Sinh con đầu lòng, Vân Trang quyết định không nhận lời đóng phim để dành trọn 6 tháng đầu tiên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Bởi cô biết điều đó là tốt nhất cho con và Trang "nghiện" cảm giác "nhìn con vòng tay ôm mẹ, để tay lên bầu ngực mẹ, mắt đắm đuối, chiếc miệng bé xíu chóp chép nút nút ti mẹ". Đó là hình ảnh dường như không thể thiếu với Vân Trang suốt 2 tháng nay, từ khi bé Xíu ra đời. Vì thế, phải lựa chọn giữa việc để bé ti mẹ trực tiếp hay ti bình với sữa mẹ hút ra thực sự là một cuộc chiến tâm lý với bà mẹ trẻ.
Vân Trang bảo, cô đã "khóc tức tưởi" như một đứa trẻ khi nhìn con gái khóc, gây, đẩy vú mẹ ra xa vì những tia sữa bắn ra mạnh, nhanh và nhiều quá khiến con không kịp nuốt. Suy nghĩ "em không chịu ti mẹ nữa, em giận mẹ, em sẽ ghét mẹ" khiến cô phải lựa chọn một trong hai điều ở trên. Mặc dù biết rằng cho bé ti bình sẽ tiện đủ bề nhưng cô vẫn chưa "thông" được và cứ như "người mất hồn" khi nghĩ đến chuyện này.
Mẹ Xíu liệt kê ra những điều thuận tiện như một cách để tự thuyết phục mình. Nào là, khi bé ti mẹ thì "mẹ biết em bú được bao nhiêu, sẽ giúp em tăng cân tốt hơn bú mẹ gây gây rồi thiếp đi. Hút sữa ra, ba hay nội và ngoại đều có thể cho em bú, mẹ sẽ đi đâu đó, làm việc gì đó 4-5 tiếng cũng được, và rồi mẹ cũng sẽ quay lại với công việc, khi đó không có mẹ, em sẽ bơ vơ - tội em. Hút ra thì chắc chắn sữa đục và sữa trong gì đều pha lẫn với nhau, em sẽ bú được hết, em sẽ tăng cân và khỏe mạnh"... Nhưng tất cả những điều đó không thể bù đắp được cái thiếu đi: "Mẹ không thể ôm ấp em, vuốt ve em, không được nữa vì cái tay cầm bình mất rồi, không được mừng rỡ reo lên khi em đói đòi ti mẹ, mẹ lăng xăng chuẩn bị: lấy khăn lau, khăn lót đầu, rót nước ấm uống, lấy gối cho bú...".
Cứ nghĩ tới những điều này, Vân Trang lại khóc. Gặp ai cô cũng hỏi han để tìm giải pháp cho mình và hy vọng xoa dịu được cảm xúc. Cô tự nhủ rồi cũng tới lúc phải quyết định điều tốt cho con nhưng mong muốn "em đừng quên vú mẹ dù em có phải ti bình".
Những dòng tâm sự của Vân Trang đã được nhiều bà mẹ khác đồng cảm. Một số người động viên cô kiên trì cố gắng tập cho con vì không có điều gì tuyệt vời bằng cảm giác được ôm con vào lòng, cho con bú mớm và cảm nhận dòng sữa chảy từ mẹ sang con. Trong khi đó, nhiều người lại khuyên bà mẹ trẻ nên cho con ti bình song song với bú mẹ trực tiếp để nếu mẹ bận đi đâu thì gửi con cũng dễ. Vân Trang cho biết cô đang suy nghĩ để lựa chọn cách phù hợp nhất cho cả hai mẹ con.
Một số giải pháp khi sữa mẹ quá nhiều: - Cho bé bú một bên đến khi bé muốn nhả vú ra. Nếu bé bú ít hơn 15-20 phút một bên, và chưa đến 1-2 tiếng sau, bé lại đòi bú tiếp thì cho bé bú tiếp vú bé vừa mới bú xong ít nhất là 15-20 phút nữa. - Không cho bé bú tiếp bên kia nếu bé bú trong vòng 15 phút hoặc hơn mà chưa có nhu cầu bú tiếp bên kia. Vì lúc này, có thể bé đã nạp đủ lượng sữa mình cần chỉ với một bên vú. Nếu lúc này vú bên kia căng tức trước khi cho bé bú tiếp, các mẹ có thể vắt bớt ra để giảm cảm giác khó chịu. - Đặt bé nghiêng người, giữ bé sao cho mặt bé đối diện với vú mẹ và cho bé nằm dài trên chân mẹ cùng đầu bé ngẩng cao hơn núm vú. Mẹ cũng có thể cho bé nằm dài trên ngực rồi cho bé bú. Nhờ đó, bé có thể kiểm soát được tốc độ và lượng sữa bé bú vào dễ dàng hơn. - Mẹ có thể vắt bớt sữa ra một chiếc khăn hoặc hút cất đi, sau đó mới cho bé bú khi mà dòng sữa chảy đã đạt tốc độ phù hợp. Tuy nhiên, tránh hút hay vắt sữa nếu không thực sự cần thiết, chỉ khi cảm thấy ngực căng tức mẹ mới nên bơm hay vắt sữa để giải phóng bớt. |
>> Cuộc chiến tâm lý của Vân Trang khi phải cho bé ti bình
Hà Nhi