1. Lỗi diễn đạt
Theo kết quả khảo sát của CareerBuilde, có khá nhiều ứng viên khi đi phỏng vấn mắc lỗi ngôn ngữ. Một số đến phỏng vấn với một bài phát biểu chuẩn bị trước như thể họ đang đọc thuộc lòng một quyển sách. Một số khác lại trả lời cộc lốc mà không cung cấp thêm thông tin gì cho nhà tuyển dụng. Một số ít vẫn nói tục hoặc nói lan man về bản thân và cuộc sống xã hội chung chung mà quên không nói về công việc và công ty mà mình đang nộp hồ sơ tuyển dụng.
Vài người lại quá thẳng thắn. Chẳng hạn, khi được hỏi điều gì ở công việc này hấp dẫn chị, một thí sinh đưa ra câu trả lời: "Tôi có thể làm bất cứ việc gì. Điều tôi thực sự cần là những trợ cấp xã hội khi về nghỉ hưu!". Tệ hơn, một thí sinh dù nộp đơn vào làm việc cho một tổ chức chăm sóc trẻ nhưng lại đưa ra câu trả lời khá sốc: Tôi ghét trẻ con!
Thậm chí, có người khi ứng cử vào bộ phận chăm sóc khách hàng lại nói rằng mình "không phải là người hoà đồng" và "khách hàng rất hay gây phiền hà".
Một vài người dùng biên pháp than phiền về người chủ cũ và cho rằng đó là biện pháp hay để gây ấn tượng. Đó là một suy nghĩ sai lầm.
Trong khi một số người trả lời cộc lốc và thiếu thông tin thì không ít người lại cung cấp thông tin thừa. Chẳng hạn một người đàn ông 37 tuổi sau khi phỏng vấn xong còn "đế" thêm một câu: "Tôi có mặt ở đây chỉ vì mẹ tôi muốn tôi có việc làm!"
Lỗi cư xử
Lỗi thường gặp thứ 2 ở các ứng viên chính là cách cư xử của họ mà nguyên nhân của rất nhiều trong số này là do không chuẩn bị và tìm hiểu trước các thông tin về vị trí công việc hoặc công ty mà họ định ứng cử. Một nguyên nhân khác cũng thường gặp là do các thí sinh không nghe thấy câu hỏi đuợc hỏi hoặc cố tình trả lời lấp liếm đi.
Một vài trường hợp của lỗi này có nguyên nhân từ việc thiếu ý thức cộng đồng và không hiểu phép lịch sự tối thiểu. Nhà tuyển dụng thường hay phàn nàn lỗi đi muộn của ứng viên và đặc biệt ngạc nhiên với những trường hợp ngang nhiên nhận điện thoại trong khi đang được phỏng vấn. Số ít tệ hơn còn mang cả con nhỏ đi theo.
Vậy trường hợp nào là tệ nhất? Theo các kết quả khảo sát, nếu một thí sinh giục nhà tuyển dụng nhanh nhanh để họ kịp giờ ăn hoặc tệ hơn lôi đồ ăn ra ăn hồn nhiên trước mặt nhà tuyển dụng, đó là ứng xử bị đánh giá thấp nhất.
Lỗi "quan điểm, lập trường"
Lỗi thứ 3 hay gặp nhất ở các ứng viên dự tuyển phỏng vấn là lỗi lập trường quan điểm. Không ai thích một người khoe khoang, "biết tuốt" hoặc những người có cái tôi quá lớn "yêu cầu" nhà tuyển dụng "thuê tôi đi và anh sẽ được rất nhiều". Tất nhiên cũng chẳng ai mê nổi những người mà tuyên bố hùng hồn rằng họ từng làm những chức vụ cao trong công ty cũ.
Thế nhưng nguợc lại cũng ít ai muốn thuê những người mà bản thân họ không thể thể hiện những gì họ có. Rất nhiều nhà tuyển dụng than phiền rằng họ gặp phải những trường hợp quá thiếu "muối" và tẻ nhạt. Thậm chí có những thí sinh đã trải qua giây phút căng thẳng nhất của buổi phỏng vấn bằng cách nhìn chằm chằm vào cái đồng hồ tay của mình.
Lỗi ăn mặc
Đến tham dự một buổi phỏng vấn mà ăn mặc giống như đi lấy chồng hoặc đi hỏi vợ cũng được coi là một lỗi khi phỏng vấn. Các lỗi khác được nhà tuyển dụng liệt kê trong phần này có: điệu bộ bất bình thường, xăm mình, nhuộm tóc, đeo khuyên mặt… Thông thường nhà tuyển dụng cũng không hài lòng với những ứng viên đến phỏng vấn không đi giày, ứng viên nữ mặc váy xẻ quá cao, những người đeo kính râm suốt buổi phỏng vấn hoặc mặc áo phông quần bò với cái móng tay cáu bẩn.
Lỗi thiếu trung thực
Dạng phổ biến nhất của lỗi này là khoe khoang về bản thân và những gì mình đã làm được trong quá khứ, đặc biệt là khoe khoang vống lên về kiến thức của mình.
Một số người thậm chí còn đề cập đến việc mình đã từng bị bắt trong khi trong hồ sơ thì không hề đề cập đến bất cứ yếu tố nào trong câu chuyện này.
Thẳng thắn quá cũng không phải điều tốt. Nhưng thiếu trung thực lại càng không phải điều hay.
(Theo VTV.vn)