Bào ngư là loại thực phẩm thuộc hàng xa xỉ, không nhiều người từng thử qua mùi vị của nó bởi giá thành đắt đỏ, không dành cho giới bình dân. Bào ngư tươi sống có giá cao nhất, hương vị thơm ngon và giàu dinh dưỡng hơn. Bào ngư khô khá thuận tiện cho việc vận chuyển, bảo quản nên có giá thấp hơn. Những con bào ngư sống được tách vỏ, lấy phần thịt phơi khô.
Một kg bào ngư tươi rẻ nhất (loại ít dinh dưỡng) cũng khoảng 600.000 đồng/kg khoảng 30 con. Loại đắt tiền hơn có giá 7 triệu đồng chỉ khoảng 2-3 con do kích thước lớn hơn. Đặc biệt còn có loại bào ngư hảo hạng có giá tới 15 triệu đồng tới hàng nghìn USD một kg. Bào ngư đặc biệt được ưa chuộng ở các quốc gia châu Á.
Với giá thành 'đắt cắt cổ' này, bào ngư dường như được chỉ định là dành cho giới nhà giàu. Từ xa xưa, bào ngư cũng thường chỉ được dùng làm các món ăn trong cung đình cho vua chúa và giới quý tộc. Khi chế biến cũng khá cầu kỳ, mỗi món chỉ sử dụng một hoặc vài con để hầm, nấu cháo, làm súp...
Sở dĩ bào ngư có giá thành cao như vậy là do trong bào ngư có nhiều dưỡng chất quý, bổ dưỡng cho sức khoẻ. Có tới 25 loại vitamin khoáng chất trong bào ngư, gồm các loại protein nguồn gốc biển, vitamin và các nguyên tố vi lượng như potassium, phosphorous, đồng, sắt, kẽm, sodium, magnesium, selenium, niacin, biotin, folic acid, pantothenic acid, sulphur, canxi, iodine, chloride, vitamin A, B...
Bào ngư có tác dụng bồi bổ sức khoẻ rất hiệu quả, bổ âm, mát gan, sáng mắt, cân bằng huyết áp, hạ nhiệt, tốt cho tim mạch. Đặc biệt, loại hải sản cao cấp này còn có tác dụng bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực cho nam giới nên luôn được phái mạnh săn lùng.
Bào ngư đắt còn vì sự quý hiếm, số lượng hạn chế. Chúng chỉ sống ở vùng biển lạnh, sóng lớn, đá ngầm hiểm trở như Bắc Mỹ, Nhật, Australia, New Zealand, Nam Phi... Đây đều là những nơi có chất lượng bào ngư ngon và giá thành cao nhất. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng bào ngư gần cạn kiệt do biến đổi khí hậu, thay đổi môi trường sống nên số lượng tự nhiên không còn nhiều như trước, khiến giá bào ngư ngày càng đắt đỏ. Nhiều quốc gia còn ra quy định giới hạn sản lượng bào ngư tự nhiên được đánh bắt để bảo tồn loài sinh vật biển này.
Việc đánh bắt bào ngư cũng rất nguy hiểm. Do chúng sống ở đáy biển, những nơi có sóng to gió lớn và mỏm đá sắc nhọn nên người thợ đánh bắt bào ngư gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, thậm chí có thể tới từ cá mập. Bào ngư còn bám vào khe đá nên việc đánh bắt thường phải làm bằng tay với phương pháp thủ công, mất nhiều thời gian và công sức. Do đó, bào ngư đã đắt lại càng đắt hơn.