![]() |
Lễ truy điệu 8 công nhân Công ty Than Thống Nhất được tổ chức ngày 11/3 tại hội trường công ty. |
Mồ hôi và máu đổi vàng đen |
Rời thung lũng Vàng Danh trong cái gió khô hanh, tôi bắt xe khách xuôi về Cẩm Phả, nơi được coi là thủ đô của vùng mỏ VN với hàng chục vỉa than lộ thiên khổng lồ và hàng trăm cây số hầm lò chợ. Sau 2 giờ “bơi” trên 60 km đường đặc quánh bụi than, chạng vạng tối, tôi đã có mặt tại trụ sở Công ty Than Thống Nhất.
Anh Hoàng Nhật Thắng, Trưởng Phòng An toàn Công ty Than Thống Nhất, đem xe máy đón tôi về nhà riêng nhậu cùng nhóm thợ mỏ kỳ cựu. Khi câu chuyện xoay quanh than đá, hầm lò... đang lúc sôi nổi thì chuông điện thoại reo vang. Anh Thắng buông chén rượu xuống mâm, chạy vội đến nghe điện thoại. Sau vài tiếng ậm ừ, anh vỗ đùi đen đét rồi hô lớn: “Có manh mối rồi, lên đường ngay!”. Tôi chưa hiểu mô tê gì thì thấy mắt Thắng đỏ hoe, anh rầu rĩ: “Tụi này mất ăn, mất ngủ từ khi 8 anh em công nhân tử nạn vì thấy mình có lỗi trong khâu bảo đảm an toàn. Nếu quả thật có khe hở khí trong hầm lò thì đúng là số họ xui rủi thật”.
Theo kế hoạch, hôm sau tôi mới vào Yên Ngựa - nơi đã thiêu cháy 8 công nhân xấu số, nhưng sẵn dịp này, tôi theo nhóm anh Thắng đi luôn. Kim đồng hồ chỉ 22h10, chúng tôi lên khu mỏ Yên Ngựa, cách trung tâm thị xã Cẩm Phả 20 km trên chiếc xe U-oát. Có mặt tại phòng họp giao ban của khu mỏ Yên Ngựa vào 23h, thêm nửa giờ bàn phương án an toàn, tôi cùng anh Thắng và nhóm đặc nhiệm của Trung tâm Cấp cứu mỏ vào vị trí xảy ra vụ nổ. Vừa đi, anh Thắng dặn đi dặn lại, giọng nghiêm trọng: “Nhất nhất mọi chuyện em phải nghe mệnh lệnh anh và đi ngay phía sau lưng”. Tim tôi đột nhiên đánh trống làng...
Vị trí vụ nổ là ở lò thượng (vị trí +41) vốn đang trong giai đoạn thi công để phục vụ cho khai thác. Lúc này đã có cán bộ an toàn của công ty đứng chờ sẵn, chúng tôi đi bộ vào đường hầm ngoằn ngoèo sâu hút, tối om. Vào một đoạn, chợt ngửi thấy mùi tanh, cảm giác ngột ngạt khó thở, lo sợ xâm chiếm cơ thể. Đi chừng 2 km, chúng tôi đến cửa khu vực xảy ra sự cố, lúc này đã được rào kín bằng gỗ. Nghĩ lại cái chết của 8 công nhân, tôi chợt rùng mình cắn chặt hai hàm răng vào ống dưỡng khí, cảm giác lạnh gáy dâng lên.
Anh Thắng cùng với cán bộ Phòng An toàn và Trung tâm Cấp cứu mỏ khẩn trương mò mẫm tìm điểm phát khí. Đột nhiên, anh quay sang tôi: “Nghe mùi khó chịu phải không? Khí mê tan còn sót đấy. Không sao đâu, bỏ ống thở ra đi”. Tôi tháo ống dưỡng khí và tiến lại gần nhóm công tác đang lom khom trên nền hầm ngập nước lấp xấp. Theo tay anh Thắng chỉ, tôi nhìn thấy bong bóng nước sủi lên ở nền hầm. Điềm nhiên dùng thiết bị đặc chủng lẫy mẫu khí vào 4 ruột bóng để mang về thí nghiệm, anh Thắng phấn chấn: “Thủ phạm đây rồi, khí mê tan! May mà có nước nên khí sủi lên mới phát hiện được”.
Chúng tôi trở ngược ra ngoài, lúc này đã rạng sáng. Trong lòng tôi vẫn còn cảm giác rờn rợn, nhưng có lẽ những người làm công tác an toàn hầm lò sẽ thấy vui hơn vì nay mai, vùng lò “tử địa” lại có thể được đưa vào khai thác than.
Chưa ráo mồ hôi đã cạn tiền
Sau vụ 8 công nhân thiệt mạng, những ngày này không khí ở Công ty Than Thống Nhất có vẻ ảm đạm. Hôm lễ truy điệu những công nhân xấu số tại hội trường công ty, nhiều công nhân mỏ kỳ cựu đã nhìn nhận: “Những sự cố chết người như thế, nếu được đầu tư hoàn chỉnh công nghệ cảnh báo hiện đại, thêm khâu bảo đảm an toàn nghiêm ngặt, thì có thể phòng ngừa”.
Còn anh Thắng thì than thở: “Công nhân mỏ kiếm được tiền nhiều đấy, nhưng làm chưa ráo mồ hôi thì tiền đã cạn”. Những tưởng với mức thu nhập hằng tháng 5-6 triệu đồng, thậm chí trên 10 triệu đồng, công nhân mỏ sẽ sống sung túc. Vậy mà, anh Thắng kể, đến vùng mỏ vào những ngày giáp Tết, trong số hàng vạn công nhân tứ xứ trở về quê, nhiều người phải vay tiền bạn bè mua vé tàu xe. Sống cảnh tập thể, xa nhà, không vợ con... nhiều thợ trẻ đã đem số tiền lương đổi bằng mồ hôi và máu vào những canh bạc đỏ đen. Anh Thắng chùng giọng: “Biết làm sao hơn khi họ còn trẻ và chưa nghĩ thấu đáo mọi bề.
(Theo Người Lao Động)