|
Vân Dung trong phim 'Ghét thì yêu thôi' |
- Sau 16 năm mới quay lại làm phim truyền hình, những cảnh quay nào trong 'Ghét thì yêu thôi' khiến chị cảm thấy khó nhất?
- Đó là tất cả những cảnh khóc. Tôi để cảm xúc trong từng lời thoại, diễn tâm trạng đến đâu thì nước mắt ra đến đấy. Nếu cảnh nào không khóc được, tôi sẽ xin phép với đạo diễn là mình không thể khóc và sẽ không khóc luôn nhưng rất hiếm khi phải làm như vậy. Ngoài ra, tôi tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mắt trong lúc diễn. Quá lâu mới được trở lại phim truyền hình khiến tôi hơi bỡ ngỡ, thường diễn theo cảm xúc và bản năng nên thỉnh thoảng gặp khó khăn ở những đúp quay cận. Tuy nhiên, tôi thường chỉ mất 1-2 lần quay ở những cảnh tâm trạng chứ không bao giờ phải quay đi quay lại quá nhiều lần.
- Chị ở ngoài đời có điểm gì giống và khác với vai diễn mới trong phim 'Ghét thì yêu thôi'?
- Vai của tôi trong Ghét thì yêu thôi rất yêu và thương con. Tuy nhiên, tính tình của bà ấy rất "trẻ con", có thể được coi là tâm hồn trẻ thơ trong gương mặt già. Con gái bà ấy càng nghiêm túc bao nhiêu thì bà ấy càng "trẻ con" bấy nhiêu. Mỗi lần định làm gì đó, bà Diễm đều livestream trên Facebook và ai xui như thế nào, bà ấy làm đúng như vậy.
Có thể nói tôi và bà Diễm trong Ghét thì yêu thôi có rất ít điểm liên quan đến nhau. Tôi ở ngoài đời là một người hơi nghiêm túc. Khi giao tiếp ở ngoài xã hội, tôi có thể ăn nói vui vẻ, hài hước, bông đùa với mọi người nhưng khi về nhà, tôi lại là người mẹ rất nghiêm khắc. Con trai tôi năm nay 16 tuổi, không được phép về muộn. Tôi quy định nếu cháu xin phép về muộn phải có lý do chính đáng ví dụ như hỏng xe, đưa bạn về hoặc giúp đỡ ai đó. Nếu không có lý do chính đáng, cháu vẫn sẽ bị mẹ nhắc nhở.
- Vì điều kiện công việc, chị và con trai phải sống xa ông xã trong hơn 10 năm nay. Những chất liệu từ cuộc sống một mình nuôi con trong suốt nhiều năm giúp chị như thế nào khi vào vai bà mẹ đơn thân như nhân vật Diễm?
- Cuộc sống của bà Diễm hoàn toàn khác so với tôi. Những người đơn thân thật sự mới có cảm xúc như bà ấy trong phim. Ở ngoài đời, tôi gần như không bao giờ phải khóc vì chồng. Trong cuộc đời mình, tôi chỉ đau khổ khi không ai mời đi làm, đi diễn, đóng tiểu phẩm hay sitcom chứ chưa bao giờ đau khổ vì chuyện gì khác. Những lúc như vậy, tôi sẽ thấy tủi thân lắm vì cảm giác bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề.
- Thời điểm khó khăn, khủng hoảng nhất của chị trong suốt 16 năm làm mẹ là gì?
- Thời gian khủng hoảng nhất có lẽ là khi cháu còn bé và suốt ngày ốm. Nhà tôi gần như chuyển hộ khẩu vào bệnh viện Xanh-Pôn. Mỗi lần tôi ôm con vào viện, bác sĩ đều hỏi: "Hai mẹ con nhà này lại vào đây à? ". Đến khi cháu lên 5-6 tuổi thì mọi thứ dần ổn định. Thời điểm hiện tại, tôi lại phải lo vì cháu đã đến tuổi tập làm người lớn và muốn làm mọi thứ theo ý mình.
Vì chỉ có một mẹ một con nên tôi dạy con tự lập và tiết kiệm từ nhỏ để sau này cháu không ỷ lại vào mẹ. Tôi không bao giờ dỗ con mỗi khi cháu khóc ăn vạ vì quan niệm đã dỗ 1 lần thì sẽ phải dỗ 100 lần sau đó. Kể cả lúc nhỏ, con trai tôi giận dỗi, chui vào gầm giường nằm khóc, tôi cứ để cho cu cậu nằm khóc đến bao giờ mệt thì lăn ra ngủ. Tôi nói với con rằng: "Mẹ phải rất vất vả để đi kiếm tiền nuôi con nên mẹ không thể xin lỗi khi con sai. Con phải chịu trách nhiệm về những việc làm không đúng của mình". Chính vì vậy, không có chuyện tôi nịnh nọt, xin lỗi, dỗ dành khi con sai.
- Quan điểm giáo dục con của chị ảnh hưởng nhiều nhất từ ai?
- Tôi nhìn gương của bố mẹ. Bố mẹ tôi dạy tôi như thế nào thì tôi dạy con tôi đúng như thế. Nhà tôi có truyền thống con cái phải có hiếu với bố mẹ và mình sống với bố mẹ như thế nào thì sau này con mình sẽ đối xử với mình như thế. Thứ tự ở gia đình tôi là bố mẹ được đặt lên hàng đầu, sau đó là mình và rồi mới đến con. Tôi quan niệm bố mẹ là người sinh ra mình, nuôi mình khôn lớn cho mình ăn học để có được như ngày hôm nay nên những gì tốt đẹp nhất tôi dành cho bố mẹ trước tiên, rồi mới đến con. Tôi không có nghĩa vụ cung phụng một đứa trẻ con vì con là do mình sinh ra nên con phải có hiếu và chăm lo cho mình lúc về già.
Tôi cho con những điều tốt đẹp nhất trong khả năng của mình nhưng không cho phép con được đòi hỏi những thứ quá đáng và cháu đã quen với việc đó từ bé. Khi còn nhỏ, cháu rất thích và mơ ước có một chiếc ôtô đồ chơi giống của nhà hàng xóm. Biết điều đó, tôi nói: "Mẹ sẽ mua cho con nhưng mẹ không có nhiều tiền đâu. Nếu quá 1 triệu đồng thì thôi con nhé" và con đồng ý với điều đó. Khi hai mẹ con lên Lương Văn Can, nghe người ta bảo chiếc xe đó giá 2,4 triệu đồng, cu cậu liền lè lưỡi rồi nói: "Thôi mẹ ạ, Nhím không cần đâu. Mẹ cho Nhím về chơi ôtô nhà hàng xóm". Kể cả tôi nói rằng sẵn sàng mua chiếc xe đó, cháu cũng nhất định không chịu mua nữa. Bây giờ, cháu cũng không bao giờ đòi hỏi quần áo hàng hiệu vì tôi thường xuyên nói với cháu rằng "Mẹ không có tiền". Nếu gặp món đồ nào từ 500-600 nghìn đồng trở lên thì cháu sẽ không mua.
Con trai tôi là người rất tiết kiệm trong cuộc sống. Ngoài ra, cu cậu còn thường xuyên cho các bạn trong lớp thuê truyện hoặc bán lại ôtô đồ chơi cũ cho các bạn để kiếm tiền nộp kế hoạch nhỏ ở trường hoặc ủng hộ những bạn nhỏ khó khăn ở vùng sâu vùng xa.
- Chị làm thế nào khi con có dấu hiệu phản kháng, nổi loạn ở tuổi dậy thì?
- Tôi không bao giờ che giấu, bênh vực hoặc biện hộ cho con. Khi con trai quên không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, bị các chú cảnh sát gọi vào và gọi điện về nhờ cậy đến sự giúp đỡ của mẹ, tôi liền bảo chú công an cứ phạt luôn để răn đe. Nếu cháu đi học muộn và gọi về nhờ tôi nói giúp với cô giáo , tôi cũng sẽ bảo với cháu rằng con phải chịu trách nhiệm về những việc con đã làm. Mẹ không phải là người khiến con đi học muộn nên làm thế nào để con thuyết phục được cô giáo và nhà trường cho vào lớp là việc của con, không phải việc của mẹ.
- Chị làm thân với các bạn của con như thế nào?
- Các bạn ấy thường chủ động làm thân với tôi trước. Bọn trẻ con thích tôi lắm vì tôi hay kể chuyện cười. Tôi thường bảo con rủ các bạn đến nhà chơi hoặc đi chơi, đi ăn cùng hai mẹ con tôi. Tuy nhiên, tôi rất nghiêm khắc nên khi làm sai điều gì, các cháu thường nói "Sợ mẹ bạn Nhím lắm!" (cười).
- Những phụ huynh nghiêm khắc thường khó đối thoại với con, còn chị thì sao?
- Ông xã tôi rất giỏi đối thoại với con nên tôi không phải làm việc ấy. Trong nhà phải có một người ác và một người hiền. Nếu cả hai đều ác thì chắc tan nhà mất (cười). Vợ chồng tôi thỏa thuận với nhau nếu bố mắng con thì mẹ sẽ im và ngược lại nếu mẹ mắng thì bố sẽ im. Ở nhà tôi, không có chuyện một người mắng còn một người bênh. Khi người này lên tiếng dạy bảo con thì người kia sẽ lánh sang một bên và tuyệt đối không lên tiếng. Bên cạnh đó, chúng tôi không bao giờ dạy dỗ con trước mặt người khác để làm mất sĩ diện của cháu.
- Chị và ông xã có mâu thuẫn gì trong quan điểm dạy con?
- Anh ấy rất hay nói chuyện với con và cách nói chuyện của anh ấy khác hoàn toàn với tôi. Anh ấy khi nói chuyện với con giống như hai thằng đàn ông nói chuyện với nhau, rất ngắn gọn súc tích. Bố thì bận công việc ở xa, con thì phải đi học nên lúc nào hai bố con gặp nhau, anh ấy cũng tạo cảm giác thoải mái để con yêu quý bố nhất. Trong khi đó, tôi là người sâu sát hơn và thường dạy con với tư cách của một người mẹ nên đôi khi tôi nói hơi nhiều. Vợ chồng tôi mỗi người có một quan điểm nên nhiều lần tranh luận về việc dạy con nhưng thống nhất với nhau không thể quá hiền mà cũng không thể quá ác với con.
- Chỉ có hai mẹ con chị ở Hà Nội trong khi ông xã ở xa, chị sắp xếp việc gia đình thế nào nếu phải đi công tác?
- Hàng ngày, con trai giúp tôi những công việc vặt như rửa bát, đổ rác. Hôm nào mẹ về muộn, cháu sẽ đặt nồi cơm, luộc rau sẵn rồi chờ mẹ về làm thức ăn mặn. Những ngày tôi đi công tác, bạn ấy sẽ sang nhà ông bà ngoại ở cạnh để "ăn chực".
Mỗi khi nhận một phim nào đó, tôi đều nói trước với con để cháu tự dậy đi học, tự làm mọi việc trong nhà. Những lần như thế, tôi sẽ thường xuyên gọi điện về để xem con đã làm những việc được giao như thế nào. Tôi hiểu rằng tất cả mọi người đều có con và họ vẫn có thể sắp xếp công việc nên mọi người làm được thì tôi cũng làm được.
- Chị từng chia sẻ con trai có niềm đam mê với diễn xuất. Chị sẽ định hướng cho con trong nghề này như thế nào?
- Bạn ấy rất thích theo đuổi nghiệp diễn giống mẹ. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ mang con đến trường quay để nhờ vả các đạo diễn giúp đỡ con mình. Vì tôi biết nghề này không thể trông chờ vào sự nâng đỡ. Nếu nó thông minh, đam mê nghề và thật sự giỏi thì con ở đâu cũng sẽ được chú ý. Tôi quan niệm con lớn rồi thì phải tự đi bằng chính đôi chân của mình.