Bắt đầu nghiệp thiết kế với một cửa hiệu nhỏ chuyên về váy cô dâu trên đại lộ Madison, New York đến việc tạo ra một "đế chế thời trang" với giá trị bán lẻ hơn 1 tỷ USD, nhà thiết kế người Mỹ gốc Hoa 65 tuổi Vera Wang đã trải qua một hành trình dài trước đó, để đi tìm niềm đam mê thực thụ của mình.
"Mọi người đã làm tốt hơn tôi rất nhiều chỉ trong thời gian ngắn, nhưng đó không phải là câu chuyện của tôi. Tôi bắt đầu với từng viên gạch, từng khách hàng, từng cửa hiệu... đó là hành trình, nhưng không phải một hành trình ngắn và cũng không hề dễ dàng", nhà thiết kế chia sẻ.
Tiếp xúc với thời trang từ thời thơ bé
Vera sinh ra tại New York trong một gia đình nhập cư gốc Thượng Hải. Cha bà là doanh nhân trong ngành công nghiệp dược phẩm, mẹ làm phiên dịch viên cho Liên Hợp Quốc. Ngọn lửa say mê thời trang và kinh doanh của cô gái Hoa kiều cũng được nhen nhóm lên từ chính những bậc thân sinh. Việc nhìn thấy cha phát triển công ty đã sớm ngấm máu kinh doanh vào Vera. Còn mẹ bà chính là người hun đúc tình yêu với các thiết kế, khi thường xuyên dẫn con gái tới các buổi trình diễn thời trang ở Paris.
Nhà thiết kế vẫn nhớ như in những lần được xem diễn thời trang thời thơ bé: "Tôi và mẹ đi tới show couture của Yves Saint Laurent ở Rue Spontini (Paris). Đó là xưởng 33 Rue Spontini, tôi vẫn nhớ địa chỉ này. Tôi đã được dạy về thời trang bằng việc tới những nơi như thế, lớn lên với những show diễn và tiếp xúc với những người vĩ đại nhất".
Khát khao chinh phục đỉnh cao trên sân băng
Thế nhưng nghiệp của Vera Wang lại rẽ sang một hướng khác. Từ năm 6 tuổi, Vera bắt đầu trượt băng nghệ thuật, được huấn luyện bởi các vận động viên nổi tiếng. Ở tuổi 19 vinh quang đến với Vera khi gặt hái được chức vô địch trượt băng toàn nước Mỹ U.S. Figure Skating Championships năm 1968. Bà khát khao được chạm vào Huy chương vàng Olympic.
Sau bao năm cạnh tranh, cố gắng hết mình nhưng điều đó không thể thực hiện vì bà không được chọn vào đội tuyển dự thi. "Khi bạn thất bại, bạn phải đứng lên và bắt đầu lại, nếu muốn trở thành một vận động viên thực thụ, không để bất cứ điều gì ngăn cản bạn", Vera nhấn mạnh. Nhưng kỳ lạ thay, lúc này bà niềm đam mê khác trong bà trỗi dậy mạnh mẽ, đó là thời trang. Sau này khi thành nhà thiết kế nổi tiếng, bà vẫn không quên môn trượt băng và đã may trang phục cho nhiều vận động viên như Nancy Kerrigan, Evan Lysacek, Michelle Kwan...
Tìm lại đam mê bằng nghề biên tập
Bỏ lại giày trượt băng vào một góc, Vera dồn tâm huyết vào thời trang. Bà nghĩ sẽ tìm đến một ngôi trường để học về thiết kế, nhưng cha bà nói "Không, hãy tìm một công việc". Khi ấy, Vera đang học ngành Lịch sử nghệ thuật ở Đại học Sarah Lawrence. Bà được nhận làm công việc bán thời gian tại cửa hàng của Yves Saint Laurent trên đại lộ Madison, New York.
Cũng ở đây, số phận đã đem đến cho cô gái gốc Hoa một cơ hội tốt. Cô gặp Frances Patiky Stein, một trong hai giám đốc thời trang của Vogue Mỹ ở thời điểm đó. "Bà ấy nói, hãy gọi cho tôi khi học xong đại học. Tôi tin bà ấy và đã làm như vậy. Tôi gọi cho Frances hai năm sau đó. Bà ấy hoàn toàn vẫn nhớ tôi và đã hẹn tôi phỏng vấn."
Từ một chức vụ nhỏ như một trợ lý tạm thời ở Vogue, Vera Wang tiến lên từng bước một bằng cách làm việc chăm chỉ, từng trở thành biên tập viên trẻ nhất của tạp chí thời trang này. Trong 17 năm cống hiến, bà nhận thấy học hỏi được rất nhiều từ nơi này. "Bạn có các nhà tạo mẫu tóc tốt nhất, chuyên gia trang điểm giỏi nhất, các nhiếp ảnh gia mới tài năng và kỳ cựu."
Nắm giữ vị trí biên tập viên cao cấp mảng thời trang nhiều năm liền, sau khi không được bổ nhiệm chức Tổng biên tập, bà rời Vogue. Vị trí này được Anna Wintour thay thế và nắm giữ cho đến nay.
Những bước đi trong ngành thiết kế
"Tôi đến Ralph Lauren và trở thành một giám đốc thiết kế ở đó, một nơi tuyệt vời với các nhân viên tốt, nguồn ngân sách luôn sẵn sàng cho các ý tưởng của bạn. Rất ít công ty có thể làm được điều đó", Vera Wang nhận định. Ở đây, bà chủ yếu tập trung vào thiết kế phụ kiện.
Hai năm sau, trong khi lên kế hoạch cho đám cưới của mình với Arthur Becker (đã ly dị năm 2012), Vera Wang đã có một ý tưởng để đời là tự thiết kế váy cô dâu cho chính mình. Ham mê công việc, ở tuổi 40, bà mới tìm được ý trung nhân của mình.
Cô dâu muộn chồng ấy muốn được khoác lên mình một thiết kế thật ưng ý trong ngày trọng đại, nhưng không cảm thấy thỏa mãn với bất kỳ chiếc váy nào trong các cửa hiệu, đặc biệt vẻ nhỏ nhắn của người Á đông càng gây khó khăn cho Vera. Bà quyết định tự tay thực hiện chiếc váy cưới trong mơ của mình.
Vera Wang cũng nhận ra những thiết kế váy cưới thời bấy giờ không đáp ứng nhu cầu của phụ nữ hiện đại, bà có một tầm nhìn khác. Năm 41 tuổi, bà mở cửa hiệu thiết kế đầu tiên chuyên về áo cưới, tại khách sạn Carlyle, trên đại lộ Madison, New York.
Bà dồn tình yêu, sự sáng tạo vào các thiết kế để tạo ra sự đột phá, không đi theo lối mòn truyền thống. Sự sang trọng, tinh tế luôn có trong các thiết kế Vera Wang, bà muốn chiếc váy cưới phải giữ nguyên giá trị, dù là bao nhiêu năm trôi qua, nhưng phải thổi vào đó nét mới, độc đáo. Mỗi mùa, bà luôn cố gắng để thay đổi và đặt ra cho bản thân những yêu cầu rất lớn.
Vera Wang mang đến cho cô dâu nhiều sự lựa chọn với những bộ váy cưới đủ màu, đặc biệt thiết kế váy cưới màu đen năm 2012 đã phá tan mọi quy tắc thời trang cô dâu. Theo bà, nó tượng trưng cho sự bí ẩn, quyến rũ, nét lôi cuốn của những người phụ nữ hiện đại.
Thế nhưng, chặng đường không phải lúc nào cũng suôn sẻ với nữ thiết kế. Đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh. Bà từng thất bại khi lần đầu giới thiệu bộ sưu tập ready-to-wear (thời trang ứng dụng) vào năm 2000. Mặc dù, nó cho bà những thử nghiệm tuyệt vời, cơ hội thể hiện gu thẩm mỹ riêng nhưng không thể đạt doanh số như mong muốn.
"Cha tôi không am hiểu về kinh doanh hàng may mặc, những gì ông biết là kinh doanh thông thường: Tất cả các doanh nghiệp phải kiếm tiền để tồn tại, thu hút nhân tài và có các hệ thống hỗ trợ. Không có nghĩa là bạn nên hy sinh mọi thứ chỉ nhằm mục đích kiếm tiền, nhưng có thể dùng nó để nuôi dưỡng đam mê", Vera hiểu ra bài toán kinh tế trong thời trang để thương hiệu có thể trụ vững.
Trở thành doanh nhân đình đám
Nói Vera Wang là một nhà thiết kế váy cưới không bao hàm được đầy đủ, khi có rất nhiều doanh nghiệp sống dưới thương hiệu Vera Wang. "Tôi làm theo mô hình kinh doanh của Calvin Klein và Ralph Lauren, đó là kiểu mẫu rất Mỹ. Họ làm bộ sưu tập nhưng cũng làm nước hoa và các thứ khác", nhà tạo mốt chia sẻ bí quyết.
Trên thực tế, cái tên Vera Wang được cấp phép kinh doanh tất cả mọi thứ từ văn phòng phẩm đến nội thất. Đáng chú ý là quan hệ đối tác lâu dài với chuỗi cửa hàng bách hóa Kohl. Nhắc đến Vera Wang là nhắc đến cả quần áo, phụ kiện, giày dép, đồ trang sức, mỹ phẩm, nước hoa, đồ gia dụng tại các cửa hàng bán lẻ độc quyền.
Trả lời câu hỏi khi ôm đồm rất nhiều ngành nghề khác nhau, làm sao để duy trì tính toàn vẹn cho thương hiệu của mình, Vera khẳng định rằng, thời trang là niềm đam mê lớn nhất, kế sinh nhai của mình phụ thuộc vào đó nên bà luôn chăm chút, không thể bỏ quên.
Nhà thiết kế kiêm nữ doanh nhân giàu có cũng rất cẩn thận trong việc lựa chọn đối tác. Bà có hai đồng minh thân thiết, đều nằm trong số những nhà bán lẻ trang phục cưới lớn nhất Bắc Mỹ là Men’s Warehouse và David’s Bridal.
Vinh quang và danh tiếng
Vera Wang giờ đây được mệnh danh là "nữ hoàng váy cưới", là thương hiệu mơ ước của các cô gái trong ngày hôn lễ. Váy và vương miện của bà tượng trưng cho một đám cưới lộng lẫy. Nhiều người đẹp Hollywood như Avril Lavigne, Jennifer Lopez, Victoria Beckham, Kim Kardashian, Chelsea Clinton, Alicia Keys, Mariah Carey, Hilary Duff... đã "chọn mặt gửi vàng" cho Vera Wang trong ngày trọng đại. Không chỉ vậy, đây còn là sự lựa chọn của nhiều ngôi sao nổi tiếng khi xuất hiện trên thảm đỏ. Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama cũng từng khoác lên mình trang phục của Vera Wang.
Tháng 6 năm 2005, Vera vinh dự nhận giải CFDA của Hội đồng những nhà thiết kế thời trang Mỹ cho danh hiệu "Nhà thiết kế đồ nữ của năm". Mùa hè năm sau, bà được trao giải cống hiến trọn đời André Leon Talley của Học viện Nghệ thuật và Thiết kế Savannah.
"Tôi cố gắng không tự phụ trước bản thân mình", Vera chia sẻ trước những thành tựu của mình, "đôi khi, bạn bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh bạn, họ đẩy bạn đi quá xa và gây khó khăn trong những quyết định. Nhưng tôi luôn giữ đôi chân của mình trên mặt đất. Đó là một chuyến đi của niềm đam mê, của sự tôn trọng khách hàng, tôn trọng những gì mình tạo ra, để giữ được thương hiệu trong một thế giới nhiều đổi thay".
Lana