Khi con gái đầu lòng Queenie (tên thân mật ở nhà là Nì) được năm tuổi, diễn viên Vân Trang đón thêm hai con gái tại bệnh viện Từ Dũ, TP HCM hôm 1/11. Hai bé gái được gọi bằng nickname Quinisha và Quianna, chào đời lúc 9h48 phút và 9h49 phút, đều nặng 2,8 kg. Hơn 10 ngày sau ca sinh mổ, nữ diễn viên dần bình phục sức khoẻ.
- Mang thai và đi sinh lúc dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chị đã vượt qua các trở ngại gì?
- Trong suốt quá trình mang thai, tôi và gia đình đã gặp vài trở ngại, đó là phải giữ gìn sức khoẻ tốt. Lúc đầu thai kỳ của tôi, nước mình đã nhập vaccine nhưng khi đó Bộ Y tế chưa khuyến khích cho bà bầu tiêm chủng. Do đó, tôi phải ở nhà suốt, không dám tiếp xúc với ai.
Đồng thời, cả nhà tôi rất đông thành viên nhưng mọi người nếu phải đi làm cũng tránh tiếp xúc tối đa. Ba của các bé làm việc tại nhà, không dám đến công ty vì sợ chẳng may làm lây bệnh cho tôi và bé Nì. Suốt thời kỳ tôi bầu, cả nhà đều rất kỹ trong chuyện sát khuẩn, định kỳ kiểm tra Covid-19 để có thể đảm bảo sức khoẻ cho các mẹ con tôi. Đến khi nhà nước khuyến khích bà bầu tiêm vaccine, lúc đó tôi mang thai đã đủ lớn và đã được tiêm đủ hai mũi vaccine.
Một trở ngại khác là khi dịch Covid-19 bùng lên, những phòng khám buộc phải đóng cửa nên tôi đều phải thăm khám trong bệnh viện. May mắn, khi khám thai, đặc biệt ở những tháng cuối thai kỳ do cơ thể nặng nề nên tôi được các bác sĩ cũng như đội ngũ y tế ưu ái cho; mọi người thực hiện các thao tác, thủ tục rất nhanh chóng. Tuy nhiên mỗi lần tôi tới bệnh viện để khám thai đều phải test Covid-19. Mà mang song thai nên ở những tháng cuối, cứ hai tuần, tôi phải đi thăm khám một lần. Lúc gần sinh, tuần nào tôi cũng phải đi khám một lần nên phải test Covid-19 thường xuyên.
Một trở ngại nữa là về tâm lý. Tôi biết nhiều mẹ bầu nhiễm Covid-19, căn bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và bé, nên trong suốt thời gian bầu và chờ sinh, tôi khá hồi hộp và phải chú ý kỹ càng không chỉ cho bản thân mà cả các con.
Trở ngại cuối là các sản phụ bị hạn chế người nhà tới thăm nom do dịch bệnh phức tạp. May mắn, tôi sinh đôi nên được tiêu chuẩn hai người nhà vào chăm.
- Lý do nào khiến chị sinh mổ chủ động?
- Vì tôi mang song thai nên các bác sĩ khuyến cáo kết thúc thai kỳ ở khoảng 38 tuần để đảm bảo an toàn. Tôi sinh mổ hai bé ngày 1/11, đúng lúc tuổi thai là 38 tuần hai ngày.
Tuy nhiên, khoảng ba tuần trước đó cả tôi và mọi người trong gia đình đều hồi hộp vì không biết bé muốn ra lúc nào, do song thai thường sẽ ra sớm. Do đó, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, từ vali, đồ đi sinh... trước đó khoảng một tháng rưỡi.
- Quá trình sinh mổ của chị diễn ra như thế nào?
- Đây là lần đầu tiên tôi sinh mổ nên tôi rất lo, rất hồi hộp vì từ trước tới giờ sức khoẻ của tôi rất khá, rất ổn và có thể nói là rất khoẻ. Tuy vậy, khoảng hai ngày trước sinh, hôm 28/10, tôi được đưa đi xét nghiệm tiền phẫu là thử máu, tôi cứ nghĩ mình khoẻ lắm, không có vấn đề nhưng tôi đã bị giảm tiểu cầu xuống 101.000 tế bào/micro lít máu. (PV: Số lượng tiểu cầu trung bình trong máu của người trưởng thành thường từ 150.000 - 450.000/micro lít máu. Nếu mẹ bầu giảm tiểu cầu so với mức bình thường, có thể gặp nguy cơ xuất huyết trong và sau mổ). Lúc này, bác sĩ hội chẩn, bảo chỉ số còn khá ổn nên khuyên tôi về nhà, chờ đúng ngày quay trở lại viện để làm thủ tục sinh mổ.
Hai ngày ở nhà chờ, tôi cố gắng để ăn uống, ngủ nghỉ thật hợp lý, khoa học để mong tiểu cầu tăng lên. Đến ngày 1/11, bác sĩ chỉ định cho tôi thử máu lại và số lượng tiểu cầu xuống còn 85.000 tế bào/micro lít máu, có nghĩa là còn thấp hơn lần kiểm tra trước. Vì vậy, bác sĩ quyết định truyền tiểu cầu cho tôi trước khi mổ.
Trong lúc chờ truyền, tôi khá hồi hộp, lo lắng vì không hiểu sao cơ thể luôn khoẻ mà giờ lại bị giảm tiểu cầu. Lúc ấy tôi được biết tầm quan trọng của tiểu cầu đối với việc đông máu khi sinh mổ. Khi được truyền tiểu cầu, tôi lo ca sinh mổ có thể gặp nguy hiểm, do người ta phải banh da xẻ thịt mình ra.
Tuy nhiên, tôi đặt trọn niềm tin vào các bác sĩ của bệnh viện vì đây là bệnh viện tuyến đầu trong số các bệnh viện phụ sản của thành phố. Khi truyền xong tiểu cầu, tôi được đẩy vào phòng mổ. Tôi thấy sợ khi nghe bác sĩ nói về trường hợp của mình, thấy họ chuẩn bị các thứ khiến tôi lạnh sống lưng. Vì tôi giảm tiểu cầu nên các bác sĩ cho gây mê thay vì gây tê.
Sau đó, bác sĩ nói: "Thôi, bây giờ ngủ một giấc nha". Kế đến, tôi thiếp đi lúc nào không hay, chưa kịp cảm nhận hay nói gì. Do đó, cuộc phẫu thuật diễn ra như thế nào, họ bắt bé ra sao tôi hoàn toàn không biết. Tới khi tôi được kêu tỉnh dậy, tôi đã nằm trong phòng hồi sức, cảm thấy đau vết mổ một xíu. Lúc đó, tôi biết: "Ồ, hai bé đã ra khỏi bụng mẹ rồi". Tôi sờ xuống bụng và không thấy bụng to đâu nữa, liền thở phào nhẹ nhõm, biết tất cả mọi thứ đều ổn. Lúc đó người nhà cũng mới biết tôi vừa sinh xong, đồng thời, tôi nhận được tin nhắn từ bệnh viện báo về là tôi đã sinh hai bé vào lúc mấy giờ. Khi ấy, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều sau thời gian mang thai nhiều lo lắng lần này.
- Trong lúc chị ở phòng phẫu thuật, chồng đã động viên chị ra sao?
- Đi sinh mùa dịch nên không có người nhà nào được vào phòng phẫu thuật, tôi chỉ có một mình. Tôi cũng thấy nếu sản phụ không vững tinh thần thì sẽ dễ tủi thân vì không ai được vào cùng. Tuy vậy, ngồi chờ, làm mọi thứ chỉ một mình, tôi biết điều này sẽ làm mình trở nên mạnh mẽ hơn vì tôi biết chắc tôi không chỉ có một mình, trong bụng còn có hai con. Còn chồng ở ngoài nhưng liên tục nhắn tin: "Em ơi, sao rồi? Tới khúc nào rồi? Vô tới chỗ đó chưa? Em có cái này? Em có cái kia chưa?..."
Nói chung tôi biết tất cả mọi người ở ngoài đều không được vào nhưng mọi người đều lo lắng, đều tất bật vì tôi từ ông xã đến bà nội, bà ngoại của bé... Tôi biết điều đó nên tâm niệm một điều trong đầu: "Con ơi, cố lên! Tất cả mọi người đều chờ đợi mình. Cố lên, ba mẹ con mình sẽ không sao đâu!". Tôi giữ tinh thần thoải mái nhất có thể để vào phòng mổ. Tôi nghĩ khi tâm lý ổn định hơn, sức khoẻ cũng tốt lên theo.
- Cảm xúc của chị như thế nào khi thấy hai con?
- Tôi nằm ở phòng hồi sức khoảng bốn tiếng, được truyền giảm đau, các bác sĩ tới thăm khám và cuối cùng được đón hai bé khi chuyển về phòng bệnh dịch vụ. Khi cô hộ sinh ẵm hai bé đưa cho tôi xem, tôi mừng lắm, hạnh phúc vô cùng, nhìn con từ trên xuống dưới, muốn xem con có toàn vẹn không, tay chân như thế nào, mặt mũi tròn trịa, đầy đủ không... vì đó là điều tôi lo lắng nhất trong thai kỳ mà tôi nghĩ bà mẹ mang thai nào cũng trải qua hết.
Tôi nhìn ngắm hai bé từ trên xuống dưới và rất xúc động. Thật sự trước đó tôi không dám tưởng tượng ra trường hợp xấu nhất có thể nên tôi cứ cố gắng yêu đời, "điếc không sợ súng" thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng thoải mái hơn.
- Sau 10 ngày sinh mổ, sức khỏe và tinh thần của chị hiện tại ra sao?
- Cả hai lần vượt cạn tôi đều chọn bệnh viện Từ Dũ và may được bác sĩ Đinh Gia Đức mổ cho, bác có rất nhiều năm kinh nghiệm, mát tay trong phẫu thuật và mổ đẹp. Hiện tại, vết mổ của tôi còn nhìn không ra vì bác may rất đẹp, chăm sóc sức khoẻ của tôi và bé rất tốt.
Sau đó, ba mẹ con tôi có sức khoẻ ổn định. Có bà nội, bà ngoại chăm giùm hai bé từ lúc ở viện tới giờ nên tôi cũng hồi phục sức khoẻ sau sinh khá nhanh. Ngày thứ hai sau sinh, tôi cố gắng ngồi dậy để cho hai con bú. Bé bú xong, tôi ngồi kích sữa thêm 30 phút và cứ làm 3-4 tiếng một lần.
Tâm niệm của tôi là cố gắng để sữa về thật nhiều vì chỉ muốn con bú sữa mẹ, không muốn con bú sữa công thức ít nhất từ sáu tháng cho tới một năm đầu đời của bé. Bởi tôi học, tìm hiểu và được biết con phải mất ít nhất sáu tháng đầu đời để hệ miễn dịch phát triển hoàn thiện hơn. Trẻ sơ sinh tiếp xúc sớm với sữa công thức cũng không tốt cho bé.
Bốn ngày sau sinh, tôi xuất viện. Tôi tiếp tục hút sữa, cứ ba tiếng/lần mà mỗi lần đều ngồi trong 30 phút. Với sản phụ vừa mổ sinh đôi, việc này cũng làm mình mau kiệt sức và rất đau lưng, đau vết mổ vì ngồi nhiều. Nhưng nhờ vậy mà qua ngày thứ năm, sữa về kịp lúc. Tuy nhiên, lượng sữa chỉ đủ cho một bé bú nên những ngày đầu đời của con, tôi vẫn phải cho con dùng một ít sữa ngoài và xót xa vô cùng.
Tới nay, một lần hút sữa của tôi đã đủ cho hai bé bú, nên tôi cảm thấy sự cố gắng của mình trong những ngày qua là không uổng phí. Tôi cũng không có suy nghĩ phải ốm (gầy) xuống ngay sau sinh mà vẫn ăn rất nhiều, đầy đủ dinh dưỡng để có đủ sữa chất lượng cho bé.
- Việc tập đi sau sinh là trải nghiệm khó khăn nhất với nhiều bà mẹ, đặc biệt là sản phụ sinh mổ. Còn với chị thì sao?
- Tôi tưởng việc tập đi sẽ rất đau nhưng hóa ra tôi chịu được vì lúc ở viện, tôi được truyền giảm đau và có thuốc giảm đau. Khoảng 20 tiếng sau sinh, tôi đã đi được bình thường khi có người đỡ. Ngày thứ hai, thứ ba kế tiếp, tôi tự đi được và cảm thấy không đau.
Về tới nhà, tôi ngồi nhiều để hút sữa, bị đau lưng kèm đau vết mổ cho nên điều bực bội nhất với tôi là không thể tự làm được tất cả mọi việc. Nếu đang ngồi mà cần đứng dậy, phải gồng cơ bụng, tôi rất đau. Nhìn con ở đó mà không tới được với con, tôi rất cuồng tay cuồng chân.
Vì vậy, nếu được lựa chọn sinh thường hay sinh mổ, muôn ngàn lần tôi muốn sinh thường. Lý do vì khi sinh mổ, mẹ không tự chăm sóc cho con được, ít nhất từ nửa tháng đến một tháng. Bởi vì người phụ nữ không thể kham nổi tất cả việc chăm con, hút sữa, chịu đựng sự đau đớn của vết mổ cùng lúc.
- Sau hơn một tuần chào đời, các con của chị có nết ăn, ngủ như thế nào?
- Tôi nghĩ cả gia đình đang tìm hiểu và hai bé cũng đang tự khám phá khả năng của bản thân mình. Trộm vía hai con ngoan, khá giống chị Nì ở nết ăn, ngủ, đi vệ sinh, chơi và lặp lại vòng tuần hoàn đó trong ngày. Tôi cũng cố gắng để chăm hai con vào nếp Easy (huấn luyện nết ăn, ngủ ở trẻ sở sinh), để bé có thói quen gần giống nhau, giúp mẹ chăm con khoẻ sau này.
Hiện tại tôi thấy gia đình mình khá vui bởi vì có bà nội, bà ngoại chăm, chị hai thương yêu các bé. Nì mới năm tuổi và rất ngoan, biết tự giác mọi thứ và thương em. Lúc nào mẹ và bà bận, nghỉ ngơi một xíu, nếu Nì thấy em giật mình, Nì đều tới vỗ về hai em. Con thường nói: "Em ngoan, chị thương" khiến tôi thấy rất hạnh phúc.
Đôi khi, ông xã bước vào phòng của mấy mẹ con và thốt lên: "Trời ơi, đàn bà". Ý anh là có quá trời phụ nữ ở trong phòng và chỉ có một mình anh là đàn ông nên tôi cũng thấy khá vui. Gia đình đông đúc một xíu nhưng ai cũng cùng chung một đích là chăm sóc cho ba mẹ con để tôi có thể khoẻ lại và hai bé có sức khoẻ ổn định, phát triển khoẻ mạnh.
Vân Trang là diễn viên nổi tiếng qua các phim Cô Dâu Đại Chiến, Thiên Mệnh Anh Hùng... Năm 2016, Vân Trang lên xe hoa với ông xã là doanh nhân Việt kiều tên Lê Quân. Trở thành mẹ, Vân Trang tạm ngưng diễn xuất trên truyền hình, chỉ tham gia sân khấu kịch và phim điện ảnh. Nhờ vậy, cô có thể dành nhiều thời gian chăm sóc và dạy dỗ con gái. Ở nhà, nữ diễn viên tổ chức các hoạt động như đọc chữ, lắp ráp tranh ảnh, giúp con gái phát triển tư duy và sự nhạy bén.
Hằng Trần thực hiện