Hươu Ú
Trà đạo, thường chỉ dùng trong khuôn khổ một số loại trà cổ truyền. Ở Việt Nam, có lẽ chưa thể gọi là trà đạo, nhưng khi pha một ấm trà cũng phải có cung cách riêng của nó.
Đầu tiên là bộ ấm chén - không thể dùng loại sứ trắng tinh, long lanh, to oạch của Minh Long, chén to như uống lipton... nhìn chén trà đã mất hết cả tinh tế. Thường thì sẽ là những bộ ấm chén xinh xinh và bình dị của Bát Tràng, của gốm sứ Hải Dương hoặc Quảng Ninh. Nhưng hợp nhất vẫn là Bát Tràng. Loại có một ấm và các chén-không-quai đặt chung trong một chiếc đĩa, hoa văn vẽ bằng men xanh hoặc cả bộ mang một màu nâu đất nồng ấm.
Việc đầu tiên khi pha trà là phải có một phích nước thật nóng. Ngày xưa cầu kỳ thì nước pha trà phải là nước của trời - nước mưa, bây giờ thì chắc sợ mưa axit nên chả dại cầu kỳ nữa.
Có phích nước nóng rồi thì sẽ tráng ấm trà trước. Nước tráng ấm lại rót trả lại các chén, nhưng không được đổ đi, giữ nguyên nước nóng trong chén để chén không bị nguội.
Cho trà vào ấm. Đây cũng là vấn đề quyết định xem liệu mình có được một ấm trà ngon hay không. Có rất nhiều loại trà. Mỗi loại trà lại có thể được ướp với rất nhiều loại hương khác nhau: sen, nhài, ngâu, sói... trong đó trà sen là loại trân quý nhất và cũng được ướp cầu kỳ nhất. Nhưng em thích nhất là trà mộc, nghĩa là không ướp với bất kỳ hương gì.
Trà cho vào ấm với lượng vừa đủ rồi, lại phải tráng trà bằng một lượt nước sôi nữa. Lại tiếp tục dùng nước này để tráng lại chén lần nữa. Rồi sau đó mới chuyên tiếp một ít nước sôi vào ấm trà, một ít thôi nhé.
Trong khi chờ trà ngấm, cánh trà xòe bung ra, sẽ là lúc nhẩn nha dăm ba câu chuyện. Rồi sau đó, chậm rãi tráng qua một lượt các chén.
Lúc này mới chuyên thêm nước sôi cho vừa đủ vào ấm trà.
Trà rót trong ấm ra không bao giờ rót đầy chén ngay một lượt mà bao giờ cũng chỉ rót lưng chừng. Rót hết một vòng các chén, lại quay lại rót nốt cho vừa. Rót như thế mới tránh làm cho các chén đặc loãng, khác nhau, vì khoảng thời gian rót vòng cũng đủ để trà ngấm hơn một chút.
Thưởng thức trà hơi giống như thưởng thức rượu vang. Đầu tiên là ngắm nghía màu sắc của nước trà. Nước trà trong, sắc xanh là một trong những yếu tố hứa hẹn một chén trà ngon. Người ta không uống ngay mà đưa chén trà lướt nhẹ qua mũi, để hơi nước ẩm nóng mang theo hương trà động vào khứu giác, chạm vào một vùng cảm xúc cũ kỹ và bình yên. Những người sành uống trà có thể đoán biết được chén trà ngon hay không ngay ở lúc này và có thể trên môi họ sẽ thoảng một nụ cười nửa miệng mơ hồ.
Nhấp một ngụm trà vào miệng, lưu lại vị đắng trong miệng, rồi sau đó sẽ là vị chát. Nhưng kì lạ, dư vị cuối cùng lại là vị ngọt thanh lan tỏa nơi cổ họng.
Thưởng trà là thế, phải có chát chúa mới có ngọt ngào.
Phải bình thản qua được hết vị đắng chát mới thấm thía dư vị ngọt thanh cuối cùng.
Chẳng phải vô cớ mà vị đắng của café và được gọi là vị đắng của đau khổ. Nó là vị của lãng quên.
Còn vị đắng của trà là vị đắng của sự trải nghiệm. Nó là vị của ghi nhớ.
Bởi vì phải bình thản đi qua những đắng chát, mới thấm thía hết dư vị ngọt thanh cuối cùng.
Bởi vì bất chấp vị đắng chát, vẫn còn thấy ngọt thanh mới có nghĩa là đáng để ghi nhớ.
Vài nét về blogger:
Một chút mặt trời trong nước lạnh - Hươu Ú.
Bài đã đăng: Làm gì trước năm 30 tuổi, 'Leo cây'.