Các nhà nghiên cứu đã chụp não của những người đang yêu khi cho họ xem bức hình của người yêu mình. Hoạt động tích cực trong vùng tặng thưởng đã khiến nhóm đi tới kết luận rằng tình yêu đôi lứa tạo ra một động lực thể chất, rất khác so với sự thôi thúc tình dục, nó cứ âm ỉ cho đến khi người ta kiếm được phần thưởng của mình. Điều này thôi thúc các đôi luôn mong mỏi, thèm khát để đến được với nhau, cho dù có mất bao lâu.
Người đứng đầu nghiên cứu, nhà nhân chủng học Helen Fisher tại Đại học Rutgers ở New Jersey (Mỹ), cho biết về mặt khoa học, sex và sự lãng mạn là 2 thứ khác biệt. Và động lực của tình yêu thực sự gồm 3 ham muốn khác nhau.
"Thứ nhất là động lực tình dục khiến bạn đi tìm kiếm thứ gì đó mơ hồ. Tiếp đến là tình cảm lãng mạn, sự ngây ngất của mối tình đầu cho phép bạn tập trung năng lượng và bảo tồn thời gian tìm hiểu. Và cái thứ 3 là sự gắn kết".
Thứ mạnh nhất trong 3 ham muốn này không phải là sex, mà là sự lãng mạn. "Mọi người không thèm đến chết vì sex. Tôi đã đọc các bài thơ trên toàn thế giới, thậm chí từ cách đây 4.000 năm. Mọi người sống vì yêu, chết vì yêu, họ ca hát, nhảy múa vì tình yêu". Fisher, đồng thời là tác giả cuốn Why We Love, nói.
Theo VnExpress, trong khi nhiều phụ nữ tin rằng bộ não của đàn ông bị chi phối bởi sex, nhưng Fisher cho biết vẫn có bằng chứng cho thấy đàn ông bị chi phối mạnh mẽ cả bởi sự lãng mạn. "Đàn ông yêu nhanh hơn phụ nữ, bởi họ yêu bằng mắt. Và 3/4 người tự kết liễu đời mình vì tình là đàn ông, chứ không phải phụ nữ", Fisher nhấn mạnh. "Đây là một động lực mạnh mẽ, một phần tất yếu của nhân loại. Sẽ không thể tồn tại nếu đàn ông không yêu cuồng nhiệt như phụ nữ".
Tác giả thừa nhận rằng đàn ông bị chi phối bởi hình ảnh, nhưng có một lý do quan trọng cho điều đó: "Trong hàng triệu năm, đàn ông phải đi tìm kiếm đàn bà, và đo đạc, nhận định liệu cô ấy có thể là người sinh cho anh ta những đứa con khoẻ mạnh".
Ông Fisher bổ sung: "Trong những anh chàng tham gia thử nghiệm, phần não liên quan tới sự kích thích hình ảnh của họ cũng hoạt động. Điều đó có nghĩa là khi nhìn vào hình ảnh của người yêu, họ cũng đang sử dụng mọi cơ chế thị giác".
Ngược lại, ở những phụ nữ xem bức hình của người yêu, não họ lại kích hoạt một vùng khác. Cả đàn ông và đàn bà đều có những phản ứng tình cảm khác nhau... hưng phấn, say mê, ám ảnh... Nhưng ở phụ nữ, một phần não liên quan tới sự hồi tưởng trí nhớ cũng được kích hoạt. "Đó chính là vì trong hàng triệu năm nay, phụ nữ luôn phải ghi nhớ liệu anh ấy đã đi kiếm đồ ăn về cho mình. Và phụ nữ vẫn luôn nhớ. Họ nhớ mọi chi tiết của mối quan hệ".
Nhưng nếu sự lãng mạn, chứ không phải sex, mạnh mẽ và quan trọng đến vậy trong cuộc sống, và nếu bộ não cho thấy đàn ông cũng bị thôi thúc mạnh mẽ bởi sự lãng mạn như đàn bà, thì tại sao cảm xúc yêu đương lại phai nhạt nhanh đến vậy?
"Tôi cho rằng điều đó xảy ra vì một lý do quan trọng, nó giúp chúng ta tập trung năng lượng với một người vào một thời điểm, từ đó giúp bảo tồn thời gian và sức lực cho việc tìm hiểu. Chúng ta có thể sẽ chết vì suy kiệt, và sẽ không thể làm được việc mình cần làm, nếu chúng ta luôn có những cảm xúc mạnh mẽ này trong cả đời".
Fisher bổ sung: "Tôi cho rằng điều thông thường sẽ là bạn chuyển khỏi cảm giác yêu đương mãnh liệt đó sang một cảm giác sâu sắc, yên bình và hợp nhất hơn với người đó - sự gắn kết liên quan tới một hệ não khác".
Mọi người không hẳn thoát khỏi tình yêu, mà họ đi tới sự gắn kết. Nhưng có một cách để giữ gìn cảm giác lãng mạn đó - làm những việc mới lạ cùng nhau.
"Tình yêu chắc chắn sẽ thay đổi qua thời gian. Nếu bạn muốn duy trì sự si mê, thèm khát, hưng phấn và quên mình với người ấy, hãy làm những điều mới mẻ cùng họ. Nó sẽ gia tăng làm lượng dopamine trong não. Đó là một trong những hoá chất chủ yếu liên quan tới tình yêu lứa đôi".
George Washington từng nói trong tất cả những thứ ông đã làm trong đời, điều quan trọng nhất với ông là một buổi chiều với một phụ nữ đặc biệt. "Mọi người sẽ không bao giờ quên tình yêu", Fisher khẳng định.