![]() |
Giáo hoàng John Paul II. |
Cái chết của Giáo hoàng cũng là tín hiệu để các Hồng y giáo chủ trên toàn thế giới khăn gói lên đường trở về thành Rome. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của những người được mệnh danh là "các thái tử của Giáo hội" này là bầu ra một Giáo hoàng mới. Ngay khi tới Rome, họ sẽ cùng những vị Hồng y hoạt động tại Vatican tổ chức các cuộc gặp hàng ngày để đảm bảo mọi việc tiếp theo sẽ tiến triển một cách thuận lợi.
Khi một Giáo hoàng qua đời thì gần như toàn bộ các chức sắc cao cấp nhất của Vatican sẽ kết thúc nhiệm kỳ. Vị Giáo hoàng mới sẽ là người quyết định có tái bổ nhiệm họ hay thay thế bằng những người khác. Trong những ngày này, công việc tại toà thánh vẫn tiếp tục nhưng các Hồng y không được phép tiếp quản quyền lực của một Giáo hoàng hoặc thay đổi bất cứ quy định nào mà ngài ban hành trước khi chết.
Theo VnExpress, một trong những vấn đề cốt yếu tại Vatican hiện nay là đảm bảo an ninh trong những ngày lễ tang. Dự kiến sẽ có nhiều nguyên thủ quốc gia và hàng triệu tín đồ tiến về toà thánh để vĩnh biệt ngài. Hiện có khoảng 200 nhân viên mật vụ hoạt động quanh quảng trường St Peter nhằm giám sát những người hành hương. Tổng cộng sẽ có hàng nghìn cảnh sát và những người hỗ trợ về mặt y tế được điều tới Vatican.
Một đội gồm 120 người tình nguyện, thường được huy động trong trường hợp xảy ra thảm hoạ thiên nhiên, cũng được huy động để đối phó với những bất trắc xảy ra khi dòng người đang ùn ùn đổ về toà thánh. Nhiều tình nguyện viên nhận định, đây là một tình huống khẩn cấp và không thể dự đoán trước điều gì nên phải chuẩn bị chu đáo mọi mặt.
Giáo hoàng John Paul II đã ban hành quy định, hội đồng Hồng y bầu người kế nhiệm phải bắt đầu trong khoảng thời gian ít nhất là ngoài 15 ngày, nhưng không quá 20 ngày kể từ khi ngài qua đời.
Trong giai đoạn Sede Vacante (quãng thời gian khi Vatican chưa có Giáo hoàng thay thế) người có vai trò quan trọng nhất toà thánh là vị Giáo chủ thị thần (Camerlengo). Hồng y giáo chủ người Tây Ban Nha Eduardo Martinez Somalo, 78 tuổi, làm Giáo chủ thị thần tại Vatican từ năm 1993 đến nay.
![]() |
Giáo chủ thị thần, Hồng y Somalo sau khi niêm phong cánh cửa phòng Giáo hoàng John Paul II. |
Nhiệm vụ đầu tiên của vị chức sắc này là niêm phong căn phòng của giáo hoàng quá cố, đập vỡ chiếc nhẫn và cái ấn quyền lực của ngài. Đây là quy định đã có hàng thế kỷ qua nhằm ngăn ngừa bất cứ ý định nào hòng làm giả giấy tờ hay mạo danh Giáo hoàng.
Giáo chủ thị thần cũng giám sát những hoạt động chuẩn bị cho hội nghị các Hồng y bầu Giáo hoàng mới (conclave). Cuộc bỏ phiếu sẽ tiến hành bên trong nhà nguyện Sistine với những điều kiện bí mật tối đa. Các chuyên gia an ninh cùng những thiết bị dò tìm hiện đại nhất sẽ được huy động để đảm bảo rằng khu nhà nơi diễn ra hội nghị không bị gắn thiết bị nghe lén.
Hiện trên thế giới có 183 Hồng y giáo chủ ở độ tuổi từ 52 đến 95. Trong số đó có 117 người dưới 80 tuổi, đủ điều kiện được bỏ phiếu bầu Giáo hoàng theo quy định của toà thánh. Có 114 Hồng y hiện nay (chiếm 97,4% trên tổng số) là những người được Giáo hoàng quá cố John Paul II tấn phong.
Giáo hoàng John Paul II từng cảnh báo sẽ có sự "trừng phạt cực kỳ nghiêm khắc" đối với bất cứ sự vi phạm nào về mặt an ninh trong quá trình bầu chọn của các Hồng y. Những người này phải đặt tay lên một cuốn kinh thánh để thề giữ bí mật, không tiết lộ bất cứ điều gì về hoạt động bỏ phiếu bầu Giáo hoàng mới. Ngay khi cuộc bầu chọn bắt đầu, họ phải cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài cho đến khi một Đức thánh cha được bầu ra.
Trong thế giới hiện đại ngày nay, những quy định về hội nghị bầu Giáo hoàng cũng có nhiều điểm khác so với trước đây. Các Hồng y bị cấm liên lạc bằng thư từ hay điện thoại, vì vậy họ sẽ không được đưa điện thoại di động vào nhà nguyện Sistine. Ngoài ra họ còn bị cấm xem TV, nghe đài hay đọc sách báo. Mặc dù những quy định không đề cập đến Internet, để đảm bảo an toàn họ cũng sẽ không được phép lướt mạng hay gửi nhận email.
![]() |
Giáo chủ thị thần Somalo đang xức nước thánh lên thi hài Giáo hoàng tại nhà nguyện Clementine. |
Trong lịch sử các cuộc bầu Giáo hoàng, các Hồng y phải sử dụng một nơi ở tạm gồm những chiếc giường và vật dụng vệ sinh cá nhân khá bất tiện nằm ngay bên trong nhà nguyện. Nhưng trong lần bầu chọn năm nay, các Hồng y sẽ lần đầu tiên được sử dụng nơi sinh hoạt tiện nghi hiện đại theo kiểu khách sạn nằm ngay bên trong khuôn viên toà thánh.
Mỗi vị Giáo hoàng đều có cơ hội được viết lại những quy định về hoạt đồng bầu chọn người kế nhiệm và Giáo hoàng John Paul II đã bổ sung một điều khoản nhằm chấm dứt sự bế tắc nảy sinh trong quá trình bỏ phiếu. Theo quy định chung, Hồng y nào giành được 2/3 phiếu bầu sẽ trở thành Giáo hoàng. Nhưng Giáo hoàng John Paul II quy định thêm, sau 30 vòng bỏ phiếu mà không có Hồng y nào đạt được số phiếu quy định thì chỉ cần xét theo phương pháp đa số: Ai giành được nhiều phiếu nhất là được. Do đó có thể sẽ xảy ra khả năng, cuộc bầu chọn được kết thúc bằng "cuộc đấu chung kết" giữa hai Hồng y được nhiều phiếu nhất.
Cũng giống như toà thánh Vatican, giới truyền thông quốc tế đã chuẩn bị cho sự kiện bầu Giáo hoàng từ vài năm qua. Hàng nghìn phóng viên quốc tế đang có mặt tại Rome. Một số báo đài giàu tiềm lực tài chính cũng đã đặt sẵn những vị trí thuận lợi ở trên cao trong toà thánh, nhằm giúp các phát thanh viên truyền bản tin về toà soạn từ những vị trí đắc địa, quan sát được toàn cảnh Vatican.
Khi Giáo hoàng John Paul II còn sống, Vatican tìm cách làm nản lòng bất cứ sự dự đoán nào về việc ai sẽ là người kế nhiệm ngài. Nhưng giờ đây trò chơi dự đoán quen thuộc xem ra đã bắt đầu một cách ráo riết. Sự bí mật của quá trình bỏ phiếu và một thực tế là không có Hồng y nào được phép vận động tranh cử khiến việc bầu chọn Giáo hoàng trở thành cuộc bỏ phiếu có tính chất không thể dự đoán cao nhất trên thế giới.