Thật ra câu chuyện về "văn hoá ATM" cũng chỉ là tập thứ 1.001 của thiên tiểu thuyết về văn minh ứng xử nơi công cộng. Trong cuộc sống công nghiệp hối hả, người ta có thể dành cả buổi ngồi "tán dóc" ngoài quán cà phê, quán nhậu, nhưng không tìm ra nổi 3 giây để nói lời "cảm ơn", "xin lỗi" và 5 phút để xếp hàng đến lượt mình.
Khánh, sinh viên Bách khoa, nói vui: "Đi rút tiền là phải xem giờ, nếu không chờ mải miết!". Kinh nghiệm Khánh rút ra từ khoảng chục lần kiên nhẫn chờ, chờ, đến khi tới lượt mình thì ngay lập tức… có người khác lao vào. Lại chờ, lại có người khác lao vào. Có người bất chấp bao nhiêu người đợi, cứ chui thẳng vào tận cửa buồng máy... xí chỗ. Thậm chí không dám tránh cho người trong ra vì sợ ra là mất chỗ.
Đang đi đường thấy trời nắng nóng, mệt quá, vào buồng ATM nghỉ chân. Trời mưa không mang áo mưa, đã có buồng ATM rộng mở. Chuyện "cũ rích" này ai cũng biết. Việc ai đó đứng trong buồng máy say sưa ngắm máy và không làm gì hết, khiến biết bao nhiêu người đang cần sử dụng mà không vào được là chuyện thường xuyên.
Lại có người chưa rành sử dụng cái máy "hi-tech" ấy nên mỗi lần có dịp, họ tranh thủ "mày mò, nghiên cứu" một ít cho hiểu biết thâm. Có khi đang rút tiền, họ lại gặp bạn bè thân hữu. Và họ cứ say sưa trò chuyện trong buồng máy "cho mát". Tất cả chỉ có một điểm chung là rất vô tư "tư hữu hoá" cái máy ATM.
Dĩ nhiên không ai lại đặt máy trong bãi rác. Người ta chỉ biến nơi để máy thành bãi rác thôi. Nhiều người rút tiền không cần hoá đơn. Và sau khi lấy tiền, họ vô tư quăng hoá đơn vào cái thùng rác đã quá tải từ sáng sớm. Tệ hơn, vo viên lại rồi quẳng "đâu đó" trong buồng máy.
Các máy ATM trong siêu thị không có buồng riêng như ngoài phố. Kết quả là một người rút tiền thì có hàng chục người khác đứng quanh "xem và cổ vũ". Người ta quây quần đứng nhìn người đang rút, rồi chăm chú nhìn màn hình và bàn phím, xem... mật khẩu của người khác.
Thế nên mới có chuyện có người cứ đút thẻ vào rồi lại rút thẻ ra, mãi mà chưa dám rút tiền vì sợ có người "soi".
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)