Theo bản báo cáo của Movehub năm nay, Việt Nam có chỉ số HPI là 64. HPI đánh giá theo tiêu chí "xem trọng các biện pháp, mức độ mà một nước áp dụng để cung cấp cuộc sống hạnh phúc, lâu dài và bền vững cho người dân”, chứ không theo mức độ giàu có. Xếp trên Việt Nam là Costa Rica với chỉ số HPI là 64,4. Quốc gia Trung Mỹ này tiếp tục giữ vị trí đứng đầu như nhiều năm trước đây. Ở châu Á, Trung Quốc đứng thứ 60 còn Singapore đứng thứ 90.
Một điều đáng chú ý đó là ngoại trừ Việt Nam, các vị trí còn lại trong tốp 10 nước dẫn đầu về chỉ số HPI đều là những quốc gia ở Nam Mỹ và Trung Mỹ. Không một nước công nghiệp phát triển nào có mặt trong danh sách này. Thậm chí, Mỹ đứng vị trí 105 trên tổng số 151 quốc gia được nghiên cứu.
HPI không tính đến khía cạnh giàu có làm tiêu chuẩn hạnh phúc duy nhất, mà tập trung vào các nhân tố khác như tuổi thọ, mức độ thỏa mãn cuộc sống của người dân so với mức độ tiêu hao tài nguyên và khả năng tái tạo của hệ sinh thái.
HPI được xem là cách đánh giá mức độ sống của người dân ở mỗi quốc gia tốt hơn các chỉ số như GDP (tổng sản phẩm nội địa) hay HDI (chỉ số phát triển con người). Những khác biệt thể hiện qua HPI cho thấy, con người vẫn có thể sống thọ và hạnh phúc nhưng tác động đến môi trường ít hơn.
Trần Quỳnh (theo movehub)