Trần Hùng John sinh năm 1989, tốt nghiệp ngành Tâm lý giáo dục ở Mỹ, là tác giả của những cuốn sách như John đi tìm Hùng, Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ... Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên có các bài viết về giáo dục, gia đình trên trang cá nhân, trên báo mạng, thu hút sự chú ý của độc giả. Trần Hùng John cũng từng được biết đến với vai trò MC cho các chương Góc nhìn Việt Nam, Một ngày làm người Việt trên các kênh VTC10 và VTV4.
Là người từng trải nghiệm hai nền giáo dục khác nhau là giáo dục Việt Nam và giáo dục Mỹ, Trần Hùng John đã đưa ra những quan điểm giáo dục vừa mang tính kế thừa văn hóa phương Đông, vừa tiếp thu những giá trị văn hóa Phương Tây. Những quan điểm này được tác giả hệ thống và phân tích trên cơ sở các nghiên cứu của thế giới cùng trải nghiệm cá nhân.
Dù chưa có con nhưng ở vị trí một người con, anh có thể nhìn ra những điều mà các cha mẹ làm chưa đúng, đặc biệt là khi có dịp quan sát các bạn trẻ Việt Nam. "Đã có nhiều cơ hội được nói chuyện và chia sẻ với các bạn trẻ người Việt, tôi biết họ đang ngóng chờ những thay đổi sẽ giúp họ phát huy được hết tiềm năng của mình. Chính các bạn, những phụ huynh, là người có thể giúp các bạn trẻ làm được điều đó", Trần Hùng chia sẻ.
Trước hết, Hùng John không đồng tình với những câu nói như: "Trẻ con mà, có biết gì đâu" hay "Trẻ con có hiểu gì đâu" thường xuyên được người lớn ở Việt Nam sử dụng. Anh cho rằng trẻ con thông minh hơn chúng ta tưởng, vì thế, việc "khờ dại hóa" mọi thứ thay vì cố gắng nuôi dưỡng và phát triển khả năng trí não của trẻ đã vô tình cản trở quá trình lớn khôn của con mình.
Bên cạnh đó, anh cũng phản đối việc so sánh đứa trẻ này với đứa trẻ khác, bỏi "việc so sánh những đứa trẻ đã khiến nhiều người Việt Nam trở nên GATO (ghen ăn tức ở) bằng việc đưa con bạn lên một vị trí cao không có thực". Anh dẫn chứng bằng một ví dụ vô cùng chân thực: "Khi một đứa trẻ ngã và bị đau, tôi thường thấy các bố mẹ Việt Nam đổ lỗi cho mặt đất hay những lý do tưởng tượng nào đó như: 'Mẹ đánh chừa mặt đất làm con đau này'. Hay khi con không được cho điểm cao ở trường, nhiều bố mẹ sẽ nghĩ hẳn là do sai sót, hoặc đổ lỗi cho 'hệ thống giáo dục quá kém, không phải lỗi của con'... Làm như vậy sẽ đẩy con của bạn xa rời với thực tại".
Việc định hướng trẻ theo giới tính ở Việt Nam cũng trái ngược với quan điểm giáo dục ở nhiều nước trên thế giới. Cha mẹ Việt thường có xu hướng tách biệt các bé trai và bé gái. Tình trạng đó xuất phát từ định kiến "thế giới được phân chia theo giới tính và có những công việc, vai trò, cảm xúc, suy nghĩ… dành riêng cho mỗi giới. Ví dụ như doanh nhân, cảnh sát hay nhà khoa học là những nghề chủ yếu dành cho con trai, còn y tá, giáo viên và trợ lý văn phòng là dành cho con gái. Con trai cần phải cứng cỏi, biết làm chủ mọi thứ và không được ủy mị; con gái thì được dạy phải vâng lời, hiền lạnh và nhu mì"... Quan điểm này hoàn toàn sai lầm, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ chơi trong môi trường đa dạng giới tính. "Con trai có thể sẽ tham gia nhiều hơn vào các trò chơi cần trí tưởng tượng hoặc sử dụng kỹ năng lắp ráp vào các dự án hay trò chơi mang tính nghệ thuật. Con gái khi chơi với các bạn nam có thể sẽ được rèn luyện thể lực qua các trò chơi vận động và từ đó trở nên mạnh mẽ hơn. Cùng hợp tác, cùng chơi và học hỏi, cả hai bên sẽ cùng có lợi", chàng Việt kiều chia sẻ.
Hùng John cảm thấy hài hước khi nói rằng: "Bố mẹ Việt có thể cãi nhau trước mặt con nhưng lại hầu như không thể hôn nhau trước mặt chúng". Chính vì thế, việc giáo dục giới tính cũng là một kỹ năng yếu của bố mẹ Việt. Các bậc phụ huynh thường né tránh vấn đề tình dục, điều duy nhất họ có thể làm là khiến con sợ hãi với "chuyện ấy". Điều đó khiến những đứa trẻ "chơi vơi" trong giai đoạn dậy thì là khoảng thời gian mà sự tò mò giới tính được đẩy lên đỉnh điểm.
Cách giải quyết của Hùng đơn giản là trò chuyện với con thường xuyên về "chuyện ấy". Theo anh, đây là biện pháp hàng đầu để giáo dục giới tính và tình dục. Bố mẹ và con cái cần xây dựng một thói quen hội thoại lâu dài, bền vững. "Sự cần thiết của giáo dục giới tính và việc giao tiếp giữa cha mẹ với con là vô cùng cần thiết, đặc biệt là ở độ tuổi 12 của con, bạn vẫn là người có ảnh hưởng tới con mạnh mẽ nhất. Hãy tham gia quá trình này từ sớm. Từ nền tảng bạn tạo ra, con bạn sẽ bắt đầu xây dựng những khái niệm và giá trị riêng về tình dục. Con bạn cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ bạn bè cùng lứa, truyền thông và cả thế giới xung quanh chúng. Hãy nhớ rằng phần việc của bạn chưa hoàn thành tại đây. Hãy tiếp tục nói chuyện cởi mở với con và thỉnh thoảng khéo léo kiểm tra".
Dù chưa từng làm cha nhưng chàng Việt kiều Mỹ tham vọng "bắt đầu một cuộc cách mạng hóa trong cách cha mẹ nuôi dạy con để giúp làm thay đổi theo hướng tích cực hơn mối quan hệ giữa cha mẹ-con cái tại Việt Nam".
Hà Thu