Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ USGS, trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra ở miền trung Myanmar vào khoảng 12h50 theo giờ địa phương (tức 13h20 theo giờ Hà Nội). Tâm chấn nằm cách thị trấn Sagaing 16 km, sâu 10 km. Khoảng 12 phút sau trận động đất đầu tiên, một đợt dư chấn mạnh 6,4 độ tiếp tục tấn công khu vực này.
Động đất đã gây ra nhiều thiệt hại, khiến cây cối đổ, nhiều tòa nhà tại Myanmar nghiêng ngả. Hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người. Một cư dân ở Yangon, Myanmar, nói với CNN: "Chúng tôi cảm thấy động đất trong khoảng một phút. Sau đó, chúng tôi vội chạy khỏi tòa nhà và thấy nhiều người cũng chạy từ các tòa khác ra. Động đất xảy ra rất đột ngột và mạnh".
Ngoài Myanmar, Thái Lan cũng báo cáo có động đất mạnh 6,3 độ ở thủ đô Bangkok. Nhiều người tại Bangkok phải di tản khỏi nhà sau khi phát hiện động đất và các thiết bị lắc lư. Một người dân tại Chiangmai cho biết cũng có thể cảm nhận động đất. "Tôi ở trong phòng khi động đất xảy ra. Được khoảng 10 giây thì tôi bỏ chạy ra ngoài vì quá hoảng sợ", người này nói với CNN.
USGS cho biết rận động đất này có sức ảnh hưởng lớn, cách xa hơn 1.000 km cũng có thể cảm nhận. Tại Việt Nam, nhiều người ở các tòa nhà văn phòng, chung cư cao tầng ở Hà Nội và TP HCM đều cảm nhận được rung lắc từ vài giây cho đến vài phút.

Vị trí tâm chấn động đất ở Myanmar. Đồ họa: Hoàng Khánh
Tại trung tâm TP HCM, các tuyến đường tập trung nhiều cao ốc văn phòng như Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn lúc 14h nhiều người dân, nhân viên văn phòng đứng tập trung ở vỉa hè sau khi xảy ra rung chấn.
Chị Mai Phương, làm việc ở tầng 19 tòa nhà Centec Tower trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, cho biết, rung lắc xảy ra lúc 13h30 làm bàn ghế, máy tính bị xê dịch trong khoảng 30 giây. Sau đó, cả văn phòng nháo nhào chạy theo đường thang bộ xuống.
"Tôi đang ngồi làm việc thì cảm thấy chao đảo, rồi mọi người la lên ùa nhau chạy xuống đất", chị Phương nói.

Người dân từ tòa nhà trên đường Hàm Nghi (quận 1) đổ xuống đường khi cảm thấy rung lắc. Ảnh: Đăng Nguyên
Anh Hoàng Huy, 35 tuổi, nhân viên văn phòng ở tòa nhà gần cầu Thị Nghè, quận 1, kể lúc gần 13h30 bất ngờ cảm nhận không gian phòng làm việc chao đảo, đèn treo và cửa rung lắc.
"Tôi không nghĩ đó là động đất nhưng sau đó cảm thấy rung mạnh hơn nên hốt hoảng chạy xuống bằng thang bộ, do thang máy đã kín người cũng đang ùa xuống", anh Huy kể.
Anh Hoàng Phụng, nhân viên ở tòa nhà trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, cho biết lúc khoảng 13h30 khi đang ở hành lang lầu 23 bỗng thấy khu vực rung lắc nhẹ. Hồ bơi gần khu vực anh đứng nước té ra ngoài.
"Rung lắc nhẹ kéo dài gần 20 giây. Tôi đi vào phòng thấy mọi người lo lắng đi xuống phía dưới đất sau khi được phía tòa nhà thông báo", anh Phụng nói

Nhân viên văn phòng tòa nhà Viettel, nơi chị Tâm làm việc xuống sân lúc hơn 13h33. Ảnh: Tâm Nguyễn
Chị Tâm Nguyễn, làm việc ở tầng 6, tòa nhà Viettel 285 Cách mạng tháng 8, quận 10, cho biết lúc 13h33, cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nhìn không rõ máy tính khoảng 30 giây. "Cảm giác lúc đó như bị váng đầu", chị Tâm nói.
Tại Hà Nội, cách tâm chấn động đất hơn 1.000 km, người dân sống tại chung cư cao tầng tại nhiều quận như Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm ghi nhận đồ vật rung lắc trong hơn 10 giây và lặp lại vài lần.
"Giàn cây leo ở ban công nhà tôi rung lắc hơn 10 giây", anh Nguyễn Quý ở tầng 19 ở một tòa nhà ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, kể. Nhiều người từ các căn hộ theo lối cầu thang bộ chạy xuống đường.
Ông Lê Tuấn, cư dân sống ở tầng 29 chung cư Times City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, cho biết rung chấn khiến ông như bị "tiền đình, tụt huyết áp, tim đập nhanh hơn", trong khi vợ ông đang ngủ trưa thấy chóng mặt không dậy nổi.
Ông Tuấn cảm nhận hai đợt rung lắc cách nhau khoảng 20 phút, đợt đầu mạnh nhất xảy ra lúc 13h20, kéo dài khiến cửa phòng, cửa tủ, đồ đạc va đập, biên độ góc của đồ treo dao động 15-20 độ. Dư chấn đợt sau nhẹ hơn. Từng trải qua vài lần động đất ở Hà Nội, ông Tuấn thấy trận này "dữ dội, biên độ cao nhất".
Hiện Viện Các khoa học trái đất đang theo dõi diễn biến.
Tùng Anh