Bệnh loãng xương hiện không còn xa lạ với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, dữ liệu trong những năm gần đây chỉ ra rằng độ tuổi mắc bệnh này cũng bắt đầu trẻ hóa và ngày càng nhiều người có dấu hiệu bị loãng xương.
Vì sao phụ nữ dễ bị loãng xương hơn nam giới?
Không có mối tương quan rõ ràng giữa tỷ lệ mắc bệnh loãng xương và giới tính, nhưng ở một số quốc gia và khu vực, tỷ lệ bệnh nhân nữ thực sự cao hơn nam giới. Điều này có thể liên quan một số đặc điểm sinh lý của phụ nữ.
Đầu tiên, phụ nữ mất đi sự bảo vệ của estrogen sau mãn kinh, dẫn đến mất nhiều lượng canxi từ xương hơn. Phụ nữ sau mãn kinh cũng bị giảm dần mật độ xương và tăng nguy cơ loãng xương. Ngoài ra, cấu trúc xương và chất lượng xương của phụ nữ cũng khác nam giới. Xương của phụ nữ dẻo dai và giòn hơn nên cũng nguy cơ cao mắc bệnh.
Thứ hai, phụ nữ đang cho con bú có nồng độ estrogen giảm, khiến canxi trong xương bị hao hụt, dễ dẫn đến khả năng bị loãng xương.
Ngoài ra, một số phụ nữ kiểm soát quá mức chế độ ăn uống để giữ dáng, khiến lượng tế bào mỡ trong cơ thể giảm, từ đó làm giảm tác dụng bảo vệ xương.
Cuối cùng, phụ nữ gầy có nhiều khả năng bị loãng xương hơn, do có ít mô mỡ và có mức estrogen thấp hơn.
Vì sao phụ nữ càng lớn tuổi càng dễ loãng xương?
Đối với phụ nữ, chức năng buồng trứng suy giảm dần theo tuổi tác, kéo theo lượng nội tiết tố nữ estrogen cũng sụt giảm. Estrogen là một hormone tăng trưởng quan trọng, có tác dụng mạnh mẽ trong việc duy trì mật độ xương. Khi nồng độ estrogen giảm, chất khoáng bị mất khỏi xương, dẫn đến chứng loãng xương.
Một số thói quen sinh hoạt không tốt như lười vận động, uống nhiều rượu bia, hút thuốc... sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi và chuyển hóa xương, khiến mật độ xương bị suy giảm.
Ngoài ra, nhiều người cao tuổi mắc một số bệnh mãn tính, các bệnh lý này cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng loãng xương. Những tình trạng như cường giáp, suy giáp hay viêm khớp dạng thấp đều có thể dẫn đến loãng xương.
Loãng xương cũng có thể liên quan yếu tố di truyền. Một số người sinh ra đã có mật độ xương thấp và dễ bị loãng xương hơn. Một số người có thể bị khiếm khuyết di truyền trong xương, khiến xương kém phát triển và tăng nguy cơ bị loãng.
Làm gì để phòng ngừa loãng xương?
Ăn uống lành mạnh
Ăn nhiều thực phẩm chứa canxi, vitamin D, protein và các chất dinh dưỡng khác như sữa, đậu, cá, các loại hạt... để tăng độ chắc khỏe và dẻo dai của xương.
Tập thể dục
Tập thể dục vừa phải có thể làm tăng mật độ xương và ngăn ngừa loãng xương. Bạn nên chọn phương pháp tập luyện phù hợp với bản thân như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga...
Kiểm soát cân nặng
Béo phì sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương. Nên kiểm soát khẩu phần ăn với lượng phù hợp và duy trì cân nặng hợp lý.
Tránh hút thuốc
Hút thuốc làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương, do đó tốt nhất không nên hút thuốc.
Tránh uống rượu quá độ
Uống rượu quá mức có thể làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương, bởi vậy bạn nên uống rượu vừa phải.
Lưu tâm đến biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng sức khỏe của xương, do đó nên chú ý dự báo thời tiết trong vùng và giữ ấm cơ thể để ngăn ngừa loãng xương.
Hướng Dương (Theo Sohu)