1. Siêu thị bán đồ hết hạn
Một thống kê chỉ ra 1/3 tổng số thực phẩm được sản xuất cho con người bị vứt bỏ. Lãng phí thực phẩm cũng góp phần làm biến đổi khí hậu, vì việc sản xuất và phân phối nó đòi hỏi một lượng năng lượng và nước đáng kể.
Để chống lãng phí thực phẩm, Đan Mạch đã mở siêu thị đầu tiên bán các sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc các sản phẩm có bao bì bị hư hỏng với mức chiết khấu cao. Siêu thị có tên WeFood bán những sản phẩm đã bị loại bỏ từ các cửa hàng khác nhưng vẫn hoàn toàn an toàn khi sử dụng. Bằng cách giảm lượng thực phẩm lãng phí, siêu thị này tạo nên phong trào, góp phần chống lại biến đổi khí hậu.
2. Bể bơi tận dụng nước biển
Người Đan Mạch cho rằng hồ bơi không cần thiết với một quốc gia được bao quanh là biển. Do đó, người ta đã cho xây dựng một hồ bơi thân thiện với môi trường, mang tên Harbour Bath, tận dụng nước biển và dùng những cây thông có độ bền cao nhập khẩu từ Thụy Điển để làm các hạng mục. Khu phức hợp này có thể chứa 650 khách, ngoài ra còn có 2 phòng xông hơi khô.
3. Trang trại chạy bằng năng lượng gió, sản xuất 1.000 tấn lương thực
Việc sản xuất và vận chuyển thực phẩm đi xa cũng gây lãng phí và thải ra lượng carbon lớn. Do đó, công ty Nordic Harvest của Đan Mạch đã tạo ra một trang trại thẳng đứng chạy bằng năng lượng gió. Toàn bộ các hạng mục của trang trại đều đặt trong một tòa nhà duy nhất và sản xuất khoảng 1.000 tấn thực phẩm hàng năm đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải carbon.
4. Đan Mạch là nơi có những hòn đảo năng lượng đầu tiên
Đảo năng lượng là một phần của dự án ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu. Các hòn đảo sẽ thu được năng lượng từ những cơn gió ngoài khơi chuyển thành điện năng. Đây là một bước tiến để loại bỏ năng lượng nhiên liệu hóa thạch. Các hòn đảo năng lượng của Đan Mạch đóng vai trò là nguồn cung cấp năng lượng xanh và dự kiến sẽ sản xuất năng lượng cho 5 triệu hộ gia đình.
5. Cánh tuabin gió tái chế được tái sử dụng làm nơi để xe đạp
Người Đan Mạch rất coi trọng lối sống không lãng phí. Thành phố Aalborg đã tìm ra cách sử dụng cho các cánh tuabin gió cũ. Dù được làm từ những vật liệu khó tái chế, những cánh tuabin ở thành phố này không bị vứt bỏ mà thay vào đó, chúng được biến thành mái che cho xe đạp công cộng. Đại học Strathclyde ước tính đến năm 2050, sẽ có 2 triệu tấn chất thải từ tuabin gió. Do đó, việc tái sử dụng chúng sẽ cắt giảm nhu cầu về thép và giảm lượng carbon tạo ra trong quá trình sản xuất bê tông trong xây dựng.
6. Cà phê ở Đan Mạch được bán trong những chiếc túi có thể tái chế
BKI Foods là một công ty Đan Mạch đi đầu trong việc phát triển các giải pháp bền vững mới. Túi cà phê là một trong số các phát minh mới, có thể tái chế 99%. Mặc dù nhìn từ bên ngoài, chúng không khác so với những chiếc túi đựng khác nhưng trong việc sản xuất ra chúng, người ta đã tiết kiệm được15% trọng lượng của chất dẻo. Nhờ đó, lượng carbon trong sản xuất giảm 23%.
7. Cơ sở sản xuất điện từ chất thải được tận dụng làm công viên
Công trình này được đánh giá là "một công đôi việc" trong việc sống xanh. Amager Bakke là một cơ sở chuyển đổi chất thải thành năng lượng ở Copenhagen, sản xuất điện cho nhiều hoạt động. Bên cạnh đó, 15% -20% lượng rác thải đầu vào có thể được tái sử dụng để làm đường. Không chỉ thế, tầng mái của Amager Bakke được thiết kế để trở thành một công viên nhỏ, cung cấp những con đường đi bộ xanh mướt mùa hè và biến thành dốc trượt tuyết trong những tháng mùa đông.
8. Bảo tàng xây dưới đất để không chắn đường chân trời
Bảo tàng Hàng hải Quốc gia, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, nằm gần lâu đài Kronborg, bối cảnh của phim Hamlet. Để bảo tồn quang cảnh của không gian xung quanh, không chắn tầm mắt, toàn bộ công trình được xây dựng dưới lòng đất. Nơi đây có các bức tường của bến tàu từ 60 năm trước cùng nhiều phòng trưng bày, triển lãm...
9. Khu săn bắn hoàng gia trở thành công viên bảo tồn
Jægersborg Dyrehave, một bãi săn thuộc sở hữu hoàng gia xưa kia, là một khu rừng sồi, nơi sinh sống của khoảng 2.000 con nai và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Khu rừng được bảo tồn nguyên vẹn trong suốt 350 năm. Nhiều quy định được đưa ra, trong đó có nghiêm cấm chặt cây, trừ khi nó gây nguy hiểm cho con người. Nếu cây chết, chúng sẽ được giữ nguyên để tự phân hủy theo cách tự nhiên nhất. Khu bảo tồn này gồm 5 khu vực và đón khoảng 7 triệu khách mỗi năm.
10. Người dân sử dụng xe đạp nhiều hơn ôtô
Copenhagen là một trong những thành phố thân thiện nhất với môi trường và có tỷ lệ người dân sử dụng xe đạp nhiều nhất thế giới. Cứ 10 người Đan Mạch thì 9 người có một chiếc xe đạp. Năm 2018, thành phố này có 675.000 xe đạp và chỉ 120.000 ôtô. Nhờ mạng lưới đường đi và những cây cầu sáng tạo, Copenhagen cũng là một trong những nơi an toàn nhất để đạp xe.
Nguyên Chi (Theo Bright Side)