Phan Khoa Nam
Lúc ba tuổi, thành công nhất là không đái dầm, rồi trưởng thành, rồi già, đến lúc 70 tuổi không tè bậy trong quần... cũng được xem là một thành công. Nhìn tờ quyết định có đóng cái mộc đỏ chót, ông bật cười nghĩ vẩn vơ, vậy là đến lúc mình phải cẩn thận rồi, biết đâu nay mai lại vò đầu bứt tóc, tự trách mình đãng trí đến mức... làm bậy trong quần mà cũng không biết thì sao?
2. Thằng con trai độc nhất cầm cái điều khiển vừa dò tìm kênh thể thao vừa nói chuyện với ông:
- Vậy là từ nay con yên tâm rồi. Nghĩ tới cảnh tối tối đi làm về ba còn cặm cụi lo chuyện của cơ quan con đã thấy mệt giùm ba. Ba nghỉ hưu, có thời gian về quê thăm họ hàng nội ngoại, hương đồng gió nội cũng tốt cho sức khỏe của ba hơn. Tiện thể ba nói đỡ giùm con một tiếng, mấy năm nay bận bịu con chẳng về quê thăm ai được.
Nói rồi thằng con cười cười:
- Mà biết đâu về quê, rồi có bà nào giữ chân ba lại cũng hay.
- Cái thằng thiệt là... tưởng ba là thanh niên hay sao mà cà rỡn vậy mày?
Thằng con trai hì hì:
- Thì con đâu có nói ba còn trẻ, nhưng có mấy ông già nào còn phong độ như ba? Hay con nhắn dì Út ở dưới tìm mối trước cho ba nghen?
Ông trợn tròn mắt nhìn thằng con ba mươi tuổi đầu ngồi nói chuyện giỡn chơi như con nít. Chưa nạt nó chuyện không chịu lấy vợ, giờ nó lại tính tìm người cho ông. Cái thằng…
Nghĩ cũng tội nghiệp. Mất mẹ từ hồi còn đỏ hỏn, nó lớn lên thui thủi một mình như cái cây kiểng đặt trong phòng kín nhà giàu. Ông bận bịu trăm công nghìn việc, mấy khi chia sẻ được với con. Cũng may là nó sống đàng hoàng dù thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Giờ nghĩ lại mới thấy thương con, thương mình. Bao nhiêu năm trời căn nhà lạnh lẽo không có tiếng cười tiếng khóc.
Thi thoảng mới thấy thằng con vui một chút khi có dì Út từ dưới quê lên xách cho nải chuối, con gà. Dì cháu ôm nhau nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất rồi dì lại lật đật nhờ ông chở ra bến xe “dìa dưới”. Lần nào cũng vậy, ông dắt xe ra, thằng con cũng đứng bên cái cổng sắt to đùng nhìn theo bóng dì khuất tận đầu hẻm. Dì Út nó ngồi sau lưng ông thút thít tội nghiệp thằng nhỏ làm ông cũng cảm thấy rưng rưng... Phải chi người ngồi sau lưng là má thằng con ông thì hay biết mấy?
...Thằng con đang nói chuyện, thấy ba im bặt, mặt mũi bần thần thì hoảng hồn:
- Ba, ba sao vậy?
Ông giật mình. Thằng con may mà không biết được ông đang nghĩ gì. Chứ ngần tuổi này rồi mà... Ông phất tay xuề xòa:
- Sao trăng gì? Mày đó, không lo có vợ đi cho ba có cháu ẵm bồng?
- Con cưới vợ rồi đi theo vợ luôn, ba ở vầy một mình ngồi coi tivi, ba chịu không?
Ông nhìn thằng con, bất giác đưa tay ra, muốn ôm nó vào lòng xoa cái đầu lì lợm của nó kinh khủng. Nhưng rồi kịp rụt tay lại, rớt ra một câu chẳng ăn nhập gì tới câu chuyện:
- Chương trình chán ngắt, đưa ba mượn cái remote coi!
3. Ở quê được hai tuần, ông nhất định khăn gói đi về dù dì Út can ngăn hết lời. Ông thấy nhớ thành phố dù người thân ruột thịt, mồ mả ông bà đều nằm ở quê. Không hiểu tại sao nhưng ông thấy quen với cái không khí đông đúc rồi.
Về quê những ngày đầu, gặp gỡ người này người kia cũng vui nhưng ở lâu đâm chán. Ai cũng có công có việc, quí nhau thật nhưng không lẽ cứ ngồi tán dóc với nhau hoài? Mồ mả ông bà ông cũng đã lo sơn phết xong xuôi. Ruộng vườn bao năm nay có đụng tay đụng chân đâu, giờ thì làm được gì. Mà có làm thì dì Út cũng không cho, xớ rớ còn bị la. Vậy nên bữa nào ông cũng mắc võng nằm trước sân, chờ dì Út thằng nhỏ về, ngồi xắt chuối cho heo, nói chuyện trên vườn dưới ruộng.
Không biết thằng con ông có thông đồng gì với Út nó không mà một bữa đang nói chuyện dì biểu nửa đùa nửa thật:
- Bữa rày anh Hai rảnh rỗi, không kiếm bà nào về nấu cơm phụ giúp, vài bữa thằng Khoa lấy vợ rồi, thui thủi vậy hen?
Ông bật cười:
- Thui thủi quen rồi dì ơi! - rồi ông đột ngột hỏi một câu mà xong rồi mới thấy mình vô duyên:
- Còn dì, sao vẫn còn chờ ai?...
4. Dì Út tay cầm con gà, tay giỏ bánh phồng chạy theo tiễn ông. Con đường ruộng dẫn ra tới lộ chính mọi ngày ngắn ngủn mà sao hôm nay dài ghê. Cũng lạ, từ bữa hỏi cái câu mắc dịch đó ông bỗng thấy ngại ngại ngần ngần. Dì Út cũng vậy. Như sáng nay nè, thức dậy sớm để nấu cơm, nấu nước trà cho ông điểm tâm về thành phố, dì cứ lúi ha lúi húi. Hình như còn làm bể cái bình tích nữa. Lúc ăn xong dì cứ ngồi bần thần, không giống mọi bữa quơ tay một cái chén bát gọn gàng, nhà cửa sạch trơn. Ông cũng vậy, càng cố ra vẻ tỉnh khô, ông càng thấy mình hồi hộp mà không rõ nguyên căn. Không lẽ cái bịnh già đến sớm chỉ vì một câu nói vô duyên vô cớ vậy sao?
Ra tới lộ, dì Út đưa hết số quà cho ông:
- Anh Hai về, nhắn thằng Khoa bữa nào huỡn huỡn tui lên thăm.
Mắt dì ươn ướt. Ông buột miệng, thấy mắt mình cũng như có nước:
- Ừ. Tôi sẽ nhắn. Mà thôi đường sá xa xôi, dì đừng lên, để tôi nói thằng Khoa sắp xếp công việc, cha con tôi về ở chơi với dì lâu lâu.
Nói rồi, ông vội vã leo lên xe.
Bóng dì Út méo dài theo nắng buổi sớm. Ông nhìn theo, nhoẻn miệng cười. Ông nhớ thằng con, không biết nó sẽ nghĩ sao nếu... Ủa, gì vậy cà, ông đang nghĩ lung tung gì vậy? Thiệt tình! Mà xe gì chạy xóc quá trời, mới ngồi chút xíu đã ê ẩm cả người. Hay tại mình già thiệt rồi, ta ơi?
(Theo Tuổi Trẻ)