Đã nghe tin đồn về những sòng bạc lưu động ở các huyện Krông Bông, Ea Kar, Krông Buk (Đắk Lắk) từ lâu, nên khi anh bạn đồng hương có máu đỏ đen tên T. từ Buôn Hồ (thị trấn của Krông Buk) ra mời đi nhậu, tôi liền rào trước đón sau và cuối cùng T. cũng xì ra là mới thắng đậm một canh bạc trong… rừng. Cao hứng, T. còn hứa sẽ cho tôi biết mùi thế nào là sát phạt “đỉnh cao”. T. sắp chuyển đi nơi khác làm ăn nên không ngại gì vạch áo cho người xem lưng.
|
Đường vào khu đánh bạc. |
Mượn chiếc điện thoại chụp ảnh loại sành điệu của anh đồng nghiệp, tôi khoác vào bộ quần áo y như nông dân theo lời T. dặn. Để nhập vai hơn, T. đưa cho tôi 1 triệu đồng, nói là thấy T. đặt cửa nào thì theo cửa đó, thua thì thôi, còn thắng thì về nhà phải nộp hết cho T.
Đến ngôi nhà có giàn hoa giấy ẩn sâu trong ngõ nhỏ ở thôn Tân Hà, xã Thống Nhất (Krông Buk), T. hỏi một người tên Chiến. Bà H. chủ nhà nằm trên chiếc ghế dựa, liếc chúng tôi một cái rồi tiếp tục dán mắt vào màn hình tivi, giọng lạnh ngắt: Sòng giải tán lâu rồi! T. nhũn nhặn: “Mấy đứa em của tui thôi mà”.
Bà H. vẫn làm thinh. T. phải giải trình, hứa hẹn đủ điều, bà H. mới chịu ngồi dậy, soi tôi từ đỉnh đầu tới gót chân, cặp mắt sắc đanh làm tôi phát hoảng. Tôi làm bộ nổi cáu: “Sòng của bà cho đặt mấy “chai” mà làm cao vậy?” Bà H. lưỡng lự một hồi rồi gọi cho Chiến. Phải ngồi đợi thêm nửa giờ, mới thấy anh chàng dẫn đường của sòng có đôi mắt trắng dã nổi bật trên gương mặt to bè đen thui dữ tợn xuất hiện trên chiếc xe Dream đã cũ nát.
Dù là mối của sòng này, nhưng T. cũng không biết hôm nay Chiến sẽ dẫn chúng tôi đi đâu. Có ngày sòng bạc này di chuyển đến ba bốn địa điểm khác nhau, lúc trong rừng, khi trong vườn cà phê. Con đường Chiến dẫn chúng tôi đi hôm ấy đoạn thì bùn lầy trơn nhẫy, chỗ thì sỏi đá lởm chởm, khúc cỏ mọc rậm rì chắn gần hết lối đi.
Chiến dừng xịch xe bên một lùm cây, móc gói thuốc lá mới mua ban nãy vứt vào đó, một cánh tay mảnh khảnh xanh xao thò ra chộp nhanh. Tiếng nói khàn khàn từ lùm cây: “Mau mau ra thay cho tui nha. Canh nãy giờ mỏi quá”. Tôi hỏi dò: “Gác cửa kiểu này ăn thua gì, trong này thì có khối đường khác vô được”. Chiến xì một cái: “Đường nào cũng có bọn này, ông lo tiền chơi thôi chớ lo bò trắng răng chi cho nhức đầu”.
Thấy có người đến, tiếng chửi thề nhặng xị im bặt. Hàng chục cặp mắt nghi ngờ xoáy vào tôi. Một tay cao lêu nghêu để râu con kiến bước đến chặn tôi lại, hất hàm hỏi Chiến: “Thằng nào đây?”. Làm như không thèm để ý, tôi lách qua một bên lại chỗ thúng đồ nhậu của một chị ốm nhom cắt một khúc giò nhai ngấu nghiến. Chiến và T. bị tay anh chị kia tra khảo một thôi một hồi về sự xuất hiện của tôi.
Lúc tay cao kều bỏ đi, Chiến bước lại chộp ly rượu trên tay tôi nốc một hơi, làm động tác đếm tiền: “Năm mươi nghìn dẫn đường, sư huynh!”. Khoanh giò mỏng dính và xị rượu ở đây có giá bằng nửa số tiền phải trả cho công dẫn đường. Hơn ba chục con người ngồi tràn cả ra tấm bạt xanh rộng hơn 20m2, quây quanh ông mập đội mũ lưỡi trai che hết nửa cái mặt lầm lỳ lâu lâu mới ngước lên giục mọi người đặt tiền cho lẹ. Tôi xáp vô ngồi cạnh T. làm bộ rỉ tai T. này nọ.
Mỗi ván xóc có gần chục triệu đồng ném vô hai ô chẵn lẻ. Tiền T. đưa cho tôi để đặt cửa có lúc cũng đẻ ra được cả một đống, nhưng sau đó vơi đi nhanh chóng. Lúc sau, tôi đưa lại cho T. chỗ tiền còn lại bảo đặt giùm để tôi đi nạp thêm tí năng lượng. Tôi mua con mực và xị rượu đem lại làm quen với tay thanh niên mặc áo may ô đang ngồi trên chiếc xe càng làm nhiệm vụ cảnh giới.
Một cô ả phấn son loè loẹt bước khỏi chiếu bạc đi lại bá vai tôi: “Anh Hai, đi một chuyến đi, đây hết tiền đặt cửa rồi, hôm nay xúi quẩy quá”. Gã thanh niên mặc áo may ô tỏ ra dễ gần, nhìn cô ả ngoe nguẩy bỏ đi sau lời từ chối thẳng thừng của tôi: “Chồng nó mới bị đi tù thôi đó, mà chắc cũng sắp được thả rồi, tội trộm cắp vặt thôi mà”.
Anh ta còn kể thêm chuyện cặp vợ chồng khác cũng bị “đốt” ở sòng này mà phải cầm cố nhà cửa, ăn trộm bò rồi kéo nhau vô tù, để mấy đứa con nheo nhóc đi bán vé số. Tôi móc chiếc điện thoại ra nói là hết tiền chơi muốn cắm máy, ý đồ là nhân cơ hội đó sẽ chụp vài tấm ảnh. Nhưng gã mặc áo may ô trợn mắt giật ngay lấy: “Cái máy này chụp hình được mà. Bộ thằng bạn ông không nói cho ông biết hả?”.
Nói rồi hắn bỏ luôn chiếc điện thoại của tôi vô túi quần hắn, mắt hướng về phía hai bà già đang vỗ tay đôm đốp vào đùi mỗi khi nhà cái mở chén đậy mấy lá bài, lên giọng dạy bảo: “Muốn cắm thì hỏi má Reo, má Bảy, lãi 50%. Mà cắm xe thì được, chớ cái này đem ra mấy ông kia thấy là thu liền”. Tôi phải mua thêm xị rượu với khúc giò nữa, năn nỉ anh ta mới chịu trả lại điện thoại với điều kiện: không được táy máy ở đây.
Ông Bùi Văn Hoàng, công an xã Thống Nhất (Krông Buk), công nhận trong xã có gần chục người chuyên chơi bài bạc tại các sòng bài lưu động. Chính quyền địa phương biết vậy chứ chưa làm được gì, bởi bọn chúng tổ chức quá tinh vi, địa điểm thay đổi liên tục giữa mênh mông rừng rú và nương rẫy cà phê.
Nhưng người dân xã Thống Nhất lại nghĩ khác. Khi tan cuộc chơi, trên đường về tôi đi nhờ chiếc xe máy cày của một gia đình có rẫy cà phê bên cạnh suối. Anh lái máy hỏi ngay: “Cháy túi hả?”. Tôi làm bộ không biết gì, nói thác rằng chỉ đi tìm thằng em làm thuê trong này.
Anh ta cười khẩy: “Mấy tay chơi bạc trong này cháy túi, mất xe, đi nhờ tui miết. Cẩn thận đó, công an họ đợi cho sòng thiệt “mập” rồi mới hỏi thăm cho đỡ tốn công, chớ khó khăn gì mà không tìm được chỗ của mấy ông”.
Theo anh chủ vườn cà phê, nếu muốn biết sòng bài sẽ nhóm ở đâu, thì cứ vào mỗi buổi trưa chờ xem cái xe máy cày chở vài chục dân chơi giả dạng nông dân từ nhà bà H. chạy đi đâu, theo vết bánh xe in trên đường đất sẽ tìm được đến tận nơi dễ dàng.
(Theo Tiền Phong)