![]() |
Vaccine Infanrix hexa do Công ty GlaxoSmithKline sản xuất: có ngày sản xuất và hạn sử dụng trên vỏ hộp giấy và trên lọ văcxin hoàn toàn khác nhau. |
Priorix sản xuất tại Bỉ được Công ty GlaxoSmithKline (GSK) đưa vào thị trường VN bởi nhà phân phối độc quyền là Zuellig Pharma (ZP) VN. Chuyện “lòng vòng” phát sinh từ chỗ ZP không có chức năng nhập khẩu và không có chức năng phân phối trực tiếp tại VN, nên ZP nhập ủy thác qua Công ty xuất nhập khẩu Dược TP HCM là Sapharco và xuất hóa đơn bán hàng qua Công ty cổ phần Dược liệu trung ương 2 (Phytopharma).
Cụ thể, khi các đơn vị mua vaccine thì gọi đến ZP và được ZP giao hàng tận nơi nhưng xuất hóa đơn của Phytopharma. Các “đối tác” VN như Sapharco, Phytopharma, hoặc công ty TNHH phân phối trung gian chỉ hưởng phần trăm trong hệ thống này (thường khoảng 2-3%) mà không thể đẩy giá lên vì giá CIF (giá nhập khẩu đến VN, chưa tính thuế VAT) do nhà sản xuất quyết định và cùng Zuellig Singapore đưa ra, vào VN cộng thêm phí phân phối để thành giá bán thống nhất trên toàn quốc. Quyền khuyến mãi 10%, 15%... từng loại vaccine do GSK quyết định.
Cái lõi của chuyện mua bán lòng vòng là gì? Đó là sự độc quyền trong phân phối của ZP. Các công ty VN không thể làm gì khác hơn là phải chấp nhận “bán” danh nghĩa để hưởng phí một vài phần trăm.
Một cán bộ Sapharco nói: “Nếu chúng tôi không nhập ủy thác cho ZP thì sẽ có công ty xuất nhập khẩu khác tại TP HCM hoặc Hà Nội nhập cho ZP...”.
Từ vụ tiêm phòng gây chết người ở quận 5, báo chí lên tiếng thì chánh thanh tra bộ lại đổ lỗi cho cơ chế và nêu giải pháp là “phải gia nhập WTO. Lúc đó doanh nghiệp nào đủ năng lực thì nhập khẩu và phân phối vaccine”. Điều này khác nào trao hết cho công ty nước ngoài định đoạt.
Và cũng chính cơ chế để các công ty nước ngoài độc quyền định giá, trong đó bao trùm cả những khuyến mãi 10%, 15%... nên các phòng khám trẻ em, đội y tế dự phòng quận huyện rất tích cực “khuyên rằng” phụ huynh nên tiêm vaccine dịch vụ cho trẻ. Thậm chí phòng mạch tư không được phép tiêm vaccine cũng chích.
Thị trường vaccine dịch vụ có 20-30 loại, giá từ vài chục nghìn đồng/liều đến 200-300 nghìn đồng, thậm chí 500.000 đồng/liều. Bác sĩ giới thiệu “nên chích”, sợ con mình mắc bệnh nên phụ huynh cứ cho chích mà không thể biết lọ vaccine đó đi vòng vèo thế nào, bảo quản ra sao, chất lượng còn bao nhiêu phần trăm...
Một bác sĩ phân tích, việc bảo quản, vận chuyển vaccine trong dây chuyền lạnh phải rất nghiêm ngặt, nhiệt độ cao hoặc đóng băng (tùy loại vaccine) đều có thể làm hỏng, mất hiệu lực của vaccine, thậm chí trở nên nguy hiểm. Chích phải vaccine mất hiệu lực không chỉ vô dụng mà có thể có nhiều phản ứng hơn.
Để tồn tại thực trạng nhập khẩu và phân phối như hiện nay với nạn khuyến mãi chích vaccine dịch vụ tràn lan, trách nhiệm chính là Bộ Y tế. Chúng ta không phải chỉ trả giá một mạng người, mà còn chịu những tác động của vaccine lên sức khỏe hàng triệu trẻ em VN, không phải một năm mà 10-20 năm nữa nếu không quản lý chặt chẽ.
Các loại vaccine nằm ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng cũng phải được Viện Pasteur TP CM, Trung tâm y tế dự phòng, với điều kiện kho chứa và trách nhiệm quản lý nhà nước - quản lý, điều phối, kiểm soát từ lộ trình nhập đến giá cả, chất lượng, kể cả các chỉ định của bác sĩ để bảo đảm an toàn cho người dân.
Vẫn còn ba bệnh nhi nằm viện Ngày 26/5, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết đến nay vẫn còn ba bệnh nhi bị tai biến sau chích ngừa vaccine tại quận 5 nằm điều trị tại bệnh viện. Đó là bé Hoặc Chí Vinh, đã tỉnh táo hoàn toàn, ăn uống bình thường, không bị di chứng sau tai biến; bé Ngô Huy Tự (5 tháng) bị tai biến do chích ngừa vaccine ngừa viêm gan B (chương trình tiêm chủng mở rộng). Cả hai bé chưa xuất viện vì còn tiếp tục điều trị cho đủ liều thuốc. Bé Nguyễn Minh Quân còn nằm một chỗ, chưa tỉnh hẳn, có biểu hiện co gồng tay, có khả năng bị di chứng thần kinh do sốc nặng. Bé Minh Quân ngoài việc điều trị, sau này còn phải tập vật lý trị liệu... Với ba bệnh nhi bị tai biến nhẹ hơn do chích vaccine Priorix và một bệnh nhi bị tai biến sau chích ngừa vaccine Varilrix đã khỏe mạnh bình thường và xuất viện về nhà. |
(Theo Tuổi Trẻ)