Anh Quang làm việc tại Hà Nội nhưng ông bà nội lại ở Đông Anh, nhà ngay gần Nhà máy thiết bị điện. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của nhà máy cứ lên giá đều đều, "2 chấm" (tăng gấp 2 lần mệnh giá), 4 chấm rồi lên trên cả 6. Chuyện gì thì chuyện nhưng cứ ngồi với nhau kiểu gì mấy ông già về hưu như bố anh Quang cũng quay lại chủ đề cổ phiếu.
Có dạo thị trường "sốt", ngày nào ông bố cũng gọi điện cho anh con trai ở Hà Nội hỏi: "Hôm nay có người trả giá 6... bán được chưa con?". Ông hàng xóm già nhà bên cạnh có gần 1.000 cổ phiếu cũng nhấp nhổm muốn bán để lấy tiền cho con mua nhà. Bố anh Quang kể: "Người Hà Nội về hỏi mua cổ phiếu đông lắm, họ đi từng phòng, từng phân xưởng hỏi cơ".
Chuyện cổ phiếu, cổ phần cũng sôi động chẳng kém ở Nhà máy điện Việt - Hung. Được quyền mua cổ phần từ cuối năm ngoái với giá thấp hơn nhiều mệnh giá, một số công nhân đã bán với chênh lệch vài triệu đồng, giờ số cổ phiếu đó có chênh lệch hàng chục triệu đồng khiến nhiều người tiếc ngẩn ngơ. Những cán bộ công nhân có người nhà ở Hà Nội liên tục được nhờ tìm mối mua giúp, thậm chí có doanh nghiệp tư nhân đang là đối tác của nhà máy còn đặt một bàn giao dịch ngay cổng để công nhân nào có nhu cầu bán cổ phiếu là mua ngay. "Giờ tìm mối bán cổ phiếu khó lắm vì ai có nhu cầu thì đã bán hết rồi. Vài tháng trước có thằng cha ở Hải Phòng lên gom gần tỷ đồng", ông Cát, một công nhân sắp nghỉ hưu, cho biết.
Đông Anh ở ngoại thành Hà Nội nên cán bộ công nhân các nhà máy còn có điều kiện cập nhật thông tin về thị trường chứng khoán đỡ bị bán "hớ". Tại nhiều tỉnh, giá do một tay cò và các thợ săn đạo diễn khiến nhiều người lao động lam lũ thiếu thông tin bán rẻ cổ phần. Ngay ngoài cổng nhà máy của Công ty cổ phần Xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao thị xã Tam Điệp, Ninh Bình, hình thành một chợ bán cổ phiếu. Chị Hường, một công nhân, cho biết, đã 2 lần đem bán cổ phần. Hồi tháng 7 năm ngoái, chị bán 800 cổ với giá 9.700 đồng (mệnh giá 10.000 đồng song công nhân được mua với giá thấp hơn nhiều mệnh giá), nửa tháng trước, chồng chị phải nằm viện, cần tiền thuốc thang chị lại bán tiếp với giá 17.000 đồng/cổ phần.
![]() |
Công nhân nhà máy của Công ty cổ phần Xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao đang chờ khách mua cổ phiếu. |
"Thời điểm này, giá cổ phần giao dịch với nhau trong công ty đã lên đến 26 rồi, tôi cũng chẳng biết đắt rẻ ra sao nhưng cứ thấy giá lên mà xót như xát muối vào vết thương vậy", chị Hường bộc bạch.
Tại Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình, hầu như ngày nào cũng có người tìm tới cổng để chờ công nhân tan ca ra là hỏi mua cổ phiếu. Từ hôm báo đăng công ty nằm trong danh sách các doanh nghiệp lên sàn năm 2007 của Tổng công ty hóa chất, tình hình mua bán càng rôm rả.
Thợ săn cổ phiếu
Tại nhiều doanh nghiệp, nhà máy ở tỉnh đang hình thành đội ngũ thợ săn cổ phiếu. Những người này có thể là nhân viên trong doanh nghiệp, phần nhiều ở các bộ phận liên quan đến cổ phần hóa như kế toán... hoặc là người ngoài nhưng có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo công ty.
Hải, nhân viên một ngân hàng lớn tại Hà Nội, cho hay cậu đang gom tiền để chờ lấy cổ phần của một doanh nghiệp ở Hải Phòng. Nhóm đầu tư như Hải đặt một tay thợ "săn" hơn 50.000 cổ phần với phí bằng nửa giá cả lô hàng, tất nhiên cả nhóm cũng biết thợ đã ăn 2 giá trước đó.
Để gom được lô hàng trên, mỗi tay thợ săn lại có hệ thống cộng tác viên tới vài người và sẵn sàng chung chi cho những người này một khoản kha khá. "Ngon nhất là bắt mối được với một tay nào đó phụ trách quan hệ với cổ đông. Có danh sách trong tay, họ có thể gọi điện đến từng người một để hỏi mua và gom được khá dễ dàng. Thủ tục chuyển nhượng qua tay những người này cũng nhanh gọn, nhiều khi công nhân có nhu cầu bán cổ phần chỉ cần lên ký giấy, nhận tiền là xong khỏi cần mang sổ cổ đông đến nộp", một tay thợ săn kiêm cán bộ tín dụng ngân hàng tỉnh "bật mí".
Nhiều công nhân trong các nhà máy vốn là nông dân chân lấm tay bùn rất thật thà, cả tin, cứ thấy lợi là bán. Ở một số nhà máy giới đầu tư chứng khoán ước tính có tới 90% công nhân, người lao động đã bán sạch cổ phần ra ngoài.
(Theo VnExpress)