
- Không chỉ không quan tâm mà nhiều khán giả đã quên tôi rồi. Mỗi kỳ tham gia giải của Hội điện ảnh, tôi cảm giác như mình đang đứng ngoài cuộc. Nhiều người nghĩ tôi không làm phim nữa mà đi theo con đường quan chức. Nhưng một đạo diễn từng làm phim và từng có những thành công nhất định sẽ không bao giờ quên được những giây phút mình bước ra trường quay.
- Lý do nào khiến anh trễ nải việc làm phim đến vậy: thu nhập khá ở "Gặp nhau cuối tuần" hay vì thành công ở các phim trước gây nên áp lực?
- Từ khi làm Gặp nhau cuối tuần, thu nhập của tôi thấp đi nhiều. Khi chương trình có tài trợ, nhiều người nghĩ chúng tôi được ăn chia, nhưng tài trợ rơi vào trung tâm quảng cáo chứ chúng tôi vẫn nhận kinh phí theo định mức của Đài truyền hình, mà định mức của Nhà nước không bao giờ cao. Hơn nữa, thời gian của tôi bị bó hẹp. Nếu sau mỗi dự án làm phim, tôi được nghỉ ngơi để làm quảng cáo, làm các dự án phim riêng hay tham gia vào các đoàn làm phim nước ngoài để vừa học hỏi kinh nghiệm vừa kiếm tiền "Tây", thì Gặp nhau cuối tuần phát sóng hằng tuần, lúc nào tôi cũng muốn một ngày dài gấp đôi để có thêm thời gian cho công việc. Do vậy, tôi phải từ chối nhiều lời đề nghị quảng cáo hấp dẫn. Còn sự ghi nhận của những phim trước có tạo áp lực cho tôi, nhưng chỉ một phần. Áp lực lớn nhất là liệu phim tôi làm ra có hay không, mà hay ở đây là được nhiều người công nhận chứ không phải là một đối tượng nhất định. Tôi sợ nhất là xem phim của tôi mà khán giả chuyển sang kênh khác.
- Say mê làm phim, mà sức trẻ có giới hạn, sao anh không ra làm tự do như Lê Hoàng, Việt Linh, Vũ Ngọc Đãng...?
- Với Vũ Ngọc Đãng, ngay từ đầu, cậu ấy đã lựa chọn con đường không thuộc tổ chức nào. Trên con đường này, Đãng được tự do, lời ăn lỗ chịu. Nhưng cái thiệt của Đãng là không thể gắn với một tập thể, tổ chức, nghiệp đoàn, chưa trở thành hội viên của Hội điện ảnh. Với Việt Linh, Lê Hoàng, Phạm Hoàng Nam, qua báo chí tôi được biết một trong những lý do rời hãng Giải Phóng là vì họ không bằng lòng với nơi mình đang làm. Cơ chế quá cũ, có nhiều sự việc đáng tiếc mà không chấp nhận. Còn môi trường tôi đang làm có nhiều cơ hội hấp dẫn dành cho tôi. Tôi có vị thế của một người làm nghề có tiếng nói. Chứ ra ngoài làm, nói một cách sòng phẳng là tôi đi làm thuê, làm thành công họ mời tôi phim thứ hai, còn không thì Đỗ Thanh Hải chứ 10 Đỗ Thanh Hải cũng xin mời nghỉ. Nói chung, tôi nghĩ ra ngoài làm phim tư nhân không "ngon ăn" như nhiều người tưởng.
- Anh đang chờ đợi điều gì từ Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam?
- Trung tâm đang chuẩn bị dự án làm phim dài tập. Tôi được giao nhiệm vụ tham gia nhóm đạo diễn chính kiêm phụ trách dự án này. Việc chuẩn bị đã kéo dài gần hai năm nay. Êkíp thực hiện gồm đạo diễn Khải Hưng và nhóm làm Gặp nhau cuối tuần. Họ là những đạo diễn trẻ, có người từng du học nước ngoài về như Thế Anh, Khải Anh, Gia Chung. Chúng tôi đã lựa chọn được kịch bản, đang xúc tiến xây dựng trường quay, đào tạo nhân lực không chỉ đội ngũ sáng tác, quay phim, đạo diễn, âm thanh, kỹ thuật... mà còn tìm kiếm, đào tạo và tiến tới ký hợp đồng độc quyền với diễn viên, đưa thành phần làm phim chính đi đào tạo nước ngoài.
- Yếu tố nước ngoài được các anh khai thác như thế nào?
- Chúng tôi mua kịch bản của các nhà văn qua một số công ty tư nhân, nhưng hầu hết là mua bản quyền từ nước ngoài, rồi biên tập, chỉnh sửa, sáng tạo mới. Các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài cũng sẽ sang hỗ trợ. Nguồn cung cấp có thể là Trung Quốc, đời sống của họ gần với Việt Nam, họ cũng đã có những thành công trong điện ảnh, đặc biệt là phim truyền hình dài tập.
- Nội dung sẽ có gì mới hay vẫn là cách khai thác truyền thống của phim truyền hình?
- Câu chuyện phim xoay quanh cuộc sống gia đình nhiều thế hệ với nhiều tuyến nhân vật, mỗi nhân vật lại có đời sống riêng. Mỗi tuyến nhân vật lại nảy sinh những mối quan hệ khác. Phim cũng sẽ lồng ghép, gợi mở những vấn đề nóng hổi của cuộc sống như giá điện, xăng tăng, việc làm thủ tục hành chính, những mánh khóe trong thời buổi làm ăn kinh tế thị trường...
- Anh nghĩ sao về chuyện "mượn" ca sĩ, người mẫu vào phim để thu hút khán giả?
- Tiêu chí đầu tiên là diễn viên phải phù hợp theo quan điểm lựa chọn của chúng tôi và có khả năng diễn xuất, chứ chúng tôi không cực đoan đến mức không bao giờ mời ca sĩ, người mẫu.
- Với anh, dự án này là cơ hội hay áp lực?
- Một cơ hội thú vị đối với những người trẻ chúng tôi và tôi nói riêng. Nhưng nó cũng là thách thức. Bước đi ban đầu chưa có kinh nghiệm bao giờ cũng khó khăn và chắc chắn sẽ có va vấp. Nhưng tôi tin, với nỗ lực, một phần khả năng, chúng tôi sẽ làm được và sẽ thành công.