Theo một cán bộ của Viện Vật lý địa cầu, tọa độ của dư chấn được xác định là xung quanh tâm chấn trận động đất hôm qua vài chục km, thuộc Bắc Lào. "Hôm nay chắc chắn còn nhiều dư chấn", ông này khẳng định. Thông thường, sau một trận động đất mạnh, dư chấn còn kéo dài tới 6 tháng sau.
Sáng nay, ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng trạm quan sát động đất Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), cho rằng nhiều khả năng động đất chiều 16/5 là do hoạt động của vết đứt gãy địa chất Điện Biên - Lai Châu và kéo sang lãnh thổ Lào, dài hơn 1.000 km. Tại hai tỉnh Điện Biên, Lai Châu và lãnh thổ Lào, nơi tiếp giáp với biên giới Việt Nam, từng xảy ra nhiều trận động đất.
Ông Sơn dẫn chứng từ đầu năm đến nay, Lào đã xảy ra 3 trận động đất, mạnh nhất là trận chiều 16/5. Tại Điện Biên, chiều 22/4 cũng xảy ra một trận động đất cường độ 3,8 độ richter, tâm chấn nằm ở huyện Điện Biên Đông.
![]() |
Cả trăm người chạy ra khỏi tòa nhà Vincom Tower (phố Bà Triệu) sau cơn động đất chiều 16/5. |
"Do động đất nhỏ, lại cách Hà Nội khoảng 300 km đường chim bay, nên dù xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng người dân Hà Nội không cảm nhận được", ông Sơn nói. Trước đó, năm 2006, tỉnh Điện Biên không ghi nhận được trận động đất nào điển hình (cường độ từ cấp 4 trở lên), mà chỉ là những trận nhỏ.
Trận động đất được xác định có cường độ lớn nhất, gây thiệt hại nhiều nhất tại Điện Biên - Lai Châu xảy ra vào 19/2/2001, đạt 5,3 độ richter, tâm chấn ở nằm độ sâu 20 km. Nhiều nhà cửa đã bị đổ sập, người dân hoảng loạn, phải mắc chiếu giữa đường để ngủ.
Từ năm 1900 trở lại đây, Việt Nam đã ghi nhận những trận động đất lớn vào các năm 1935, 1942 tại Điện Biên; 1964 tại Yên Thế, tỉnh Bắc Giang; 1983 tại Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu; 2001 tại Điện Biên. Mới đây nhất là hai trận động đất liên tiếp vào ngày 17/2 và 19/2/2006 tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, mạnh 4,9 độ richter.
(Theo VnExpress)