![]() |
Nghe hướng dẫn cách thức đi đứng trên sân khấu. |
Vào cuộc rồi mới thấy có quá nhiều nhọc nhằn chứ chẳng phải là những nụ cười tươi roi rói của người chơi khi giơ tay chào khán giả màn ảnh nhỏ.
Nộp hồ sơ tham dự Chiếc nón kỳ diệu, 2 năm sau tôi mới được gọi. Sau hàng loạt câu phỏng vấn qua điện thoại, cuối cùng người gọi chốt lại: "Mình hỏi thế nhưng mà chưa chắc bạn được chọn đâu, vì còn phải qua một vòng nữa. Nếu được mình sẽ gọi lại". "Công việc" của những người đăng ký chơi game show qua thư là hãy quên việc mình đã đăng ký chơi, khi nào được thì... biết. Có người đăng ký đến 2-3 năm mới được chơi.
Sự chờ đợi của những người gửi thư dù sao cũng còn dễ chịu hơn là chen lấn để lấy được giấy đăng ký thi, rồi chơi thử trong các trò Rồng vàng, Kim tự tháp, Chung sức... Sân vận động Hoa Lư (TP HCM) trong các ngày diễn ra cuộc "tuyển sinh" của các game show luôn trong tình trạng quá tải. Ban tổ chức thông báo 8h sáng phát đơn đăng ký thì mới hơn 6h đã có nhiều bạn trẻ đến để "giành chỗ". Không ít bạn mồ hôi nhễ nhại, chen lấn được đến bàn phát đơn thì "hết đơn rồi bạn ơi, hẹn bạn lần sau nhé!". Có người mất điện thoại bởi kẻ gian trà trộn vào đám đông. Nhiều bạn trẻ ngao ngán: "Từ nay sắp tới không dám ham vui nữa. Mệt muốn chết".
Vượt qua hàng nghìn người rồi chưa phải là hết khổ sở. Trước ngày thi, thí sinh được tập trung lại đi thử trên sân khấu và nghe dặn dò khá kỹ: "Không được mặc áo trắng, áo đỏ tươi, áo sọc xuôi, nhớ để một tay sau lưng khi lên bấm chuông giành quyền ưu tiên...". Hàng loạt "điều cần nhớ"! Đến ngày ghi hình, thí sinh được yêu cầu phải đến sớm trước giờ quay khoảng 2 tiếng. Nhưng hiếm có chương trình nào quay đúng giờ. Chỉ cần máy móc "ọ ẹ" một chút là xem như mất cả giờ đồng hồ.
Trước khi lên hình, mọi thí sinh được yêu cầu phải trang điểm. Bạn P.V, một phóng viên trẻ nhăn nhó: "Trời, tui là con trai mà". Cô hóa trang cười xòa: "Mấy anh dẫn chương trình cũng phải trang điểm vậy". Nhiều thí sinh nữ đổ mồ hôi, thế là các cô hóa trang lại phải "lôi" vào, dặm thêm phấn, tô thêm son. Người viết bài này chẳng mấy khi dùng đến son phấn cũng phải chịu để các cô "quét vôi kẻ biển".
Nhiều khán giả xem truyền hình hay "trách móc" thí sinh: "Trời ơi, dễ ẹt vậy mà sao không biết?". Nhưng quả thật là "đoạn trường ai có qua cầu mới hay". Đứng trên sân khấu, ánh đèn nóng bức chĩa vào mình, anh dẫn chương trình nhìn mình chăm chăm, đội bạn "toàn thứ dữ" làm sao mà không mất tinh thần ít nhiều. Với những trò chơi cần bấm chuông giành quyền ưu tiên, không ít thí sinh, đội chơi dù có kiến thức tốt hơn vẫn phải thua tức tưởi. Trò chơi Chung sức của Đài truyền hình TP HCM cho phép bấm chuông trước khi kết thúc câu hỏi cũng làm không ít thí sinh cười dở khóc dở. Ngưòi nôn nóng bấm trước dễ bị trả lời sai (vì chưa nghe hết câu hỏi), mà cẩn thận đợi câu hỏi hết thì bị đội bạn cướp quyền ưu tiên.
Khá nhiều game show có ấn định thời gian khắc nghiệt khiến cho nhiều thí sinh "thông minh cả đời, ngốc trong 1 phút". Trong buổi ghi hình Kim tự tháp ngày 4/4 ở Đài truyền hình TP HCM, một thí sinh không thể nhớ nổi từ "ngũ hành" dù người gợi ý nhắc đi nhắc lại "kim mộc thủy hỏa thổ". Sau buổi ghi hình, bạn vò đầu: "Sao lúc đó đầu óc em để đâu á". Còn nghệ sĩ T.T. thì liên tục bị phạm quy, ông lắc đầu: "Chẳng hiểu nữa, đầu mình nghĩ là phải tránh nhưng cứ bị phạm quy hoài". "Khi đồng hồ đếm ngược cứ điểm chuông mà thời gian tính bằng giây thì quả thật là rất khó để nghĩ cho ra được cái gì hay ho", anh A. một thí sinh trong buổi ghi hình nói trên cho biết.
Ngày càng có nhiều game show trên truyền hình cũng đồng nghĩa với việc nhiều khán giả có cơ hội tham gia chơi. Thiết nghĩ, tổ chức tuyển chọn người chơi như thế nào cho hợp lý tránh tình trạng chen lấn mệt mỏi là điều mà ban tổ chức các chương trình nên lưu tâm. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh các quy định chơi cho khoa học hơn cũng là điều nên làm.
(Theo Thanh Niên)