng như lửa nhưng tận tâm và tốt tính. Ông có thể mắng diễn viên gay gắt lúc quay, không câu nệ ngôi sao nổi tiếng hay hoa hậu, người đẹp nhưng luôn thương yêu anh em êkíp. Lý Hùng chia sẻ: "Hợp tác với anh Đôn, ai cũng quý vì mọi người hiểu anh muốn tốt cho sản phẩm chung. Anh ra đi, tôi thấy bất ngờ quá!".
Phong Kiều