Lần thứ hai Thuý Kiều bị trôi dạt đến chốn hồng lâu, bạn có nhớ Nguyễn Du đã bố trí người anh hùng "đội trời đạp đất" Từ Hải đến với nàng như thế nào không? Chỉ là một cánh thiếp đưa đường:
"Thiếp danh đưa đến Hồng Lâu
Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa".
Chi tiết nhỏ ấy cho thấy, vào năm Gia Tĩnh triều Minh (1522 - 1566), tấm danh thiếp đã phổ biến. Điều này phù hợp với những dẫn chứng lịch sử. Theo các nhà nghiên cứu, danh thiếp ra đời đầu tiên ở Trung Quốc vào thế kỷ 15, nơi nền văn minh sớm xuất hiện, chữ viết, nghề làm giấy cũng như nghề in thủ công đã có trước đấy từ lâu.
Mãi đến thế kỷ 17, người phương Tây mới dùng danh thiếp và Viện Bảo Tàng tại Pháp còn lưu giữ những tấm danh thiếp của vua Pháp Louis (1643 - 1715), vua Phổ Karl Wilhelm, nhạc sĩ Beethoven...
Về hình dạng và kích thước, chúng chẳng khác lắm với những tấm danh thiếp ngày nay, nhưng khá cầu kỳ, không in hàng loạt mà thuê những người chữ đẹp "vẽ" hộ trong tấm, một cách bay bướm, kèm theo cả gia huy dòng họ.
Có điều, chỉ những nhà quý tộc mới có đặc quyền sử dụng và "sứ mệnh" của các tấm danh thiếp phải gánh vác cũng không giống bây giờ. Muốn đến thăm nhau mà không có lời mời trước, người ta sai đầy tớ mang danh thiếp tới nhà mình muốn tới, trao cho người hầu và nếu ông chủ đồng ý, người đó sẽ trao lại danh thiếp của chủ, khỏi nói nhiều lời. Không trao lại là từ chối một cách lịch sự mà chẳng cần biết lý do.
Lại đến thời kỳ, danh thiếp đóng vai trò đơn giản hơn, chỉ dùng khi đến thăm ai đó mà không gặp thì để danh thiếp lại, sau khi gấp một góc để thông báo rằng mình đã ghé qua...
Sau này, khi những giao lưu trong xã hội phát triển, danh thiếp được sử dụng đại trà mà ở nước ta là do nền văn minh phương Tây đưa lại. Bởi thế, cái từ carte de visite, hay nói tắt là cái card còn thông dụng hơn là từ "danh thiếp". Nó phổ biến đến nỗi, thời nay, người ta sính dùng tiếng Anh thành "cardvisit", một chữ hoàn hảo do ta "sáng tạo hộ", mà chắc dân nói tiếng Anh không chấp nhận nên chưa tìm thấy trong bất cứ quyển Từ điển nào, chỉ có những name card, business card hoặc visiting card (còn gọi là calling card) mà thôi.
Tấm danh thiếp nhỏ bé thật đắc dụng. Kích thước của nó không phải tuỳ tiện mà có quy định quốc tế hẳn hoi. Theo tiêu chuẩn ISO 7810 ID, một tấm danh thiếp có hai chiều là 85,60 x 53,98 (có lẽ để cùng kích thước với các loại thẻ khác) còn ở Mỹ (theo American Standard) là 89 x 51mm. Một số người dùng danh thiếp có kích cỡ khác thường, nhằm thể hiện cá tính của mình hoặc đôi khi là tạo sự khác biệt, đôi khi còn là sự thu hút chú ý của đối tác làm ăn, nhất là trong lĩnh vực thời trang, làm đẹp.
Danh thiếp thường in ngang, nhưng những nước chữ vuông (Trung Quốc, Nhật Bản...) có thể in dọc, đọc từ trên xuống dưới theo kiểu của họ. Nội dung của nó cho biết tên của người sở hữu, chức vụ (đôi khi cả bằng cấp, tất nhiên có cao thì mới trưng ra) cần để giao dịch, tên cơ quan, kèm theo địa chỉ số điện thoại của nơi làm việc để liên hệ vào giờ hành chính, nhà riêng, số điện thoại để gặp gỡ và nói chuyện ngoài giờ. Thời buổi "văn minh", thêm 2 "dữ liệu": số điện thoại di động và địa chỉ mạng (email). Một người có thể có nhiều danh thiếp, nội dung hơi khác nhau, để đưa ra các đối tượng khác nhau.
Nhiều người phê phán chuyện này nhưng kể ra cũng chẳng sao! Có ảnh chủ nhân để ngoài việc nhớ tên, nó giúp cả việc nhớ mặt những người mới làm quen thì có gì là quá đáng đâu. Các nước vẫn làm như thế. Dĩ nhiên phải thiết kế sao cho mỹ thuật, không để ảnh quá to, khiến người ta nhầm với chứng minh thư hoặc thẻ ra vào cơ quan...
Bạn cũng có thể thiết kế một tấm danh thiếp bằng cách dùng phần mềm Business Card Designer plus 7, trong đó có hàng trăm tấm danh thiếp mẫu. Sẵn máy in laser có thể tự làm những tấm danh thiếp riêng cho mình.
Ngày nay danh thiếp đã trở nên một công cụ giao tiếp không thể thiếu đối với rất nhiều người, nhất là trong đàm phán, kinh doanh. Đã có những cuộc giao dịch kinh doanh diễn ra trong bầu không khí gượng gạo, thậm chí thiếu tin tưởng chỉ vì một nhân vật quan trọng nào đó quên hoặc không mang danh thiếp được tiến hành trước cả khi bắt tay theo kiểu phương Tây.
(Theo Thể Thao Văn Hóa & Đàn Ông)