Nếu là người thường xuyên đi lại bằng máy bay, hẳn bạn đã quen thuộc với lời thông báo của tiếp viên hàng không về áo phao dùng cho trường hợp khẩn cấp. Theo quy định, áo phao được đặt dưới ghế của mỗi hành khách. Bạn không được lấy áo phao ra khỏi vị trí khi chưa có thông báo và không được làm phồng áo phao khi chưa ra khỏi máy bay. Điều này khiến nhiều người băn khoăn rằng, nếu không làm phồng thì làm sao áo phao có thể phát huy tác dụng, giúp bạn thoát chết đuối khi máy bay rơi xuống biển.
Nguyên nhân của thắc mắc này sẽ khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Nếu bạn cố tình "kích hoạt" áo phao khi còn ở trong máy bay, không những không giúp bạn thoát hiểm an toàn mà trái lại, khả năng cao là bạn sẽ bị chết đuối. Theo Express, khi máy bay chìm xuống biển, nước tràn vào khoang, một người mặc áo phao đã được thổi phồng sẽ nổi lên khỏi mặt nước và bị ép vào trần máy bay. Rất khó khăn cho họ để thoát được ra ngoài. Sau đó, nước sẽ từ từ dâng lên trần khoang và khiến nạn nhân tử vong. Do đó, việc mặc áo phao không đúng cách cũng khiến bạn gặp nạn.
Một lý do khác là làm phồng áo có thể khiến bạn khó vượt qua các lối thoát hiểm khẩn cấp hơn bởi diện tích máy bay không rộng rãi. Đặc biệt là trong tình huống hỗn loạn, mọi người đều muốn lao ra lối đi và cửa thoát hiểm. Việc mặc chiếc áo to, cồng kềnh khiến tốc độ di chuyển chậm, nguy cơ uy hiếp tính mạng nhiều người sẽ cao hơn. Đó là chưa kể việc di chuyển giữa đống hỗn độn với chiếc áo căng phồng rất dễ khiến nó bị rách và xì hơi trước khi có thể cứu được bạn.
Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra vì hành khách không tuân thủ quy định này. Năm 1996, chuyến bay 961 của hãng hàng không Etopian Airlines bị không tặc tấn công, dẫn đến việc máy bay phải hạ cánh xuống nước. Không may, 125 người trong số 175 hành khách đã thiệt mạng. Một cuộc điều tra sau đó cho thấy nhiều người đã chết vì làm phồng áo phao ngay từ khi ở trong máy bay. Nước dâng cao khiến họ bị kẹt trong máy bay, không thoát ra được và chết đuối.
Do đó, cách tốt nhất là khi nhận được thông báo, bạn cần nhanh chóng mặc áo phao đúng cách, bỏ lại toàn bộ hành lý tư trang, di chuyển lần lượt ra lối đi và cửa thoát hiểm. Khi tới cửa, bạn mới làm phồng áo bằng cách giật mạnh hai đầu dây. Áo sẽ phồng lên nhanh chóng. Sau đó, hành khách có thể tuỳ tình huống như nhảy xuống cầu trượt bằng phao hoặc bơi xuống nước. Đừng quên, chiếc áo phao còn trang bị còi hiệu để thu hút sự chú ý của lực lượng cứu hộ.
Nhiều người còn cẩn thận lựa chọn chỗ ngồi ngay sát cửa thoát hiểm để tìm đường ra ngoài nhanh nhất ngay cả khi đèn tắt và hỗn loạn xảy ra. Thực tế cho thấy, không ít nạn nhân phải thoát ra mà không thể sử dụng lối đi chính giữa. Họ buộc phải trèo qua các hàng ghế rất khó khăn. Lúc này, bạn mới nhận ra chiếc áo phao chưa kích hoạt sẽ tốt hơn nhiều.