Vượt chặng đường hơn 100 cây số từ thị xã Kon Tum, chúng tôi ngược về cực bắc Tây Nguyên. Đường Hồ Chí Minh hướng về biên giới Việt-Lào rẽ vào con đường nhựa, khác xa với 10 năm trước, khi tôi vào đến Vai Trang (xã Đăk Long, huyện Đăkglei, tỉnh Kon Tum), từ đầu tới chân nhuộm đỏ au bởi đất, bùn.
Một ngôi mộ bằng bê tông, bên trong quan tài vẫn treo lơ lửng. |
Hồi ấy, sau khi bài viết về nghĩa địa táng treo Vai Trang được đăng báo, dư luận xôn xao vì một phong tục kỳ lạ của người Giẻ Triêng (còn gọi là người Giẻ).
Trong làng có người chết, người thân bỏ vào trong một cỗ áo quan làm bằng gỗ, cũng có khi bằng tôn (vốn là các thùng đựng xăng), rồi mang vào rừng đặt trên các cành cây rừng, hoặc đặt trên 4 cây cọc đóng cách mặt đất chừng nửa mét, bên trên có lợp một cái mái bằng lá rừng hoặc bằng tôn, tuỳ theo điều kiện, gia cảnh người đó.
Đặt kèm theo là tất cả những vật dụng sinh hoạt của người đó khi sống. Cả những gia súc, gia cầm sống như heo, gà... cũng được “chia” cho người chết bằng cách cột (buộc) chân chúng vào các cây cọc gỗ bên mồ.
Rẽ vào một ngôi nhà mới xây rất “tân thời”, thấy tôi từ xa tới mồ hôi nhễ nhại, chủ nhà A Đa đon đả mở tủ lạnh, bật nắp lon nước ngọt mời khách. Tôi vào chuyện và gợi ý muốn đi thăm lại nghĩa địa treo Vai Trang. Chỉ nghe vậy thôi, dù nhiệt tình mấy anh A Đa cũng lắc đầu quầy quậy.
Gặng hỏi, anh bảo: “Sợ con ma!”. Tôi trấn an, anh mới kể: “Mỗi lần trong làng có người chết, lũ thanh niên trong làng đưa người quá cố ra nghĩa địa treo Vai Trang, làm xong thủ tục thì tất cả ba chân, bốn cẳng xô nhau chạy!”. Tôi ngạc nhiên: “Sao phải chạy?”. A Đa thành thật: “Thì ai cũng sợ con ma bắt mà!?”.
Già làng A Khun cho biết: “Người Giẻ khi chết sẽ được gia đình chia tài sản. Của cải trong gia đình đều phải chia phần cho người chết, số lượng cũng tương đương với người đang sống. Ngoài các vật dụng như chiêng ché, xe đạp, radio... nhiều gia đình còn rất công bằng đem chia cả gà vịt, ngan ngỗng.
Về sau do thường bị kẻ xấu bắt trộm, nên “khẩu phần” tươi sống này người chết không còn được chia nữa”. Già làng A Khun quả quyết: “Hắn (người chết) sẽ theo về bên kia thế giới với Yàng, hắn cũng cần những thứ đó để sinh sống chứ”.
Tôi hết lời năn nỉ, nể khách, A Đa nổ máy chiếc xe Win chở tôi đến nghĩa địa treo Vai Trang. Một rừng le rậm rạp, cây cối um tùm, có lẽ từ hàng chục năm nay không mấy người bước vào.
Dường như tôi là người khách từ xa và liều mạng nhất dám vào. Chiếc xe Win khựng lại. A Đa nói như ra lệnh: “Đến rồi! xuống đi!”. Tôi nhìn A Đa khẩn cầu: “Vào với mình đi... cho vui”, lại nhận được cái lắc đầu và điệp khúc mà: “Mình sợ con ma lắm, để con ma nó ngủ”.
Tôi đánh liều, nhảy lên bờ đất chui vào rừng le. Trước mắt tôi giống như “trận đồ bát quái”, cây khô gãy gập ngang dọc như mắc cửi. Tim tôi đập mạnh, giật thon thót. Tay lăm lăm máy ảnh, tôi bước qua từng tầng lá khô dày 30-40cm, gió xào xạc.
Bỗng tôi rùng mình khi chân giẫm lên vật gì đó, nghe kêu cái “bụp”. Thì ra đó là ngôi mộ táng treo lâu ngày đã bị sụp xuống. Nhìn xuống chân tôi nhận ra là mình đã giẫm vỡ chiếc ghè rượu mà người cõi âm được thân chủ chia phần cho.
Bước thêm mấy bước nữa, tôi thấy chiếc bàn nhựa và mấy chiếc rổ rá cũng bằng nhựa còn khá nguyên vẹn, còn gùi, quả bầu đựng nước đã bị mục ruỗng ra từng mảnh. Tôi suýt hét lên vì lần này tôi lại đụng phải phần mộ…
Tôi không tin vào mắt mình nữa và không đủ can đảm để bước tiếp, đành phải dừng cuộc khám phá, từ tóc đến gót chân thấy run, dọc xương sống lạnh toát. Một lúc khá lâu tôi mới tìm được lối để ra nơi A Đa đang chống xe ngồi chờ. A Đa nhìn tôi vẻ đầy nghi hoặc như thấy người từ cõi của Yàng trở về.
Táng treo trong lòng bê tông
Sau khi báo chí lên tiếng, để đảm bảo vệ sinh môi trường cho người sống, các cấp chính quyền đã tuyên truyền vận động người dân bỏ phong tục táng treo. Và việc mai táng treo không chôn xuống đất đã được dân làng Vai Trang từ bỏ trong nhiều năm nay.
Ngày nay những ngôi mộ bê tông “kiểu mới” thi nhau ra mặt đường. |
Thế nhưng, tôi lại phát hiện một bất ngờ. Đó là đồng bào Giẻ chuyển sang một hướng mới là xây dựng các phần mộ bằng bê tông, mái lợp tôn hẳn hoi. Các ngôi mộ bê tông cũng đã được dời hết ra gần mặt đường.
Thế nhưng, quan sát kỹ, thì thấy quan tài lại vẫn được treo ngay trong phần mộ bằng bê tông, chứ không chôn xuống đất. Tôi đến gần quan sát kỹ một ngôi mộ.
Ngôi mộ được xây dựng bằng cách đắp nổi, giữa lòng tạo một cái gờ ở lưng chừng, phần lõm xuống phía dưới đủ để đặt quan tài vào. Như vậy khi có người chết, người ta khiêng quan tài đặt trên cái gờ đó, lấy nắp đã được đổ sẵn bằng bê tông từ trước, đậy nắp lại! Thế là quan tài vẫn không hề nằm dưới lòng đất, mà vẫn lơ lửng “treo” trong lòng khối bê tông kín ở phía trên mặt đất!
Thấy tôi thắc mắc, vì đậy nắp kiểu này không kín và an toàn, dễ gây ô nhiễm môi trường xung quanh, A Đa trấn an: “Khi bỏ quan tài người chết vào trong, đậy nắp lại cho thật kín, nhiều gia đình lấy xi măng trét vào các kẽ hở, hay có người còn lấy cả bùn đất ướt trét kín xung quanh. Như vậy là ổn rồi”.
Người Giẻ nơi đây cho dù đang sống khỏe mạnh cùng con cháu, nhưng khi đã bước sang tuổi “thấp thập cổ lai hy” liền nghĩ ngay đến chuyện hậu sự cho chính mình.
Theo già A Khun, gia đình nào “hơi có điều kiện một tí” là lo gom góp tiền đi mua vật liệu về để xây dựng mộ. Tôi hỏi: “Còn nếu kinh tế khó khăn?”. “Thì vẫn phải chôn xuống đất chứ sao”, già Khun khẳng định.
(Theo Tiền Phong)