w_on_m
Những cơn mưa đầu mùa đang đổ về thỏa những tiếng lòng khắc khoải suốt mùa nắng cháy. Tiếng mưa về làm bạn với tiếng lòng mang theo cả tiếng của những cơn mưa xưa cũ. Mưa về tràn ngập đường phố, tràn cả vào bên trong của những kẻ xa quê, xa Mẹ, tí tách mãi không nguôi. Mưa về thôi thúc tôi viết một điều gì đó cho Mẹ, cho sự hồi phục thần kỳ của tôi, viết để nhắc nhở tôi không sao nhãng, buông xuôi, không thôi chiến đấu trong cuộc chiến “trụ hạng” của bàn tay đang lâm bệnh của mình.
1.Viết cho Mẹ
Sài Gòn đang mưa Mẹ ạ, làm con nhớ những cơn mưa ở Phố núi quê mình quá. Trời cứ buồn và thấp, cả ngày mặt trời ngủ quên nên chẳng thể phân biệt được giờ giấc. Từ sáng đến chiều mọi vật cứ một màu: ướt đẫm và xám xịt. Vậy mà đi đâu con cũng nhớ về những ngày mưa ấy - những ngày mưa của khó khăn và vất vã, của những lát bánh xèo không thịt, tôm được mẹ đổ từ thâu bột Bố kỳ cọt xay cả buổi, của tô cá bống kho mặn mà mẹ làm cho cả nhà ăn suốt tuần mưa dầm rả rích. Và đó là những tháng ngày hạnh phúc nhất của gia đình, của 5 người chúng ta. Sau này 5 người ở 5 nơi, xa tít, những mùa mưa kéo về là bắt đầu trong con những nỗi nhớ, cứa vào lòng con những vết đau và nỗi cô đơn vô hạn…
Mẹ! Đã 3 tháng trôi qua kể từ ngày con hứng chịu tai nạn khủng khiếp ấy. Con đã khỏe lên nhiều rồi, đã làm việc và tập nặng được. Con biết con hồi phục nhanh như vậy là nhờ Mẹ hàng ngày cầu nguyện cho con chóng khỏe mạnh. Mẹ nói, Mẹ có một đức tin lớn về sự hồi phục của con, vấn đề chỉ thời gian thôi và con thầm cảm ơn Đức tin ấy của Mẹ. Đức tin lớn ấy đã truyền cho con một ý chí mãnh liệt. Cánh tay tưởng như đã chết của con đang phục sinh hàng ngày, nó bắt đầu nhận biết cuộc sống, bắt đầu biết đau, biết nóng lạnh, biết… mưa.
Mẹ! Có lẽ những ngày khó khăn của con đang dần trôi qua, con cảm thấy mình mạnh mẽ và tự tin hơn trước nhiều. Mẹ còn trách con đã giấu gia đình khi tai nạn ập đến những ngày cuối năm không! Lúc đó tình trạng con rất trầm trọng, con chỉ sợ Mẹ sẽ đau hơn chính vết đau của con mà ngã bệnh. Con còn trẻ, con có sức khỏe và con chịu được. Tết nhất, một mình con bệnh là đã quá buồn rồi.
Nhiều khi ngồi ngẫm lại, con vẫn không tin mình có thể vượt qua được những ngày đen tối nhất của bệnh tật, của những “ngày hết tết đến” ở đất Sài Gòn mà không có gia đình. Tình bạn, tình yêu luôn bên con những lúc nguy kịch nhất, nhưng rồi ai cũng có gia đình và phải trở về. Mẹ biết không, những đêm một mình đau đớn và ảm đạm ở Chợ Rẫy, những ngày đầu năm cô đơn và bi quan chán nản, con đã rất muốn gọi cho Mẹ, nói cho Mẹ biết con đang rất tồi tệ, con đang rất cần Mẹ nhưng con đã kìm được.
Nằm cùng phòng ở bệnh viện có những người bệnh như con, con đã thấy một người Mẹ đã khóc khi bất lực nhìn vết thương hành hạ đứa con mình. Con sợ Mẹ cũng vậy và con không bao giờ muốn điều đó. Mẹ biết, Mẹ sẽ bỏ nhà cửa, vườn hoa trước nhà ngày tết mà đi xuống với con. Rồi bàn thờ ông bà sẽ trống hoắc và lạnh lẽo, sẽ không có hoa, có trái cây nếu không có Mẹ. Ngày tết con không muốn như vậy, Mẹ đã từng nói, ngày Tết dù có túng quẫn thế nào, dù có đi đâu, làm gì thì cũng không thể để bàn thờ lạnh lẽo và bặm bụi. Hôm xuất viện, nằm trên căn phòng trọ với rất nhiều thức ăn sẵn và trái cây mà bạn bè chuẩn bị trước, nhưng con không thể nào ăn được và không thôi nhớ về những ngày tết xa xăm của gia đình, về những món ăn truyền thống mà Mẹ làm.
Mẹ, sáng mùng một tết, khi con vừa mở mắt quạnh quẽ đón nhìn năm mới với cánh tay băng trắng toát và bất động, con đã bật khóc đấy, khóc rất lớn. Mẹ có nghe không. Đừng trách con không báo cho Mẹ biết sớm Mẹ nhé. Bởi vì con yêu Mẹ!
Đã 4h sáng rồi, Mẹ chắc đã chuẩn bị dậy tụng kinh và chăm sóc vườn cây của mình, ở đây mưa vẫn rơi, tiếng mưa tí tách thay cho tiếng quạt rột rẹc khó chịu hàng ngày, viết được những dòng này cho Mẹ con nghe trong lòng thanh thản lạ thường. Sau 3 tháng nỗ lực tập luyện và điều trị, dù sẽ không bao giờ về lại cánh tay mạnh mẽ trước kia, nhưng con biết chắc con sẽ tìm lại một phần của nó để làm việc bình thường, thậm chí Mẹ biết không, con đã đánh bóng và bắt đầu chiến thắng trở lại. Một sự thần kỳ phải không Mẹ? Đó là nhờ tình thương và đức tin của Mẹ, nhờ nguồn động viên và giúp đỡ của rất nhiều bạn bè, thân và không thân, quen và thậm chí không quen. Vui lên Mẹ nhé.
2. Sự hồi phục đầy bất ngờ
Sau 3 tuần cánh tay bó bột bất động, tôi bỏ bột, cắt chỉ và bắt đầu tập cử động. Những ngày đầu tôi rất suy sụp vì hầu hết các bác sĩ đều nhận định rất tăm tối về khả năng hồi phục của vết thương. Một khi dây thần kinh trụ bị đứt thì khả năng phục hồi hoàn toàn là không có. Còn tôi thì đứt như không còn gì để đứt: Bó gân, động mạch, xương trụ (gãy) và tồi tệ nhất là thần kinh trụ. Với tổn thương như thế này, cùng với việc phải trải qua một lần mổ không đúng chuyên môn, phải mổ lại, hơn nữa vết thương sau mổ bị dính rất nặng, các sợi gân dính với bao gân và phần thịt ngay đó nên khi các ngón tay duỗi ra hay co vào kéo vết sẹo di chuyển nguệch ngoạc như cái miệng của người nhai trầu, tôi phải tính bằng năm để chờ ngày hồi phục.
Khi gặp những người có cùng vết thương ở phòng tập vật lý trị liệu, tôi càng buồn và thất vọng cho tương lai của mình khi biết thời gian tập luyện và điều trị của họ đã rất lâu (có người đã gần 2 năm) so với tôi nhưng mức độ tiến triển vẫn chưa là bao, bàn tay họ vẫn dị dạng, co quắp và teo nhỏ lại.
Những ngày đầu, tôi buồn nhiều hơn là tập, vì thật ra chẳng tập được gì. Bàn tay co quắp và sưng húp, không nhúc nhích cảm giác gì. Hàng ngày tại phòng tập, những người kỹ thuật viên chạy điện, siêu âm và xoa bóp cho tôi. Họ nắm những ngón tay yếu ớt đẩy vô kéo ra nhẹ nhàng. Họ không cho tôi thực hiện bất cứ cử động mạnh nào hay tự ý lấy tay trái kéo mạnh những ngón tay phải bị đau. Về nhà suốt ngày tôi không dám tập vì sợ như Bác sĩ nói, vết thương còn mới, cử động mạnh mối nối sẽ đứt lại. Tôi thường đặt bàn tay trước mặt rồi nhìn nó, nói chuyện với nó như một kẻ tâm thần. Một tuần trôi qua như vậy trong bế tắc.
Tuần thứ hai, tôi quyết định không tuân thủ các bài tập nhẹ của kỹ thuật viên nữa. Tôi nghĩ: “Cơ thể mình mình biết, khi nào gần đứt nó sẽ đau “ré lên” và mình sẽ cảm nhận được mức độ báo động đó. Chứ cứ sợ đau, ngồi đợi nó khỏe thì vết thương sẽ càng dính và lúc đó càng khó tập và hiệu quả càng thấp. Vì vậy, ngoài thời gian tập ở phòng tập, ở nhà tôi bắt đầu nhắm mắt, cắn răng lại và kéo, đẩy, xoay, bẻ các khớp, các ngón và cổ tay. Tôi ý thức, tôi đang từ từ kéo dãn những sợi gân mới bị nối được một tháng, tôi đang ‘xé thịt” vết dính mà nếu không được tôi phải mổ lại lần nữa để tách nó ra. Một lần cử động, một lần xoay, vặn… là một lần đau, đau lắm, đau đến mức tôi đã chảy nước mắt, nhiều lúc phải thét lên. Mức độ đau càng tăng dần khi cường độ và tầng suất càng lớn.
Tôi tập suốt ngày, tập trong lúc ăn, lúc xem, đi xe, trong lớp, thậm chí lúc ngủ. Ngủ, tôi phải đeo cái nẹp kéo các ngón tay thẳng ra(nếu không đeo các ngón tay sẽ tự co lại) và nhắm mắt… ngủ. Những ngày đầu không thể nào ngủ được, đến nửa đêm tôi tháo ra vì đau buốt không thê chịu được nữa. Về sau quen dần tôi mang nẹp cả đêm và ngủ ngon lành.
Tập nặng được nửa tháng, tôi tiến bộ rõ rệt, đoạn đường có thể di chuyển của các ngón tay lúc này gấp nhiều lần so với trước. Thừa thắng xông lên, một hôm bạn bận không đến chở, ngại đi xe ôm, tôi đánh liều chạy xe đi tập. Tôi sẽ không bao giờ quên được cảm giác run run, hồi hộp nhưng vô cùng hạnh phúc khi lần đầu tiên tôi chạy xe bằng chính bàn tay tưởng chừng bỏ đi của mình. Tôi từng vượt hàng ngàn cây số từ Sài Gòn đi Đà Nẵng, từng đi khắp các tỉnh miền đông, tây nguyên bằng xe máy, từng đạp xe đạp đi vũng tàu, đi đà lạt vậy mà chưa có chặng nào tôi cảm thấy dài và khó nhọc như chặng từ nhà tôi (Nguyễn Kiệm - Gò Vấp) đến phòng tập (Tô Hiến Thành, quận 10) buổi sáng hôm đó. Khi tôi tới nơi, trán vã mồ hôi, cả bàn tay tê cứng và co lại vì đã cố gắng quá sức. Tôi đã quá liều lĩnh và đánh cược đời mình trong tình thế rủi ro quá lớn. Chỉ cần một va chạm nhỏ, chỉ cần tôi cử động đột ngột (đi xe rất dễ xảy ra khi có tình huống bất ngờ) thì rất dễ đứt các mối nối trở lại. Trong phòng tập đã có người đứt gân vì đi xe quá sớm. Nhưng đã rất may, tôi đã bình an vượt qua những “vạn sự khởi đầu nan” đó.
Khi tôi cho Mẹ biết về tai nạn của tôi, cũng như tình trạng vết thương thì cũng là lúc tôi bắt đầu tập lại bóng bàn. Một tuần sau khi quyết định tập nặng theo “giáo án” của mình, tôi bắt đầu tập cầm vợt. Cũng hết cả tuần, tôi mới cầm dính được cái vợt. Chỉ cần như vậy, tôi lao vào tập bóng, người ta đứt tay đi tập vật lý trị liệu còn tôi thì đi tập… bóng bàn. Quá ngầu! Tôi quyết định không tập vận động ở trung tâm nữa (vẫn chạy điện và siêu âm) vì theo tôi không cần thiết. Thay vào đó, tôi tập bóng và tập bóng. Làm gì cũng vậy, ban đầu là thời điểm khó khăn nhất. Mỗi một cú giật bóng là mỗi một lần nhói bên trong. Rớt vợt rồi cầm lên đánh tiếp, rồi lại rớt tiếp. Sau mỗi buổi tập, tôi hầu như không nhấc nỗi cái tay, không còn sức để làm được việc gì. Cảm giác chán chường và sợ bóng xuất hiện. Tối về tự hứa là ngày mai không đi đánh bóng nữa, vì có đánh được đâu, có cầm chắc được cây vợt đâu, nhưng sáng dậy lại lủi thủi đi tập.
Ngày nào Mẹ cũng gọi điện hỏi thăm và động viên tôi không được bỏ cuộc. Chơi lại được bóng bàn (mặc dù sẽ không bao giờ được như xưa) là có nghĩa tôi sẽ trở lại cuộc sống bình thường được. Và ngày đó đã đến, Sau gần 2 tháng tập luyện, phần thưởng to lớn mà tôi nhận được là 40% trình độ chơi bóng đỉnh cao trước kia của tôi đã trở lại. Và đặc biệt, bây giờ tôi chơi với tinh thần cao hơn, tập trung, quyết tâm hơn, chắt chiu từng đường bóng hơn. Tuy vẫn chưa cầm được cán vợt đủ chắc để thực hiện hết tất cả các kỹ thuật, nhưng tôi đã tập thích ứng với những hạn chế của cánh tay để phát huy những kỹ thuật mình đang làm được. Không tấn công mạnh và tốc độ như xưa được, tôi chuyển sang tập phòng thủ và bất ngờ phản công. Với lối đánh này, tôi đã thắng được hầu hết những người hồi xưa dưới tôi một bật. Thậm chí, có hôm, bằng sự kiên trì và quyết tâm của mình, tôi đã vượt qua rất nhiều trận một người mà trước kia đánh đồng với tôi.
Với tôi câu nói của Bác mà Mẹ dạy từ khi tôi còn bập bẹ vẫn luôn đi theo tôi suốt tấm bé: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Bài học không chỉ dành cho thiếu nhi, nó quá có ích cho tôi lúc này. Chặng đường phía trước còn dài, để trả lời cho câu “bao giờ cho đến ngày xưa” tôi cần phải cố gắng vượt bật nữa.
3. Vài dòng kết dành cho ngày của Mẹ
Mẹ! Con muốn dành đoạn kết này cho riêng ngày của Mẹ. Viết về Mẹ, về tình thương của Mẹ, con không thể nào viết hết được, con chỉ muốn nói, chính sự kiên cường và mạnh mẽ đã vượt qua “tuổi thơ dữ dội” đầy bất hạnh của Mẹ, của người con gái mồ côi cha và thất lạc Mẹ ngày xưa của Mẹ đã truyền cho con sức mạnh bước qua những ngày khó khăn này. Đừng lo cho con Mẹ nhé, con vẫn luôn sống với khát vọng mà Mẹ đã truyền cho con: “Sống cho mình thì quá đơn giản, hãy sống vì người khác”. Con sẽ tiếp tục hồi phục và sẽ ra nước ngoài như Mẹ mong muốn để thực hiện hoài bão của Mẹ, và cũng cả đời con. Cuối năm thôi phải không Mẹ, con sẽ đi và chân cứng đá mềm” để trở về.
Trước khi đi, con sẽ làm một chuyến chinh phục Phanxipăng để trải nghiệm triết lý cũng như ao ước của Mẹ: "càng lên cao người ta càng vứt bỏ những cái tầm thường, vụn vặt để tập trung vươn tới đỉnh cao nhất” mà Mẹ thường nói với con. Đi để thấy con trai Mẹ vẫn còn trẻ và vẫn còn đó niềm tin và khát vọng, vẫn còn đôi tay khỏe mạnh để bước tiếp con đường của mình . Trời sáng rồi, con đi ngủ đây. Ngoài trời mưa cũng đã ngừng rơi.
Vài nét về blogger
Phong Mập: nghề nghiệp freelance; cư trú: ba miền Việt Nam, USA. Tôi yêu mùa đông và những cơn mưa, bởi chúng cho ta cảm xúc hạnh phúc của ấm áp và khô ráo. Bài viết khác: Giữ một niềm tin.