Mẹ con chị Hoàng Hà - Việt kiều Mỹ - đang chọn mua mứt tại chợ Bến Thành. |
Đã qua 12 giờ trưa, gia đình anh Nguyễn Hòa (Việt kiều Bỉ) vẫn còn thong dong trong chợ Bến Thành, TP HCM. Cả nhà anh gồm vợ và ba cậu con trai quyết định ăn trưa tại chợ sau hơn hai giờ mua sắm với một “núi” túi xách lỉnh kỉnh.
Buổi sáng, cả nhà đã mua ba bộ áo dài, khăn đóng cho ba con trai, mua guốc cho mẹ và bộ bàn cờ tướng bằng sừng cho bố, chưa kể cái lẩu điện và một ít mứt khéo. Khuôn mặt thấm mệt vì vừa trông con vừa lựa chọn hàng, anh nói: “Gia đình mới về được một tuần, ngày nào cũng đi mua sắm nhưng chẳng bao giờ thấy đủ, quà cho bà con, bạn bè, rồi quà cho mình. Mứt, kẹo, trái cây, đồ điện gia dụng... chủ yếu là đồ tiêu dùng cho cả nhà đón Tết”.
Mua sắm để tận hưởng không khí đặc biệt của lúc sửa soạn đón Tết, hai mẹ con chị Tâm Anh (Việt kiều Pháp) đã kết thúc một vòng chợ với cơ man nào là mứt, lạp xưởng, đồ khô, túi xách, guốc... Đây là lần đầu tiên Florence (15 tuổi) - con chị Tâm Anh - về nước, nhìn cái gì cũng thấy thú vị và muốn mua, đặc biệt là tượng thiếu nữ ba miền VN làm bằng đá poly và hàng thêu tay.
Theo Ủy ban Về người VN ở nước ngoài, lượng kiều bào về quê ăn tết năm nay tăng 40% so với con số hơn 100.000 người năm ngoái. Bình quân mỗi Việt kiều tiêu khoảng 1.000 USD thì năm nay Việt kiều đã đem lại cho các dịch vụ trong nước một khoản tiền 140 triệu USD, chưa kể chi phí máy bay, du lịch. |
Theo ước tính, Việt kiều dành 30-40% số tiền mang về để chi cho thú mua sắm.
Nhộn nhịp các chợ
Đã quen với các trung tâm mua sắm hiện đại, muốn tìm một chút gì đó gần gũi, đậm bản sắc quê hương, bà con Việt kiều rủ nhau đi chợ mua sắm. Một tháng trước đây nhiều chợ lâm vào cảnh vắng khách thì nay không khí đã nhộn nhịp, rộn rã khác thường.
Tiểu thương bán mứt kẹo tại sạp Thành Lợi (chợ Bến Thành) cho biết lượng hàng bán ra tăng gấp ba lần so với tháng trước, khách Việt kiều chủ yếu mua mứt khéo để làm quà. Gian hàng khô tại chợ An Đông cũng nhộn nhịp Việt kiều đổ về mua mực khô, sò khô, vi cá... Ở đây chủ yếu là Việt kiều người Hoa nên các sản phẩm đồ khô dạng bổ dưỡng theo đông dược bán khá chạy.
Theo quy định, bánh có nhân thịt không được đem vào Mỹ nên ai cũng tranh thủ thưởng thức “bánh chưng - dưa món” những ngày về quê. Chả lụa cũng được mua nhiều. Một vài năm gần đây, giò thủ làm từ tai heo được nhiều người mua vì ăn sần sật, giòn giòn không ngán như đồ tây.
Sức mua mặt hàng nhóm đồ khô tăng lên rõ rệt, đặc biệt là sò Nhật khô, vi cá, tôm khô... “Trung bình mỗi khách Việt kiều mua khoảng 700.000-800.000 đồng đồ khô, khách xịn thì lên đến 2-3 triệu”, một tiểu thương chợ An Đông cho biết.
Theo kinh nghiệm của nhiều tiểu thương, Việt kiều mua hàng thực phẩm chế biến sẵn như cá cơm, mắm các loại... vào thời gian này vừa thưởng thức vừa ăn thử để sau tết mua đóng gói mang về Mỹ làm quà nên người bán phải rất chú ý đến chất lượng.
Ngoài nhóm thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ cũng tấp nập người mua. Đũa có chạm khắc họa tiết, bộ cờ tướng làm bằng sừng trâu, mõ, con vật linh phát sáng... được Việt kiều chọn mua nhiều. Theo họ, các sản phẩm thủ công của VN bao giờ cũng khéo léo, tinh xảo hơn.
Chị Loan, tiểu thương bán hàng thủ công mỹ nghệ ở chợ Bến Thành, cho hay Việt kiều lựa chọn hàng khá kỹ lưỡng, họ quan tâm đến chất lượng, ưng ý sẽ mua nhiều. Theo chị, khi bán hàng cho Việt kiều, điều đầu tiên là phải giữ uy tín, họ sẽ quay trở lại vì tâm lý Việt kiều thường muốn mua chỗ quen. Chị Loan cũng cho biết thêm, chiếm 50% tổng doanh thu của tiểu thương trong mùa này là từ hầu bao của Việt kiều, phần còn lại là du khách nước ngoài.
Việt kiều cũng mua nhiều hàng điện máy gia dụng cho người thân trong nước, sức mua mặt hàng này tăng 20-30%. Trong khi đó, những Việt kiều thế hệ thứ ba, trẻ tuổi lại thích mua vải vóc, thời trang handmade (may bằng tay) hoặc trang sức. So với nước ngoài, giá cả những mặt hàng này chỉ bằng 1/3 mà kiểu dáng vô cùng phong phú, tinh tế.
(Theo Tuổi Trẻ)