Asiad là sân chơi thể thao lớn nhất của thể thao châu Á tổ chức 4 năm một lần. Việt Nam lần đầu đăng cai Asiad 18 năm 2019 - kỳ đại hội đầu tiên trong lịch sử chuyển sang thi đấu năm lẻ.
Theo quy định Ủy ban Olympic châu Á, các thành phố sẽ tự đứng ra thành lập đề án với sự tham gia của đơn vị liên quan về giao thông, viễn thông, an ninh, môi trường, y tế và lực lượng thể thao. Cùng sự góp sức của các doanh nghiệp trong vai trò tài trợ, hỗ trợ tài chính, thành phố xin đăng cai sẽ trưng cầu ý kiến người dân rồi mới thông qua Hội đồng thẩm định để có được phương án tốt nhất. Sau khi Thị trưởng thành phố phê chuẩn mới có báo cáo cuối cùng lên chính phủ rồi mới gửi hồ sơ xin đăng cai cho Ủy ban Olympic châu Á.
Việc đăng cai của 17 thành phố trước đó đều theo hình thức "xã hội hóa", nên ngân sách gánh hơn 70 % kinh phí tổ chức. Như Incheon (Hàn Quốc) chịu trách nhiệm chi trả 78,9 % số tiền 1,62 tỷ USD phục vụ cho Asiad lần thứ 17. Hai Asiad gần nhất tổ chức tại Doha (Qatar), Quảng Châu (Trung Quốc), các thành phố trên cũng bỏ ra con số kinh phí tương tự để tổ chức.
So với kinh phí tổ chức của các Asiad trước, con số 150 triệu USD của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh giải trình trước Quốc hội ngày 13/3 vừa qua quá thấp. Trong cuộc họp giải trình trước Chính phủ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng do Quốc hội chủ trì ngày 18/3, lãnh đạo Bộ Tài chính hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều lo lắng việc kinh phí phục vụ Asiad 18 sẽ gấp 2-3 lần dự trù ban đầu. Có chuyên gia kinh tế tham dự buổi giải trình còn khẳng định con số sẽ gấp 10 lần, nghĩa là ngân sách tiêu tốn 1,5 tỷ USD cho Asiad 2019.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng lại đề án chi tiết và sẽ giải trình một lần nữa tại phiên họp Quốc hội tháng 5. Một Hội đồng thẩm định được thành lập để phản biện báo cáo tài chính phục vụ Asiad 18 trong thời gian tới.
Nguyên vụ trưởng vụ thành tích cao (Tổng cục Thể dục thể thao) Nguyễn Hồng Minh chia sẻ quan điểm: "Chúng ta xây dựng chu trình ngược so với quá trình vận động xin đăng cai Asiad của các thành phố từng tổ chức trước đó. Sau khi nhận quyền đăng cai, các thành phố chỉ tiến hành việc xây dựng khi mọi việc đã được hoàn tất trước đó. Ngược lại chúng ta xin đăng cai rồi mới chuẩn bị đề án, kinh phí giải trình lên Chính phủ. Chính điều đó mới dẫn đến hệ quả là thiếu đi những kế hoạch, con số chính xác chuẩn bị cho Asiad. Đã xin đăng cai Asiad 18 nên không thể có chuyện rút lui, song Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch chi tiết. Nhất là việc tìm được những nhà tài trợ chắc chắn chung tay chuẩn bị Asiad 18 để giảm bớt ngân sách nhà nước".
Anh Tuấn