- Truyện dài 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh' của nhà văn Nguyễn Nhật Anh vốn đã rất nổi tiếng và được độc giả nhiều thế hệ yêu thích. Vậy khi chuyển thể cuốn sách tuổi thơ ấy lên màn ảnh, anh gặp áp lực gì?
- Khi chuyển thể bất kỳ một tác phẩm văn học nào thành phim cũng là thách thức lớn, nhất là với tác phẩm đã phổ biến. Ở góc nhìn của một đạo diễn, tôi hiểu được tác phẩm văn học và điện ảnh khác nhau như thế nào, nhưng với khán giả thông thường thì chưa chắc. Họ vẫn thắc mắc rằng, tại sao truyện có tình tiết thế này mà lên phim thì lại thành thế khác. Khi làm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, chúng tôi cũng phải hy sinh, hư cấu nhiều để có được một bản điện ảnh đúng nghĩa.
- Anh đã thay đổi câu chuyện thế nào?
- Lúc đọc truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi rất ấn tượng và đã hình dung được phiên bản điện ảnh của nó. Chương nào tôi cũng thích và thấy rất dễ thương, muốn giữ lại hết cho phim. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh miêu tả đặc biệt chi tiết về cảm xúc của từng nhân vật. Và khi chị Việt Linh đưa kịch bản, tất cả những gì thú vị nhất của truyện mà tôi cảm nhận được đều có trong đó. Thế nhưng, nó vẫn dài so với phim nên cuối cùng, chúng tôi tập trung vào tinh thần của câu chuyện về tình cảm anh em.
Ban đầu tôi có suy nghĩ: Hầu như các phim có bối cảnh về đồng quê vào những năm 80 thường có tâm lý nặng nề và buồn khổ. Cuốn sách cũng nói về sự khó khăn của vùng quê nghèo thời kỳ đó nhưng nó lại được lột tả rất hồn nhiên qua ánh mắt của trẻ thơ. Tôi muốn giữ tinh thần này trong bộ phim.
So với các phim trước, tôi không muốn tạo nên vấn đề gì đó quá vĩ đại, dồn dập mà chỉ muốn khán giả cảm nhận được những gì bình dị nhất, cảm xúc tự nhiên nhất.
- Anh sinh ra và lớn lên tại Mỹ, không trải qua tuổi thơ nghèo khó như các nhân vật trong truyện. Anh gặp khó khăn gì trong quá trình dựng bối cảnh?
- Điều đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều vì tôi không có trải nghiệm tuổi thơ ở Việt Nam. Nhưng dù sinh trưởng ở môi trường phương Tây nhưng đọc sách của Nguyễn Nhật Ánh, tôi hiểu tất cả. Chủ đề phim là tình cảm gia đình của hai anh em, bản thân tôi cũng có em trai. Những tình huống giữa hai anh em Thiều và Tường trong truyện cũng giống hệt như thằng Tèo, thằng Bờm là tôi và em trai ở ngoài đời. Sự tàn nhẫn của Thiều y chang như tôi lúc còn nhỏ. Đến ngày hôm nay, tôi vẫn hối hận những gì mình đã làm trong quá khứ với em trai, dù hiện tại, hai anh em tôi là bạn thân. Ngày nhỏ, tôi thường đánh em nhưng cậu em thì không bao giờ dám đánh mình. Có thể trẻ con là như vậy, không kiểm soát được cảm xúc.
Câu chuyện trong sách xảy ra vào những năm 80 ở làng quê Việt Nam. Tôi phải nghiên cứu nhiều để có chất liệu làm phim. Tôi may mắn gặp được những người cộng tác tốt, giúp tôi thực hiện những gì hình dung trong đầu. Đó là những nhà thiết kế bối cảnh, biên kịch Việt Linh, quay phim K'Linh.
- Một bộ phim không phải đề tài giật gân, câu khách, cũng không có diễn viên ngôi sao. Anh tự tin kéo khán giả đến rạp chứ?
- Tôi có quan điểm rất rõ ràng khi làm phim, diễn viên ngôi sao không phải vấn đề quan trọng. Người diễn viên khi hợp vai thì họ sẽ toả sáng và làm cho phim nổi bật hơn. Tôi tin tưởng 100% vào điều đó. Với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, tôi đặt yếu tố cảm xúc lên hàng đầu. Những nhân vật trong truyện chỉ là những đứa trẻ nên mục tiêu khi làm phim của tôi không giống với những phim thương mại trước. Tôi chỉ muốn làm một tác phẩm chân thật về cảm xúc.
- Anh phát hiện ra 3 diễn viên nhí Thịnh Vinh, Trọng Khang và Thanh Mỹ ra sao?
- Trong quá trình casting, tôi tuyển chọn 3 bé từ rất nhiều diễn viên trẻ khác. Khi thấy Thịnh Vinh, Trọng Khang và Thanh Mỹ, tôi ấn tượng ngay lập tức. Trước đó, tôi chưa hình dung được Thiều, Tường và Mận như thế nào nhưng sau buổi cast, tôi thấy 3 em như đúng 3 nhân vật trong sách. Tôi không cần một người diễn tốt mà cần một người có cảm xúc.
Thanh Mỹ từng làm việc với tôi trong Scandal 2 - Hào quang trở lại. Thịnh Vinh đóng vai quần chúng, thằng bé bán báo cũng trong phim này. Lúc đó, tôi không để ý cậu bé nhiều lắm. Nhưng cast Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, nhìn ảnh cậu bé là tôi nhận ra ngay. Khi cậu bé diễn thử, tôi bị thuyết phục. Riêng Trọng Khang, hình như cậu bé có đóng một số quảng cáo nhưng tôi chưa xem bao giờ.
- Trong gần 2 tháng quay phim, anh vất vả giúp 3 diễn viên nhí hiểu về nhân vật như thế nào?
- Trước lúc quay, tôi dành 3 tuần để trao đổi và tập luyện với 3 bé. Tôi có cách làm việc riêng, đó là khi ra hiện trường, tôi không muốn chỉ đạo quá nhiều, chỉ chỉnh sửa một số chi tiết nhỏ. Hai ngày đầu quay phim, 3 bé hơi gượng do chưa quen, nhưng sau đó, khi bắt được nhịp, 3 bé nhập vai rất nhanh. Các bé đùa giỡn, khóc, cười rất tự nhiên. Tôi làm việc với nhiều diễn viên đủ mọi lứa tuổi nhưng 3 bé là những người chuyên nghiệp nhất. Hơn nữa, 3 bé đều rất ngoan.
Tôi nhớ trong cảnh quay Thịnh Vinh ôm con cóc chạy dưới trời mưa lớn. Hôm đó, cậu bé bị ốm. Tôi và đoàn phim rất lo lắng nên cố gắng quay 1-2 đúp thật nhanh, đồng thời chuẩn bị sẵn khăn ấm, máy sưởi cho Thịnh Vinh. May mắn là chỉ sau 1-2 đúp, mọi việc đều suôn sẻ. Khi làm việc với các diễn viên nhỏ tuổi, tôi thấy, ở những cảnh quay đầu tiên, họ diễn tốt nhất, nếu quay lại nhiều lần thì bị tuột mất cảm xúc.
Trọng Khang là đứa bé lanh lợi, có khả năng tập trung cao. Ở một số phân đoạn khó, cần nhiều cảm xúc để khóc, cậu bé có những biểu hiện làm tôi bất ngờ. Có một điều tôi rất thích ở Trọng Khang. Dù diễn tập trung nhưng cậu bé biết kiểm soát mọi thứ xung quanh. Ví dụ, trong cảnh khóc, nếu mải diễn để rơi nước mắt, có thể diễn viên sẽ quên thoại. Nhưng Trọng Khang thì khác. Cậu bé vừa khóc, vừa thoại, lại diễn tâm lý rất đúng với nhịp độ yêu cầu. Dù tôi quay lại cảnh này 2-3 lần, cậu bé vẫn giữ nguyên được cảm xúc như thế.
- Anh hài lòng về diễn xuất của diễn viên nhí nào nhất trong bộ phim này?
- Điều này quá khó vì tôi thấy 3 bé có khả năng ngang nhau. Tôi hài lòng với cả 3 diễn viên nhỏ tuổi của mình. Trên trường quay, 3 bé đều không muốn làm tôi thất vọng. Tôi không la mắng các bé trong suốt 52 ngày quay vì nếu mắng, tôi sợ các bé sẽ khóc, mất sự tự tin và không diễn tốt.
Mỗi lần yêu cầu quay lại nhiều lần, 3 bé tỏ ra buồn chán. Qua headphone và màn hình monitor theo dõi, tôi nghe được 3 bé nói chuyện với nhau. Nếu ai làm sai, người kia sẽ nói "Mày cố gắng đi, làm như thế là không được". Các bé cùng nhau hứa sẽ diễn đạt ở đúp sau. Khi nghe thấy vậy, tôi rất cảm động. Tôi thương 3 bé lắm nhưng chỉ biết chăm sóc cho các bé có điều kiện ăn, ngủ tốt để đảm bảo sức khoẻ.
- Tên phim 'Hoa vàng trên cỏ xanh' giống như một bài thơ. Cách anh thể hiện các cảnh quay trong tác phẩm cũng đẹp bay bổng như thế. Tuy nhiên, có người lại chê, anh lạm dụng những cú flying cam quá nhiều, đồng thời câu chuyện bị dàn trải, không đẩy lên tới cao trào. Anh phản hồi thế nào?
- Đó là ý đồ của tôi. Với tôi, cuốn sách không dữ dội mà nhẹ nhàng như một bài thơ và tôi muốn làm một bộ phim rất thơ. Đương nhiên, có thể style này không phải ai cũng thích, nhưng tôi muốn chung thuỷ với cuốn sách. Tôi đã làm hết mình, còn phim như thế nào thì hãy để công chúng đánh giá.
Tôi coi tác phẩm như một món quà dành cho khán giả, trong đó không scandal, không yếu tố ngôi sao. Đã lâu rồi tôi không có cơ hội thực hiện một tác phẩm như thế. Tôi mong, người lớn sẽ thấy một góc tuổi thơ mà họ có thể đã quên. Với người trẻ, nếu đã đọc sách, họ sẽ tò mò xem sách trên phim thế nào. Riêng với trẻ nhỏ, qua phim, chúng sẽ thấy một phần quá khứ của ông bà, bố mẹ.
- Trong thời gian này, dư luận khá quan tâm đến chuyện anh sắp đính hôn với Đinh Ngọc Diệp. Vì sao anh giấu kỹ chuyện tình cảm đến vậy?
- Báo chí đã phơi bày hết rồi nên tôi đâu cần nói gì.
Quỳnh Như thực hiện