Sàn giao dịch vàng chỉ giao dịch vàng miếng SJC. |
Sàn giao dịch vàng được Ngân hàng (NH) ACB tổ chức tương tự như cách thức hoạt động Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Lệnh mua bán của khách hàng sau khi chạy vào hệ thống sẽ tự động khớp liên tục theo ưu tiên về giá (lệnh đặt bán với giá thấp và lệnh đặt mua với giá cao) và thơi gian.
Chỉ khác là thay vì thị trường chứng khoán có các thành viên nhận lệnh, trung tâm lưu ký, NH chỉ định thanh toán và cơ quan giám sát riêng biệt thì ở sàn giao dịch vàng, ACB đồng thời đóng tất cả bốn vai trò này.
Ông Nguyễn Đức Thái Hân, Giám đốc khối ngân quỹ của ACB, phụ trách tổ chức sàn giao dịch vàng, cho biết ngoài ACB, dự kiến sàn sẽ có các thành viên khác như Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank), NH cổ phần Việt Á, NH cổ phần Sài Gòn (SCB), NH Phát triển nhà TP HCM, Công ty Tân Vạn Hưng.
Các đơn vị này sẽ cử nhân viên ngồi tại sàn, đặt lệnh và thực hiện giao dịch. Thời gian đầu có thể chỉ các thành viên này “tập dượt” mua bán với nhau, về sau sẽ mở rộng cho các nhà đầu tư cá nhân bên ngoài.
Hàng hóa được kinh doanh sẽ là vàng miếng SJC, với khối lượng giao dịch tối thiểu là 10 lượng/lệnh và bước nhảy về giá là 5.000 đồng/lượng. Nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ 10% giá trị giao dịch, ACB cho vay 90% còn lại. Khi giá vàng trên thị trường tăng thì khách hàng buộc phải nộp thêm tiền để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ. Giá tham chiếu đầu ngày giao dịch đối với vàng SJC là bình quân của tỉ giá mua và bán niêm yết của các ngân hàng là thành viên Trung tâm giao dịch vàng và của Công ty SJC. |
Theo ông Hân, sàn giao dịch sẽ mở cửa vào 9h và đóng cửa lúc 15h trong các ngày làm việc, có màn hình chạy giá vàng thế giới suốt trong giờ giao dịch để khách hàng có cơ sở tham khảo khi ra quyết định.
Để tham gia giao dịch, các thành viên phải mở tài khoản kinh doanh vàng tại ACB, gồm một tài khoản thanh toán VND và một tài khoản vàng giữ hộ. Họ sẽ được cấp ID và password để đăng nhập vào hệ thống phần mềm máy tính và đặt lệnh mua bán cho chính mình hoặc cho khách hàng.
Vào cuối giờ giao dịch, ACB và các thành viên ký xác nhận bằng văn bản tất cả lệnh được đặt, lệnh đã được khớp và lệnh đã được hủy (cuối ngày giao dịch các lệnh chưa được khớp sẽ tự động bị hủy, các lệnh chỉ mới khớp một phần hoặc phần còn lại cũng bị tự động hủy).
Đại diện một đơn vị thành viên của sàn giao dịch vàng ACB cho biết tuy cử người tham gia sàn nhưng liệu đơn vị này có thực hiện giao dịch hay không thì... chưa chắc. “Chúng tôi còn phải cân nhắc nhiều yếu tố. Chẳng hạn thông lệ hiện nay mua bán vài trăm hoặc vài ngàn lượng vàng chúng tôi cũng “gút” bằng điện thoại. Giá vàng thế giới nhảy múa liên tục, nhiều khi vừa đặt mua xong thấy giá có chiều hướng tăng thì lập tức có thể nói hủy ngay, còn đặt lệnh trên sàn, chạy vào nó khớp xong thì xem như đã mua hớ rồi”, ông phân tích.
Ngoài ra, ông cũng bày tỏ sự e ngại việc ACB đang “cầm trịch” sàn giao dịch trong khi các thành viên khác chính là đối thủ cạnh tranh của NH này. Ông nói: “Không ai muốn đối thủ biết mình đang mua bán như thế nào, mà giao dịch qua sàn thì đương nhiên ACB sẽ nắm rõ. Nói thật chúng tôi cũng hơi ngại”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về vàng, sàn giao dịch vàng sẽ phát huy tác dụng khi thị trường vàng biến động với biên độ lớn. Thực tế vào các tháng 4-5 năm ngoái, khi giá vàng biến động mạnh, trong nước cũng đã hình thành một lớp nhà đầu tư ngắn hạn mua đi bán lại rất nhanh để kiếm chênh lệch.
(Theo Tuổi Trẻ)