Ki_en
Ấy là những tháng Ba quê. Với một mái làng lơ thơ tre pheo. Những bụi tre còi cọc mọc dại khắp làng. Cả những con đường quanh co, nhỏ nhỏ, đi qua những mảnh vườn luống lấm tấm xanh, thấp thoáng những bù nhìn bằng rơm, đội nón rách, phất phơ dăm tàu lá chuối héo. Và ở đâu cũng thấy những cái ao bèo xanh đặc, với những bờ ao đầy hoa giành giành trắng...
Làng thuở ấy nhiều ao, mỗi mùa mưa, những cái ao bèo đầy nước, mấp mé lên tận đường đi khiến những con đường, những lối ngõ đều lầy lội, chân đi phải bấm xuống mặt bùn. Những chiếc xe đạp thồ, những gánh hàng rong đi qua làng, phải bì bõm lội qua những đoạn ngõ trũng, nước ngập ngang bắp chân, trong tiết rét cuối mùa. Câu nói "Trăm cái tội không bằng cái lội làng La" có lẽ ra đời sau những mùa mưa lội làng như thế.
Ở quê ngày xưa, tháng Ba, sau những ngày thanh minh tảo mộ, cũng là tháng đói tháng kém. Cái mùa cải chửa ra cây cà mới nụ. Lúa ngoài đồng đương xanh, cây ngoài vườn chưa quả. Nhìn quanh quất chỉ có mấy ngòi rau muống trái mùa, dăm thứ rau tập tàng trong vườn, vài buồng chuối xanh đầu ngõ... Trong nhà cũng chỉ còn mấy mẻ khoai giun, vài bắp ngô vàng lắt lay treo gác bếp, và mấy thùng thóc giống cuối buồng, một vài chum tương đã cạn gần đến đáy.
Những tháng Ba ngày giáp hạt, người lớn kéo nhau đi khắp nơi, thanh niên cửu vạn mọi miền, trẻ con bà già ngồi trong bếp khói hun nhòe mắt, vừa đan rổ hoặc bện chổi rơm, chờ nồi cháo loãng lục bục sôi trong củi rơm ướt chảy ướt chả. Khi đám trẻ con trầy trật với lên sởi, đậu mùa, trái dạ, thì những con vện, con Vàng, con Mực ngồi uể oải trước thềm, thi thoảng sủa lên vài tiếng vu vơ khi thấy một bóng người đi ngang ngõ... Trâu bò trễ nải gặm cỏ ngoài đê, ham ăn gặm vờn cả xuống mép lúa...
Những xế chiều trời hửng, ráng chiều vàng cả một bờ đê, mặt đường se khô lại, cũng là lúc trâu bò về chuồng, gặm nốt vài ôm rơm rút về từ cây rơm ngoài cổng. Những sợi rơm đã bị rút nhiều, để lại cây rơm vẹt một góc tướng, liêu xiêu như cây nấm ven đường đi...
Nhưng cũng lại là mùa của những mùa hoa. Trong những ưu tư rì rầm khốn khó, bên những hàng xoan nở ra những tím nhạt từng chùm, những hàng dâu da nở ra những trắng trời nhễ nhại, thấy hoa gạo đỏ cháy lên đầu những cành cây khô khẳng. Trong âm u, cái màu hoa cứ rực lên như lửa đỏ, đứng cách một quãng đồng xa còn hoa mắt. Thấy cả những tiếng cuốc kêu vang, loang từ ao nọ sang ao kia, vẽ những vòng sóng động dưới mặt cầu ao cá thòng đong tớp tớp. Những tiếng cuốc kêu thật buồn, thê thiết và ám ảnh. Để nhiều năm xa lắc rồi, vẫn thấy âm ba gờn gợn cuối trời, vẽ lên những mảnh làng xanh um, thao thức...
Sang tháng Tư, trời sẽ có thêm nắng mới. Những chị gái giặt áo bồm bộp bên cầu ao. Áo ấm, áo len, áo bông, áo đỏ, áo xanh phơi đầy sào, đầy dây phơi, đầy bờ dậu. Cỏ bắt đầu xanh ra đến ngoài đồng, lúa sớm cũng đã bắt đầu làm đòng, bụng lúa căng ra đương thì, hương bay về ngòn ngọt. Người ta ngồi trông chim tu hú về vườn vải, đợi những lúa mới đầu mùa.
Khi những vườn đỗ, vườn cà bắt đầu cho quả, sẽ lại đi qua những tháng Ba như thế. Trời dâng lên cao, khấp khởi những hy vọng. Sau những cơn mưa rào, rau muống non sậm sựt bốc khói trên mâm. Các chị gái quẩy quang ra chợ, mua thúng mủng, thừng chão, qua hàng thợ rèn mua dăm ba chiếc liềm, chờ mùa gặt, chờ những người đàn ông xốc vác trở về, vào vụ, kéo xe cút kít ra đồng...
Đấy thực sự là những tháng Ba của ký ức đã qua. Ký ức nào cũng rất mờ xanh, xanh như trông lại những cánh đồng, trong một chiều mưa hư ảo...
Vài nét về blogger:
Tác giả của các entry trong blog này chỉ mang tính chất minh họa, nghĩa là hoàn toàn hư cấu và không có thật. Chỉ có các nhân vật là có thật mà thôi.
Bài đã đăng: Tết đợi, Giữa mùa hè, Đi qua hoa xuân, Bánh chưng rán, Chuyện ở nhà anh William Cường, Khi búp non bị "oánh", Giày bata và xe đạp eska, Yêu, Vâng, em sến, Nàng ốm, Hãy hôn nhau đi, Em đi 'khò' đây, Ăn tối một mình.